Giỏ hàng
Tài khoản

12 Quy luật Nhân Quả

calendar 16/11/2023 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

12 Quy luật nhân quả

12 Quy Luật Nhân Quả (12 Laws of Karma) là những điều cốt lõi dựa trên quan niệm và niềm tin của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Những niềm tin này cho rằng "bạn sẽ gặt hái những gì mình đã gieo", dù tốt hay xấu.

Cả Phật giáo và Ấn Độ giáo đều dựa trên niềm tin vào sự luân hồi. Vì vậy, một trong những nguyên tắc tuân thủ là nghiệp quả có thể kéo dài trong nhiều kiếp. Về cơ bản, tổng số hành động của một người sẽ quyết định số phận của họ trong kiếp này và những kiếp sau đó.

Hiểu rõ 12 Quy Luật Nhân Quả có thể giúp bạn đi theo một lộ trình để duy trì chánh niệm và lòng vị tha của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi quy luật như một lời nhắc nhở rằng hãy sống trong phút giây hiện tại, hãy gìn giữ những suy nghĩ tích cực, hãy hành động với một tâm hồn hào phóng và vị tha, và những quả an lành sẽ được đền đáp cho bạn một cách tương xứng.

1. Quy Luật Tuyệt Đối - The Great Law*

Quy Luật Tuyệt Đối đôi khi còn được gọi là "Luật Nhân Quả" (The Law of Cause and Effect), nó là quy luật cơ bản đầu tiên của 12 Quy Luật Nhân Quả. Theo Quy Luật Tuyệt Đối, "bạn sẽ gặt hái những gì mình đã gieo" (you reap what you sow). Về bản chất, những gì bạn đem đến thế gian sẽ được trả lại cho bạn. Hãy lưu ý rằng Quy Luật Tuyệt Đối như một định luật phản hồi của vũ trụ.

2. Quy Luật của Tạo Hóa - The Law of Creation

Từ "tạo hóa" (creation) còn có nghĩa là "sáng tạo ra", "làm ra" và "tạo thành". Do đó, nó còn được coi là "Quy Luật Sáng Tạo". Ý nghĩa của nó là: Chính bạn là người sáng tạo và thay đổi cuộc đời mình.

Quy Luật của Tạo Hóa nói rằng: Điều quan trọng là bạn phải hành động. Đừng chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra một cách kỳ diệu.

Để đạt được điều mình mong muốn, bạn phải là người tham gia tích cực vào cuộc sống của chính mình. Hãy nhìn những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Hãy suy ngẫm về cách bạn đã và đang tạo ra thực tại của mình. Liệu đó có phải là cách bạn mong muốn không? Nếu không, hãy thực hiện các bước thay đổi tích cực để bắt đầu sự chuyển biến và tạo ra cuộc sống mà bạn ao ước.

Bạn là người tạo ra cuộc đời mình. Những thứ bạn nhìn thấy bên ngoài chỉ đơn giản là sự phản ánh những gì đang diễn ra bên trong bạn.

Bậc thầy Sri Nisargadatta Maharaj đã nói:

"Hãy hiểu rằng thế giới bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của chính bạn và ngừng tìm kiếm những lỗi lầm trong sự phản chiếu đó. Hãy quan tâm đến bản thân bạn, điều chỉnh bản thân một cách đúng đắn về mặt tinh thần và cảm xúc. Sự vật bên ngoài sẽ tự động chuyển biến theo đó một cách thích hợp".

3. Quy Luật Khiêm Nhường - The Law of Humility

Quy Luật Khiêm Nhường nói rằng chúng ta phải chấp nhận những gì “đang hiệu hữu”. Thật vô ích khi chống cự lại những thứ mà bạn không thể kiểm soát được. Chúng chỉ đơn giản là những gì đang tồn tại và phải được chấp nhận với sự khoan dung và khiêm nhường. Hãy từ bỏ những kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo ý muốn của bạn.

Ví dụ: nếu bạn bị kẹt xe và đi làm muộn. Bạn có thể tức giận và thất vọng. Hoặc, bạn có thể chấp nhận rằng những cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ chẳng thay đổi được sự thật rằng bạn vẫn đang tham gia giao thông. Trên thực tế, sự căng thẳng và tổn thương cảm xúc sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn, còn bạn vẫn đang bị kẹt xe!

4. Quy Luật Phát Triển - The Law of Growth

Quy Luật Phát Triển dạy chúng ta thay đổi bản thân hơn là cố gắng thay đổi người khác. Quy luật này cho rằng sự phát triển nên bắt đầu từ bên trong.

Sự phát triển cá nhân, hay quá trình cải thiện bản thân là chìa khóa để tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Cố gắng thay đổi người khác là điều vô ích. Bạn chỉ có thể thay đổi những gì bạn kiểm soát được, đó là chính bạn!

Nếu bạn hy vọng tạo ra sự thay đổi tích cực lâu dài trên thế giới, Quy Luật Phát Triển nói rằng trước tiên bạn phải bắt đầu thay đổi từ chính mình.

Quy Luật Phát Triển áp dụng như thế nào trong cuộc sống thực tế? Nếu bạn có tâm lý "hoàn thiện người khác" (fixer upper) - giả sử bạn đang có những mối quan hệ mà bạn tin rằng có thể thay đổi hoặc cải thiện 'người đó' (người yêu), nhằm cố gắng đạt được mối quan hệ lành mạnh và thỏa mãn hơn theo ý bạn. Thật không may, những nỗ lực như vậy thường phản tác dụng, khiến cả hai bên đều cảm thấy bực bội.

Triết gia Heraclitus đã nói:

"Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Vì đó không còn là cùng một dòng sông và người đó cũng không còn là một người như trước kia".

5. Quy Luật về Trách Nhiệm - The Law of Responsibility

Bạn là chủ nhân (owner) duy nhất của các quyết định và hành động của mình cũng như những hậu quả do chúng gây ra.

Quy Luật về Trách Nhiệm yêu cầu bạn chấp nhận rằng mọi thứ diễn ra trong cuộc sống của bạn đều là kết quả trực tiếp bởi những quyết định của bạn. Bạn phải "chịu" (own) hoàn toàn trách nhiệm về việc mình đã làm và tình trạng hiện tại của bạn như thế nào - tốt hoặc xấu. Quy luật phản hồi này rất cần thiết để giúp bạn hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề không phải phát sinh từ bên ngoài.

Quy Luật về Trách Nhiệm trong cuộc sống thực tế sẽ như thế nào? Giả sử, trong cuộc sống hàng ngày bạn gặp một vấn đề khiến bạn rất căng thẳng. Trên thực tế, bạn căng thẳng đến mức phản ứng tức giận với người khác. Mặc dù có thể nguyên nhân sự cố không xuất phát từ bạn, nhưng bạn phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi tiêu cực do sự tức giận của bạn gây ra.

  • Dựa trên Quy Luật Phát Triển: Phản ứng giận dữ sẽ không làm thay đổi tình huống.
  • Dựa trên Quy Luật về Trách Nhiệm: Tất cả các sự việc đã xảy ra do phản ứng tiêu cực và người chịu trách nhiệm duy nhất là bạn.

6. Quy Luật Gắn Kết - The Law of Connection

Quy Luật Gắn Kết dựa trên nguyên tắc mọi thứ đều được gắn kết. Điều này bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai.

Để hiểu đầy đủ hơn về khái niệm này, chúng ta cùng xem lại Quy Luật Tuyệt Đối (The Great Law). Quy luật này cho rằng những gì bạn gieo hôm nay (hiện tại), bạn sẽ gặt hái vào ngày mai (tương lai). Điều này có liên quan như thế nào đối với Quy Luật Gắn Kết? Thật đơn giản - những hành động và suy nghĩ của bạn trong quá khứ đã dẫn đến hiện tại mà bạn đang trải nghiệm chúng ngày hôm nay. Và những hành động và suy nghĩ bạn đang thể hiện ngày hôm nay, chúng đang trong quá trình định hình tương lai của bạn.

Quy Luật Gắn Kết khuyên nhủ rằng bạn nên sống chậm lại và sống trong hiện tại. Những gì bạn làm trong thời khắc hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Tất cả mọi thứ đều được gắn kết.

7. Quy Luật Tập Trung - The Law of Focus

Nhà văn T.F. Hodge đã nói:

"Để vượt qua nỗi thất vọng, bạn phải tập trung cao độ vào kết quả đạt được, chứ không phải những trở ngại".

Nguyên tắc của Quy Luật Tập Trung là không thể tập trung vào hai việc cùng một lúc.

Khi phải lựa chọn giữa việc tập trung vào các giá trị cảm xúc thấp hơn như giận dữ, ghen tị và tham lam hoặc các giá trị cảm xúc cao hơn như tình yêu thương, lòng biết ơn và sự chấp nhận. Bạn nên chủ động lựa chọn tập trung vào các giá trị tinh thần tốt đẹp hơn. Thực hiện như vậy sẽ không cho phép tâm trí bạn chú ý đến những giá trị tiêu cực. Duy trì sự tập trung vào những điều tích cực cũng sẽ giúp bạn rút ra được nhiều trải nghiệm tích cực hơn cho bản thân.

Chánh niệm là chìa khóa của việc thu hút nghiệp quả tốt lành. Điều này được thể hiện qua lời nói Tony Robbins - một doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng người Mỹ:

"Cuộc sống của bạn được kiểm soát bởi những gì bạn tập trung vào đó”.

8. Quy Luật Cho Đi và Rộng Lượng - The Law of Giving and Hospitality

Quy Luật Cho Đi và Rộng Lượng khẳng định rằng những hành động vị tha là thước đo thực sự cho mục đích của chúng ta. Nói về sự hào phóng thôi là chưa đủ, quy luật này thừa nhận rằng hành động của chúng ta là yếu tố thực sự quyết định niềm tin của chúng ta.

Khi bạn vị tha, bạn không bận tâm đến lợi ích, sự thăng tiến hay mong muốn lợi ích cá nhân. Bạn quan tâm đến nhu cầu của người khác. Hành động vị tha sẽ gia tăng thiện nghiệp của bạn.

9. Quy Luật Bây Giờ và Ở Đây - The Law of Here and Now.

Bâc thầy tâm linh Eckhart Tolle đã nói:

"Thời gian chẳng hề quý giá chút nào, vì nó chỉ là ảo ảnh. Điều bạn cho là quý giá không phải là thời gian mà là một điểm nằm ngoài thời gian: 'Hiện tại'. Nó thật sự quý giá. Bạn càng tập trung - vào quá khứ và tương lai trong bao lâu - bạn càng bỏ lỡ Hiện tại trong bấy lâu. Thứ quý giá nhất bạn hiện có".

Quy luật này có liên quan đến việc nắm bắt lấy hiện tại.

Hầu hết chúng ta đều sống trong quá khứ hoặc tương lai. Liệu bạn có thường xuyên ngẫm nghĩ về những sai lầm trong quá khứ của mình hoặc lo lắng về điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai không?

Tập trung vào những sai lầm trong quá khứ có nghĩa là bạn liên tục chỉ trích bản thân vì những gì thậm chí còn không xảy ra ở hiện tại. Lo lắng về tương lai có thể mang lại cảm giác lo lắng và tham lam. Sống trong giây phút hiện tại sẽ chấm dứt tất cả những điều đó.

Suy cho cùng, hiện tại là tất cả những gì bạn thực sự có.

10. Quy Luật Thay Đổi - The Law of Change

Bậc thầy tâm linh Ram Dass đã nói:

"Tôi không thể làm gì cho bạn, nhưng bản thân bạn có thể... bạn cũng không thể làm gì cho tôi, nhưng có thể làm cho bản thân bạn".

Quy Luật Thay Đổi nói rằng lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại cho đến khi bạn thực hiện các bước để tạo ra sự thay đổi.

Quy luật này nói rằng mọi hành động đều xuất phát từ lòng ham muốn - ham muốn càng nhiều thì hành động do nó thúc đẩy càng mạnh. Nếu một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần với cảm giác ham muốn mãnh liệt gắn liền với nó, thì hành động đó sẽ biểu hiện thành một 'chứng nghiện'. Khi bạn bị những 'chứng nghiện' này thôi thúc, chúng có thể làm chậm suy nghĩ của bạn và ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Điều này được gọi là bạn đang "bị chi phối bởi luật nhân quả".

Quy Luật Thay Đổi nói rằng nếu chúng ta hy vọng thoát khỏi vòng luân hồi của nghiệp báo, chúng ta phải thực hiện các bước để thay đổi những khuôn mẫu đã ăn sâu bám rễ trong bản thân mình.

11. Quy Luật Kiên Nhẫn và Phần Thưởng - The Law of Patience and Reward

Quy luật kiên nhẫn và Phần thưởng liên quan đến việc kiên định theo đuổi mục tiêu của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn phải liên tục nỗ lực bền bỉ trong một thời gian dài và kiên nhẫn cho đến khi đạt được kết quả.

Quy luật này nói rằng nếu chúng ta kiên trì thực hiện những việc làm thiện nghiệp thì cuối cùng hành động đó sẽ tích lũy thiện nghiệp. Có thể việc tích lũy thiện nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, nhưng cuối cùng với sự kiên trì bằng những việc làm tốt - bạn sẽ gặt hái được phần thưởng là thiện nghiệp.

12. Quy Luật về Ý Nghĩa và Truyền Cảm Hứng - The Law of Significance and Inspiration

Quy luật này yêu cầu bạn thừa nhận rằng bạn có ý nghĩa và khi bạn hiện diện trên thế gian này là có lý do. Những phần thưởng và tài năng của bạn có thể truyền cảm hứng cho mọi người theo những cách thức có thể tạo ra những làn sóng trong suốt lịch sử, mà có thể bạn sẽ không bao giờ biết đến.

Quy Luật thứ 12 này có thể được tóm tắt bằng câu nói của nhà thần học, nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại - Rumi:

"Bạn không phải là một giọt nước trong đại dương, bạn là toàn bộ đại dương trong một giọt nước".

Điều này có nghĩa là toàn bộ thế giới ở bên trong bạn và bạn có thể tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn. Bạn mạnh mẽ, độc đáo và có ý nghĩa. Hãy để sự độc đáo đó truyền cảm hứng cho tất cả mọi người!

******************************

* Lưu Ý: Nghĩa của từ 'Great': to lớn, vĩ đại, cao cả, v.v. Từ đồng nghĩa với nó là 'Absolute': tuyệt đối, thuần túy, nguyên chất, v.v. Đó là lý do mình dịch là: "Quy Luật Tuyệt Đối - The Great Law".

Có thể bạn quan tâm: Quy luật nhân quả và thực hành Yoga

Tác giả: Keri Bevan | Dịch & Biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

 Tags: Lối sống
Viết bình luận của bạn: