Giỏ hàng
Tài khoản

5 Lợi ích của việc nhịn ăn, thiền định và tập thể dục

calendar 30/03/2023 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Lợi ích của việc nhịn ăn, thiền định và tập thể dục

Những người đăng ký theo dõi (Subscriber) bài viết của tôi đã liên tục đặt câu hỏi là:

"Tại sao tôi thường xuyên nhấn mạnh đến việc ăn uống, tập thể dục và thiền định trong các bài báo về sức khỏe và hạnh phúc của mình?".

Câu trả lời nhanh của tôi dành cho họ là:

"Để lấy lại và duy trì sự cân bằng nội môi cho cơ thể và tâm trí tôi".

Thậm chí, một số độc giả muốn hiểu lý do tại sao tôi 'ép buộc' cơ thể và tâm trí mình trong trạng thái quá căng thẳng với những thói quen và lối sống đầy thử thách như vậy. Điều này nghe có vẻ phản tác dụng hoặc quá sức đối với họ. Họ đã yêu cầu tôi chỉ rõ những cách thức thiết thực để kết hợp chúng vào cuộc sống hàng ngày của họ theo cách dễ tiếp cận nhất.

Thật dễ hiểu, vì tôi đã biến những thực hành này thành thói quen thường xuyên và thêm chúng vào lối sống của mình, nên cơ thể và tâm trí tôi hoàn toàn không coi chúng như những thử thách. Ngược lại, những thói quen này đã được kết hợp cùng nhau làm phong phú thêm cuộc sống của tôi, mang lại niềm vui và ý nghĩa cho sự tồn tại của tôi, điều mà tôi sẽ giải thích trong các phần tiếp theo.

1. Sức Khỏe Tế Bào Và Ty Thể

Những tế bào (cells) của chúng ta tạo ra các chất thải đáng kể cần được làm sạch hàng ngày. Những chất độc sinh học này có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng đối với sức khỏe và dẫn đến các rối loạn không mong muốn, nếu chúng vượt quá ngưỡng cho phép.

Nhịn ăn (fasting) và tập thể dục (exercise) rất có lợi để giữ cho các tế bào sạch sẽ bằng cách góp phần loại bỏ các chất độc, mầm bệnh và các protein bị hư hỏng.

Cả việc nhịn ăn và tập thể dục đều có thể bắt đầu kích hoạt quá trình autophagy (tự thực bào) và mitophagy (sự phân hủy có chọn lọc các ty thể - mitochondrion mất chức năng). Các quá trình sinh học này là cơ chế tự phục hồi và tự bảo vệ của tế bào. Thiền định có thể làm giảm căng thẳng quá mức cho các tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh. Vì vậy, nó góp phần cân bằng nội môi trong hệ thống thần kinh.

2. Sự khỏe Mạnh Của Quá Trình Trao Đổi Chất

Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh khi tôi được chẩn đoán mắc bệnh tiền tiểu đường vào giữa những năm 20 tuổi. Tình trạng của tôi đã phản ánh tất cả các yếu tố của hội chứng chuyển hóa.

Để phục hồi lại sự lành mạnh của quá trình trao đổi chất (metabolism), tôi cần loại bỏ tình trạng kháng insulin và làm cho cơ thể nhạy cảm với insulin và tiếp nhận leptin.

Hai lựa chọn khả thi đối với tôi là hạn chế thời gian ăn uống và tăng cường tập thể dục thường xuyên. Cả hai đều góp phần làm tăng độ nhạy insulin. Bởi vì, cải thiện độ nhạy của insulin có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hơn nữa, việc nhịn ăn thường xuyên và tập thể dục khiến lượng mỡ trong cơ thể tôi thích nghi, cung cấp năng lượng cần thiết cho tất cả các tế bào và tạo ra nguồn năng lượng thay thế cho bộ não. Nó có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh và các kết nối thần kinh.

Thiền định giúp bổ sung cho sự lành mạnh của quá trình trao đổi chất, giảm căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc và cân bằng nội tiết tố.

3. Sự Khỏe Mạnh Của Hệ Miễn Dịch

Việc trải qua các tình trạng miễn dịch và tự miễn dịch trong những năm còn trẻ đã khuyến khích tôi tập trung vào lĩnh vực này.

Thường xuyên nhịn ăn, thiền định và tập thể dục có thể cải thiện hệ thống phòng thủ cơ thể của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể giảm nguy cơ lan truyền các tế bào ung thư sống (living cancer cells) thông qua tập thể dục, nhịn ăn và thực hành chánh niệm. Tập thể dục thường xuyên có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiều căn bệnh ung thư.

Thiền định có thể làm giảm căng thẳng bởi những cảm xúc tiêu cực, giảm căng thẳng thể chất và căng thẳng ôxy hóa (Oxidative Stress). Nhịn ăn và tập thể dục giúp loại bỏ các độc tố và mầm bệnh ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nhịn ăn giúp hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi và cải thiện sức khỏe đường ruột, góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch.

Có một nghịch lý là, chính sự căng thẳng tinh thần được tạo ra do việc tập trung tâm trí của thiền định có thể tăng cường sự dẻo dai của não bộ, đặc biệt là vùng vỏ não mới (neocortex), để bộ não hoạt động tốt hơn. Thật trớ trêu, căng thẳng do thực hành thiền định tạo ra có thể làm giảm căng thẳng ôxy hóa trong não bộ và cơ thể. Do đó, thiền định góp phần mang lại giấc ngủ ngon hơn bằng cách giảm căng thẳng và lo lắng. Nhưng đây cũng là một trở ngại cho những thiền giả mới bắt đầu.

Những tác động kết hợp của ba thói quen theo lối sống này có thể tăng cường đáng kể hệ miễn dịch và hỗ trợ hệ thống phòng thủ để bảo vệ cơ thể của chúng ta.

4. Hệ Nội Tiết Khỏe Mạnh

Do mất cân bằng nội tiết tố, quá trình trao đổi chất và sức khỏe tinh thần của tôi bị ảnh hưởng trong những năm còn trẻ. Một trong những yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa là sự mất cân bằng các hoóc môn insulin, cortisol và leptin.

Nhịn ăn góp phần vào sự cân bằng các hoóc môn này. Ngoài ra, nhịn ăn làm tăng đáng kể lượng hoóc môn tăng trưởng và góp phần vào việc tăng cường và duy trì cho các cơ bắp săn chắc.

5. Sức Khỏe Hệ Thần Kinh Và Tâm Thần

Nhịn ăn và tập thể dục có tác dụng sinh học và thể chất góp phần vào sức khỏe hệ thần kinh và tâm thần.

Đóng góp tốt nhất của việc nhịn ăn và tập thể dục là cải thiện sự cân bằng nội tiết tố và chất dẫn truyền thần kinh. Cả việc nhịn ăn và tập thể dục đều có thể thay đổi các chất hóa học trong bộ não một cách tích cực.

Ngoài khía cạnh thanh lọc cơ thể của việc nhịn ăn và tập thể dục, như đã đề cập trong phần sức khỏe tế bào, hai phương pháp thực hành này cũng có thể làm tăng BDNF, đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của tế bào thần kinh và cung cấp năng lượng thay thế cho não bộ bằng cách bắt đầu kích hoạt quá trình Ketosis.

KẾT LUẬN:

  1. Hãy hiểu rằng cơ thể chúng ta cần một số căng thẳng để phát triển và duy trì các nguồn lực.
  2. Tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần cá nhân hóa việc tập luyện dựa trên nhu cầu và mục tiêu của mỗi người.
  3. Chúng ta có thể giảm rủi ro về các tình trạng trao đổi chất và sức khỏe tâm thần bằng cách áp dụng chế độ ăn uống hạn chế về thời gian với sự hỗ trợ của các chuyên gia có trình độ.
  4. Những lợi ích của thiền định đã được các nền văn hóa và khoa học hiểu rõ. Do đó, việc áp dụng các thực hành chánh niệm hoặc thiền định vào cuộc sống có thể nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.
  5. Một sự kết hợp được tùy chỉnh giữa nhịn ăn, tập thể dục và thiền định có thể nâng cao sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta.

PHẦN CHÚ GIẢI:

  • Stress Ôxy Hóa (Oxidative Stress): Trong khi các gốc tự do và các chất chống ôxy hóa là một phần tự nhiên của cơ thể, thì Stress Ôxy Hóa xảy ra do các gốc tự do và các chất chống ôxy hóa bị mất cân bằng. Căng thẳng Ôxy Hóa có thể gây thiệt hại cho các mô, về lâu dài sẽ dẫn đến một số bệnh. Thậm chí bệnh hiểm nghèo như ung thư.
  • BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor): Yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não, đóng vai trò là chất dẫn truyền thần kinh và tham gia vào tính dẻo dai của tế bào thần kinh, cần thiết cho việc học tập và ghi nhớ.
  • Ketosis: Là một quá trình trao đổi chất xảy ra khi cơ thể bạn đốt cháy chất béo để lấy năng lượng thay vì glucose. Chế độ dinh dưỡng Keto có nhiều lợi ích bao gồm khả năng giảm cân, tăng năng lượng và điều trị bệnh mãn tính. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng này có thể tạo ra tác dụng phụ bao gồm hơi thở “keto” và chứng táo bón.

Có thể bạn quan tâm: Những thực phẩm cần lưu ý trong thực hành yoga và thiền định

VỀ TÁC GIẢ:

Tiến sĩ Mehmet Yildiz là một nhà khoa học, kỹ sư công nghệ, nhà phát minh. Ông là một cây bút chuyên sâu tập trung vào các chủ đề sức khỏe và hạnh phúc. Các bài viết của ông thường được đăng trên website medium•com. Tuy nhiên, Tiến sĩ Mehmet Yildiz cũng là người sáng lập và tổng biên tập của website "ILLUMINATION Integrated publications".

Có thể tóm tắt một số bài viết chuyên sâu về sức khỏe của ông bao gồm:

"Hội chứng chuyển hóa", "Bệnh tiểu đường loại II", "Bệnh gan nhiễm mỡ", "Bệnh tim", "Đột quỵ", "Béo phì", "Ung thư gan", "Rối loạn tự miễn dịch", "Homocysteine", "Sức khỏe của phổi", "Sức khỏe của tuyến tụy", "Sức khỏe của thận", "Bệnh không lây nhiễm", "Bệnh truyền nhiễm", "Sức khỏe của não", "Chứng mất trí nhớ", "Trầm cảm", "Teo não", "Rối loạn sơ sinh", "Sương mù não", "Viêm mãn tính", "Kháng insulin", "Cortisol tăng cao", "Kháng leptin", "Kháng đồng hóa", "Cholesterol", "Triglyceride cao", "Rối loạn chuyển hóa", "Rối loạn tiêu hóa", "Rối loạn tuyến giáp và các bệnh nghiêm trọng", .v.v. Còn rất rất nhiều nữa.

Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: