Giỏ hàng
Tài khoản

Thiền định giúp cho tâm trí lắng dịu và giảm bớt cuồng vọng

calendar 09/10/2021 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Thiền định giúp cho tâm trí lắng dịu

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, "Thiền định để ngừng lại hoàn toàn mọi suy nghĩ", hoặc "Trở nên vô tri vô giác và bất động như gỗ đá". Đây là sự nhầm lẫn cơ bản nhất. Bởi vì, thông qua thiền định, chúng ta sẽ chuyển hóa năng lượng của tâm trí lên cấp độ cao hơn.

Qua bài viết này, tôi muốn giải đáp cho những câu hỏi mà các bạn đã từng hỏi tôi.

1. Hai Yếu Tố Cơ Bản

Khi thực hành thiền định, bằng phương pháp tập trung vào hơi thở, hoặc bằng những cách thức khác nhau - chúng ta thực sự đang làm giảm bớt sự tiêu hao năng lượng của tâm trí. Chính xác hơn, đây là cách chúng ta tách rời tâm trí thành hai phần tách biệt nhau:

  • Phần đầu tiên là "dòng chảy của những ý nghĩ" đang diễn ra liên tục, chúng bao gồm những ý tưởng, cảm xúc hoặc kỷ niệm đang hiện diện trong hiện tại, hoặc từng tồn tại ở quá khứ như: yêu thích, thù hận, sung sướng, đau khổ, ước muốn, .v.v.
  • Phần thứ hai đó là sự tách biệt để "quan sát dòng chảy của ý nghĩ".

2. Điều Gì Khiến Cho Dòng Chảy Của Ý Nghĩ Trở Nên Cuồng Vọng

Quay trở lại chủ đề mà tôi đã đề cập ở trên: "Tách rời dòng chảy của tâm trí thành hai phần tách biệt nhau".

Khi mới bắt đầu thiền định. Bạn sẽ nhận thấy rằng, sức mạnh "dòng chảy của những ý nghĩ" thường rất mạnh. Nó như một dòng nước lũ cuồng nộ. Vì vậy, bạn rất khó tập trung vào hơi thở của mình, hay tách biệt sang một bên để quan sát hoặc chứng kiến tâm trí.

Trong thực tế, điều gì khiến cho dòng nước chảy xiết và mạnh? Đó là lưu lượng nước lớn và luồng dẫn hẹp. Vì vậy, chúng ta có thể giảm bớt sức mạnh của dòng chảy bằng cách mở rộng luồng chảy của nó.

Tương tự như vậy, liệu có cách nào để giảm bớt sức mạnh "dòng chảy của những ý nghĩ" trong tâm trí bạn? Bằng cách, giảm bớt những ham muốn và dục vọng của chính bạn! Khi sức mạnh "dòng chảy" yếu đi. Bạn sẽ dễ dàng hơn để tập trung vào hơi thở, hoặc quan sát hay chứng kiến những suy nghĩ diễn ra trong tâm trí, mà không bị chúng cuốn trôi. Do đó, tâm trí bạn sẽ trở nên lắng dịu để đạt tới Định (Samadhi).

Thiền định giúp giảm bớt cuồng vọng

3. Tại Sao Thiền Định Không Làm Cho Bạn Trở Nên Vô Tri Vô Giác

Khi chúng ta tách rời dòng chảy của tâm trí thành hai phần tách biệt nhau. Sức mạnh của hai yếu tố này luôn đối nghịch nhau - "dòng chảy của những ý nghĩ" càng mạnh thì "sự quan sát" hay "chứng kiến" càng yếu và ngược lại. Do đó, chúng ta sẽ hoán đổi sức mạnh giữa hai yếu tố. Để cho "dòng chảy của những ý nghĩ" trở thành sức mạnh (năng lực) của sự "quan sát". Nó còn được gọi là Định lực hay Chánh niệm.

Qua thời gian thực hành Chánh niệm ngày càng tiến triển và bạn sẽ đạt đến Định (Samadhi). Đây chính là mục đích và ý nghĩa của thiền định.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa dừng lại ở đây - việc đạt đến Chánh niệm bền vững chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta sẽ sử dụng Chánh niệm của Định (Samadhi) để quán chiếu hay suy xét tất cả mọi đối tượng của tâm trí và cảm xúc của các giác quan. Năng lực của Định (Samadhi) rất mạnh, điều này cũng đồng nghĩa với khả năng phát triển trí tuệ của bạn là không có giới hạn.

Bậc thầy Sadhguru đã từng nói:

"Có những cách thức tiềm ẩn hiện hữu trong cơ thể và tâm trí, để chúng ta có thể kiểm soát chúng.

Có những phương pháp để kiểm soát cơ thể mà không bị cơ thể chi phối.

Có những phương pháp để kiểm soát tâm trí mà không bị tâm trí chi phối.

Có những cách thức sử dụng tâm trí để vượt qua mọi đau khổ của chính nó, mà tâm trí chưa bao giờ biết đến".

Tham khảo thêm: 10 Giai đoạn và 4 cấp bậc của thiền định

BMT, 09/10/2021 - Thang Mlod - Namaste!

 Tags: Thiền
Viết bình luận của bạn: