Giỏ hàng
Tài khoản

9 Trạng thái của sự tập trung - Định

calendar 03/11/2023 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

9 trạng thái của sự tập trung - định

"Mỗi người trong chúng ta đều là bậc thầy với những khả năng vô hạn ở cấp độ vũ trụ. Thông qua thiền định, chúng ta sẽ trải nghiệm sự vĩ đại của chính mình, tiềm năng thực sự của chúng ta".

"Each one of us is a master of infinite possibilities at a universal scale. Through meditation we experience our own magnificence, our true potential".

Bất kể thời gian thiền định của bạn ngắn hay dài, sự tập trung của bạn sẽ trải qua 9 trạng thái khác nhau. Kinh điển yoga gọi nó là "navaakaaraacittasthiti", nghĩa đen là 9 dạng thức của trạng thái tinh thần. Sau nhiều năm thực hành thiền định, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng: Tất cả những thiền giả vĩ đại nhất, từ những thiền sinh mới bắt đầu cho đến những hành giả yoga giỏi nhất, họ đã từng trải qua những giai đoạn này. Không một ai sinh ra đã có được những kỹ năng thiền định. Thiền định phải được học hỏi giống như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác.

Sự khởi đầu của thực hành thiền định thật khó khăn và mệt mỏi. Tâm trí chúng ta vốn quen chú ý đến những điều thú vị và hấp dẫn. Ở giai đoạn đầu, thiền định thường không đem lại những cảm giác gây hưng phấn, thậm chí nó được gán cho một từ là 'nhàm chán'. Sự tập trung chú ý của bạn luôn chuyển từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác. Bạn càng cố gắng ép buộc nó, nó càng phản kháng mạnh mẽ hơn. May mắn thay, có những cách thức để duy trì sự chú ý và tập trung của bạn.

Tôi khuyên bạn là, thay vì thực hành một buổi thiền kéo dài 45 phút, hãy thực hành trong ba buổi 15 phút với sự tập trung tỉnh táo và sắc bén. Chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với một buổi 45 phút. Theo thời gian, khi đã tiến bộ hơn, bạn có thể tăng dần thời lượng. Tôi cũng muốn nói với bạn rằng, trong thực tế, không hề có sự thích thú trong thiền định tập trung. Nhưng một khi bạn bắt đầu trải nghiệm một tâm trí tĩnh lặng, bạn sẽ nghiện thiền.

9 TRẠNG THÁI CỦA SỰ TẬP TRUNG

1. Định Vị Sự Tập Trung

Kinh điển yoga gọi nó là "cittasthaapana". Nó cũng có nghĩa là vị trí của tâm trí. Đây là giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời của một thiền giả. Ở giai đoạn này, tâm trí liên tục lang thang và không dừng lại ở một ý nghĩ nào quá vài giây. Giai đoạn này, thiền định giống như một cuộc chiến với tâm trí. Về cơ bản, nỗ lực của thiền sinh trong việc định hướng những suy nghĩ của mình chỉ dẫn đến trạng thái bồn chồn hơn. Đây là sự khởi đầu thực hành thiền định. Bạn hãy ngồi thiền với tâm trí tỉnh táo và đặt sự chú ý của mình vào đối tượng thiền (đó có thể là hơi thở, âm thanh, hình dạng hoặc khoảng không). Giai đoạn này tương ứng với lời hướng dẫn trong phần bên dưới "9 chỉ dẫn quan trọng" đó là "Định vị tâm trí" bạn.

2. Sự Tập Trung Không Liên Tục

Giai đoạn này được gọi là "samsthaapana", nó cũng có nghĩa là an ủi hoặc khuyến khích sự tập trung. Người hành thiền sẽ trải qua những khoảng thời gian ngắn kéo dài vài giây với sự tập trung tốt trong quá trình thiền định.

Đây là những lúc tâm trí không lang thang. Sau vài giây tâm trí yên tĩnh, các ý nghĩ sẽ lại ập đến. Giai đoạn này người hành thiền thường chưa nhận biết được khi những ý nghĩ họ lang thang trong khoảng vài phút. Họ “quên mất” rằng mình đang hành thiền.

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ phát hiện ra tâm trí mình đang lang thang. Mỗi lần như vậy, hãy đưa sự tập trung của bạn trở lại với đề mục thiền, theo lời hướng dẫn thứ hai bên dưới: "Lắng dịu tâm trí một cách trọn vẹn". Bạn đã thực hành để định vị tâm trí mình trong giai đoạn đầu và bây giờ bạn đang tập trung vào việc làm lắng dịu nó.

3. Sự Tập Trung Liên Tục

Giai đoạn này được gọi là "avasthaapana", điều thú vị là nó cũng có nghĩa là "bộc lộ". Điều gì xảy ra khi cơ thể bạn tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh - liệu bạn sẽ cảm nhận chúng tốt hơn không? Tương tự như vậy, khi bạn đối mặt với tâm trí trong khi thiền, bạn sẽ trở nên tỉnh giác và tỉnh táo hơn.

Chánh niệm đang giám sát tâm trí bạn. Sự khác biệt chính giữa giai đoạn này và giai đoạn trước đó là mức độ tỉnh táo. Trong giai đoạn này, thiền giả luôn cảnh giác và nhận biết ngay khi tâm trí họ bị xao lãng.

Để tăng cường sự tập trung và cải thiện chất lượng của nó, bạn hãy thực hiện theo lời chỉ dẫn thứ tư bên dưới: "Lắng dịu tâm trí một cách quyết liệt".

4. Sự Tập Trung Ổn Định

Nó được gọi là "upasthaapana". Theo nghĩa đen có nghĩa là sẵn sàng, và đó là tính chất của giai đoạn này: Sự chuẩn bị sẵn sàng cho thực hành thiền định thực sự. Trong giai đoạn này, thiền giả gần như có thể duy trì sự chú ý của mình trong suốt thời gian hành thiền, nhưng họ vẫn bị quấy nhiễu bởi những lúc tâm trí bồn chồn và hôn trầm (buồn ngủ, mơ màng).

Khi bạn đã trải qua những giai đoạn trước đó thì đến giai đoạn này tâm trí bạn sẽ bắt đầu phản kháng ít hơn. Nó vẫn không muốn bị khống chế. Nó thích 'trôi nổi' theo cách riêng của nó. Ở giai đoạn này, nếu bạn thực hiện theo hướng dẫn thứ năm "Dọn sạch các chướng ngại", bạn sẽ trải nghiệm được sự tập trung ổn định, Có nghĩa là dọn sạch tâm trí bạn khỏi những trở ngại. Sẽ có một số trở ngại nhất định như bồn chồn, buồn ngủ, v.v. Nếu bạn nhẹ nhàng hướng sự chú ý của mình trở lại thời điểm hiện tại, bạn đang trên tiến trình tiến tới giai đoạn tiếp theo.

5. Sự Tập Trung Rõ Ràng

Trong tiếng Phạn, giai đoạn này được gọi là "damana", có nghĩa là thuần hóa hoặc điềm tĩnh. Người hành thiền có thể trải nghiệm sự tĩnh lặng sâu lắng của tâm trí mình. Sự tập trung của thiền giả được thuần hóa ở giai đoạn này.

Tôi phải đề cập về một quan niệm sai lầm phổ biến mà nhiều thiền sinh mắc phải: Khi bạn cảm thấy an lạc trong thiền định, đó không phải là sự điều phục tâm trí. Đôi khi, điều đó là hoàn toàn do bạn đã đánh mất sự sáng suốt-tỉnh táo, mất đi sự tập trung sắc bén!

Khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng sau khi định vị, ổn định, lắng dịu và dọn sạch tâm trí cho sự tập trung của mình, bạn bắt đầu cảm thấy tâm trí hơi bồn chồn, thực sự khá bồn chồn. Bạn không thể làm gián đoạn buổi thực hành của mình bằng cách tự độc thoại hoặc duy trì sự giao cảm với tâm trí mình. Thay vào đó, bạn phải tiếp tục thực hiện lời chỉ dẫn thứ sáu đó là "Tĩnh lặng tâm trí bạn".

6. Lắng Dịu Tâm Trí

Giai đoạn này được gọi là "shamana" và có nghĩa là bị dập tắt. Đến giai đoạn này, các ý nghĩ trong tâm trí của thiền giả đã được dập tắt. Hầu như tâm trí không còn hiện diện các chướng ngại tinh thần. Tuy nhiên, nỗ lực tinh thần của thiền giả đôi khi làm phát sinh những cảm giác bồn chồn hoặc phấn khích vi tế. Trong giai đoạn này, hầu hết trạng thái tâm trí của thiền giả đều diễn biến như vậy, vì đây là lúc bạn đã thực hiện điều mà tâm trí hoàn toàn không quen làm - đó là sự thanh thản và tĩnh lặng. Chỉ những thiền giả chân thành và tận tâm mới đạt đến giai đoạn này.

7. Sự Lắng Dịu Hoàn Toàn Của Tâm Trí

Nó được gọi là "vyupashamana". Điều thú vị nhất là thuật ngữ "vyupa" có nghĩa là "tâm trí thiền giả dễ dàng bị điều khiển theo những gì họ muốn" (Tạm dịch từ câu thành ngữ tiếng Anh: The one who eats out of his own hands). Đây là một trong những giai đoạn tuyệt vời nhất của thiền định. Tâm trí ở trạng thái này đang nhìn vào chính nó một cách sắc bén. Nó có thể nhận biết sự hôn trầm, bồn chồn, những suy nghĩ, cảm xúc và tất cả những phiền nhiễu khác nhau. Tâm trí hoàn toàn lắng dịu và không ngừng duy trì trong sự yên tĩnh bền vững.

Giai đoạn này có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào, giống như một đứa bé bị giật mình tỉnh giấc khi gặp cơn ác mộng. Vi vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu mất tập trung nào do tâm trí bạn nổi loạn, hãy thực hiện lời chỉ dẫn thứ bảy: "Tĩnh lặng tâm trí một cách trọn vẹn".

8. Sự Tập Trung Cao Độ

Trong gia đoạn này, tâm trí đạt được định nhất tâm (single-pointed / one-pointed). Nó được gọi là "ekotikarana". Thiền giả có thể thực hiện một thời thiền với tâm trí sáng suốt-minh mẫn không gián đoạn kéo dài gần hai giờ, trong tư thế ổn định nhất. Thực tế, không có sự xuất hiện của trạng thái hôn trầm hoặc bồn chồn. Ở giai đoạn này, hãy thực hiện theo hướng dẫn thứ tám: "Hướng tâm trí vào dòng chảy". Bây giờ, sự tập trung (định) của bạn sẽ trở thành một dòng chảy êm dịu và không gián đoạn.

9. Sự Nhập Định Sâu Lắng

Nó được gọi là "samaadhaana" và nó có nghĩa là sự cân bằng yên tĩnh hoàn hảo.

Thiền giả thực hành thiền định một cách dễ dàng và có thể duy trì trạng thái tĩnh lặng trung bình trong bốn giờ liên tục, bao gồm cả việc duy trì tư thế. Và tôi cho bạn biết rằng: 'Bốn giờ tĩnh lặng' đó có thể giúp bạn trở nên thanh thản trong nhiều ngày mà không có một chút xáo trộn tinh thần nào. Trạng thái tập trung thứ chín giúp bạn chuẩn bị bước vào giai đoạn thiền định sâu lắng và hạnh phúc.

Giai đoạn này tương ứng với lời chỉ dẫn thứ chín: "Lắng Dịu Tâm Trí Trong Sự Cân Bằng". Với tâm trí lắng dịu không một gơn sóng, bạn sẵn sàng chìm đắm trong đại dương an lạc hoặc thực hiện quán chiếu sự vật một cách sâu sắc bằng trí tuệ sáng suốt, khám phá kho tàng kiến thức và tuệ giác vì lợi ích cho tất cả mọi người.

9 CHỈ DẪN QUAN TRỌNG

Bậc thầy nổi tiếng Vasubandhu (Thế Thân) đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về kỹ thuật ổn định tâm tri để bạn có thể thiền định. Trong dẫn giải về Sutraalankara (một bản ghi chép của Phật giáo) ông đã liệt kê 9 cách thức cho 9 trạng thái tập trung như sau:

  1. Định vị tâm trí.
  2. Lắng dịu tâm trí một cách trọn vẹn.
  3. Lắng dịu tâm trí một cách mạnh mẽ.
  4. Lắng dịu tâm trí một cách quyết liệt.
  5. Dọn sạch các chướng ngại.
  6. Tĩnh lặng tâm trí bạn.
  7. Tĩnh lặng tâm trí một cách trọn vẹn.
  8. Hướng tâm trí vào dòng chảy.
  9. Lắng Dịu Tâm Trí Trong Sự Cân Bằng.

VỀ TÁC GIẢ:

Tên khai sinh của Om Swami tại Ấn Độ là Amit Sharma.

Trước kia, khi chưa trỏ thành một tu sĩ, vào năm 2000, Swami tốt nghiệp Cử nhân Kinh doanh tại Đại học Western Sydney, Úc. Sau đó, ông thi lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Công nghệ Sydney. Kể từ đó, ông bắt đầu kinh doanh phần mềm ở Úc và mở rộng hoạt động sang Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Ấn Độ. Om Swami đã trở thành một triệu phú nhờ công ty CNTT của mình.

Sự thức tỉnh tâm linh. Vào ngày 15 tháng 3 năm 2010, Om Swami từ bỏ của cải vật chất và lặng lẽ lên đường thực hiện cuộc hành trình tâm linh của mình bên rặng Tuyết Sơn (Himalaya).

Cuộc đời ông đã thay đổi hoàn toàn. Om Swami trở thành một tu sĩ và là một thiền giả lão luyện. Vào thời kỳ đỉnh cao của việc thực hành thiền định, ông đã thiền định 22 giờ một ngày. Tổng cộng ông đã dành hơn 15.000 giờ thiền định và đã trải nghiệm ý thức siêu phàm. Hiện tại, ông đang cư trú tại đạo tràng của mình ở chân núi Himalaya.

Những cuốn sách Bestseller của ông được nhiều người biết đến như: "The Ancient Science Of Mantras"; "Kundalini: An untold story"; "A Million Thoughts"; "If Truth Be Told"; "The Big Questions of Life"... và còn nhiều nữa.

Trích dẫn từ cuốn "A Million Thoughts" | Biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

 Tags: Thiền
Viết bình luận của bạn: