Giỏ hàng
Tài khoản

Thiền định tạo nên công đức như thế nào?

calendar 15/02/2024 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

thiền định tạo nên công đức như thế nào?

THIỀN ĐỊNH TẠO NÊN CÔNG ĐỨC NHƯ THẾ NÀO?

Thời kỳ tiền Phật giáo, những hành động để tạo nên Công đức (Merit) thường được thực hiện bằng việc thờ cúng tổ tiên. Cho đến khi Phật giáo ra đời, quan niệm về Công đức đã mang một ý nghĩa tổng quát hơn về mặt đạo đức. Nó gắn liền với ý niệm về sự trong sạch và tốt lành.

Công đức là nguồn sức mạnh có được từ những việc làm tốt của một người, nó có khả năng mang lại những điều kiện tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cũng như cải thiện tinh thần và sự an lạc nội tâm của người đó. Hơn nữa, Công đức còn ảnh hưởng đến những kiếp sau, cũng như đích đến mà một người sẽ tái sinh (thú vật, người hoặc chư thiên..). Ngược lại với Công đức là Phi phước (Pāpa - Demerit), và người ta tin rằng Công đức có thể làm giảm bớt Phi phước. Quả thực, Công đức chính là sự gắn kết mật thiết với hành trình dẫn đến Niết bàn.

BA THỰC HÀNH TẠO NÊN CÔNG ĐỨC

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) Đức Phật dạy rằng:

“Này các Tỳ kheo, có ba cách tạo nên Công đức (Puñña). Ba cách nào? Có những cách tạo nên Công đức bằng cách Bố thí (Dāna), bằng thực hành Đức hạnh (Sīla - Giữ giới) và bằng Thiền định (Bhāvanā)".

★ Bố thí - Dāna

Khi bạn cho người khác bất cứ thứ gì. Điều đó tạo ra một mối gắn kết ngay lập tức, nó xóa bỏ ranh giới giữa người cho và nhận. Nhưng khi bạn mua hoặc bán thứ gì đó, luôn có một ranh giới. Tiền bạc phải sang tay chính là điều tạo nên ranh giới. Khi cho đi không vụ lợi, bạn đã tạo ra Công đức bằng cách xóa bỏ ranh giới giữa mình và mọi người, hay làm nhỏ đi cái tôi của bạn. Điều quan trọng nhất, bạn đang khuyến khích người khác làm những việc sẽ mang lại hạnh phúc cho chính họ bằng hành động Bố thí.

★ Đức hạnh hay Giữ giới - Sīla

Khi thực hành Đức hạnh hay Giữ giới, bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc thực sự của mình phụ thuộc vào việc không làm hại người khác. Vì vậy, bạn không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất say. Đồng thời, bạn đang thực sự chăm lo đến lợi ích của chính mình. Bởi vì, bạn không tạo ra các loại nghiệp xấu sẽ quay lại làm hại bản thân mình. Do đó, những người khác được hưởng lợi và bạn cũng được hưởng lợi. Bất kỳ thực hành nào mang lại lợi ích cho tất cả mọi người tất nhiên sẽ tạo nên Công đức.

★ Thiền định - Bhāvanā

Đây cũng là một thực hành trong đó bạn đem lại hạnh phúc cho bản thân mình và lan tỏa cho người khác. Thực tế là, bạn đang đối phó với lòng tham, sân, si của chính mình. Bạn đang cố gắng làm cho chúng suy giảm, cố gắng làm cho chúng ít có khả năng bộc phát thành một hành động cụ thể. Điều đó có nghĩa là những người khác sẽ được hưởng lợi. Họ chắc chắn sẽ không trở thành nạn nhân của những hành động xuất phát từ lòng tham, sân hận hay ảo tưởng của bạn.

Vì vậy, thật tuyệt vời khi bạn Thiền định, lợi ích của nó không chỉ dành riêng cho bạn. Bạn đang thực hành để lan tỏa năng lượng của lòng nhân từ ra khắp mọi nơi, lan tỏa niềm hạnh phúc tới tất cả mọi người mà không có bất kỳ ranh giới nào có thể cản trở.

Thêm vào đó, bằng cách hồi hướng Công đức sau khi Thiền định (cho cha mẹ, người thân, mọi người..). Công đức của bạn sẽ không hề bị suy giảm - giống như cách bạn dùng ngọn nến của mình để thắp sáng những ngọn nến khác. Nhờ đó, "ánh sáng Công đức" của bạn càng được lan tỏa và gia tăng nhiều hơn nữa.

TẠI SAO BẠN NÊN THIỀN ĐỊNH?

Mặc dù bề ngoài Thiền định không bộc lộ các phẩm chất nhân từ hay vị tha như hai thực hành kia. Tuy nhiên, hình thức thực hành có vẻ giản dị này thực sự là một cách thức để đạt được Công đức.

Trên thực tế, Đức Phật đã mô tả thực hành “phát triển tâm thiện chí” (Bhāvanā - Thiền định) sẽ tạo ra vô số Công đức vượt trội hơn bất kỳ hình thức tạo Công đức nào khác. Có nghĩa là Thiền định không chỉ là một cách thức khá thuận lợi và đơn giản, mà đó còn là khả năng và cách thực hành tốt nhất để tích lũy Công đức.

Cho dù việc theo đuổi Công đức không dẫn tới Hạnh phúc Viên mãn hay Niết bàn. Nhưng Đức Phật vẫn cho rằng Công đức là điều mà bất kỳ ai và tất cả những người khôn ngoan, sáng suốt nên tích lũy. Công đức mang lại lợi ích cho tất cả những ai có được nó, và đóng vai trò là chìa khóa để cải thiện hạnh phúc và vận may của một người trong kiếp này và kiếp sau. Đối với những ai đang trên hành trình hướng tới giác ngộ, Công đức làm cho hành trình của họ trở nên thuận lợi hơn. Đối với những ai chỉ muốn cải thiện cuộc sống của mình thì Công đức làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Bởi vậy, tích lũy Công đức có lẽ là lý do hữu hình nhất về mặt tâm linh giải thích cho việc tại sao mọi người nên Thiền định.

Có thể bạn quan tâm: 51 Lợi ích hàng đầu của thiền định

NGUỒN THAM KHẢO:

  • Trích dẫn từ bài viết "Why do Buddhists Meditate?", by: Nicholas Liusuwan.
  • Trích dẫn từ bài viết "Don’t Underestimate Merit", by: Thãnissaro Bhikkhu.
  • Trích dẫn từ bài viết "Sutta Question - Three Ways of Making Merit", nguồn: Buddhism Stack Exchange.
  • Trích dẫn từ bài viết "Merit (Buddhism)", nguồn: wikipedia.

Tổng hợp & Biên soạn: Thang Mlod.| Ảnh mạng.

Viết bình luận của bạn: