Giỏ hàng
Tài khoản

Cách chọn Thảm tập Yoga - Kinh nghiệm, Hướng dẫn & Tiêu chí

calendar 11/03/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Thảm tập yoga - Hướng dẫn & lưu ý chọn mua

Thảm tập yoga là người bạn luôn đồng hành với người tập yoga, nó giúp cơ thể tránh tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà, có tác dụng giữ ấm cho cơ thể, tránh những chấn thương trong luyện tập. Làm thế nào để lựa chọn được một tấm thảm tập yoga phù hợp, vừa hỗ trợ tốt cho luyện tập, vừa mang lại cảm hứng khi bạn đặt chân lên thảm là điều rất quan trọng.

1. Kích thước, độ dày và trọng lượng

Chiều dài không thể ngắn hơn chiều cao cơ thể, chiều rộng không thể hẹp hơn vai. Độ dày phải thích hợp, đây là một trong những thông số khiến nhiều bạn phân vân nhất.

Với cùng một chất liệu, thảm càng dày thì khả năng hỗ trợ tránh chấn thương càng tốt, tuy nhiên thảm dày lại có nhược điểm ở những động tác thăng bằng vì nó tạo ra sự “bồng bềnh”, thảm mỏng cho cảm giác tiếp đất tốt và chắc chắn hơn. Tùy thuộc vào chất liệu chế tạo thảm mà nhà sản xuất đưa ra các độ dày khác nhau để cân bằng giữa 2 yếu tố này, các mẫu thảm tập phổ thông dùng trong luyện tập hàng ngày thường có độ dày trong khoảng từ 4mm đến 8mm.

Trên thị trường thảm tập yoga chủ yếu có kích thước thông dụng là rộng 61cm và dài 173cm hoặc 183cm. Với các dòng thảm cao cấp từ các thương hiệu nổi tiếng thì họ làm theo kích thước riêng (thường rộng và dài hơn).

Với các bạn hay di chuyển không nên chọn thảm quá nặng để có thể dễ dàng mang theo, hoặc có thể chọn các mẫu thảm yoga du lịch có thể gấp lại gọn nhẹ, vô cùng tiện lợi.

2. Tính đàn hồi

Dùng 2 ngón tay ép thảm lại và thả ra để cảm nhận độ đàn hồi của thảm, khi thả tay ra thảm phải trở về vị trí ban đầu. Nếu thảm quá xốp thì dù có dày khi cơ thể tiếp xúc với đất cũng thấy đau. Nếu thảm quá cứng, thì da thịt chúng ta dễ bị tổn thương.

Trải bằng tấm thảm, một tấm thảm tốt là không có bất cứ điểm nào lồi hay lõm.

3. Độ bám hay tính chống trơn

Đây là tiêu chí quan trọng bậc nhất của một tấm thảm yoga, tạo nên sự khác biệt với các loại thảm tập thể dục khác. Một tấm thảm tập yoga cần phải có độ bám tốt, nó giúp bạn tự tin và thoải mái khi thực hiện các tư thế yoga. Trải bằng tấm thảm trên mặt sàn phẳng, áp lòng bàn tay xuống thảm và dùng lực thử đẩy mạnh tấm thảm ra trước, nếu thảm trượt trên nền hay tay trượt trên thảm, đều có nghĩa là độ bám của thảm không tốt, người sử dụng có thể bị chấn thương trong quá trình luyện tập.

4. Đường kẻ định tuyến

Nếu có thể được bạn hãy chọn cho mình một tấm thảm có đường kẻ định tuyến, điều này cũng khá quan trọng (nhất là đối với người mới tập). Đường định tuyến trên mặt thảm giúp bạn căn chỉnh chân, tay cho đúng vị trí và vào tư thế chuẩn xác vì chúng ta tập yoga để khỏe, chẳng ai muốn sau một thời gian tập yoga sai tư thế thì cột sống bị lệch, vẹo. Hơn nữa đường kẻ định tuyến cũng giúp bạn dễ nhớ điểm đặt tay, chân hơn, tránh mất thời gian cũng như mất tập trung vào việc ước lượng khoảng cách hay vị trí…

5. Thương hiệu

Để chắc chắn bạn mua được đúng tấm thảm thiết kế cho mục đích tập yoga, bạn nên lựa chọn thảm tập từ các thương hiệu có tên tuổi và chuyên trong lĩnh vực Yoga (Lưu ý: một số hãng thể thao lớn như Adidas, Nike hay Reebok… cũng có làm thảm yoga, nhưng vì không chuyên trong lĩnh vực yoga nên chất lượng chỉ vừa phải mà giá lại khá đắt do thương hiệu, hơn nữa nhiều người bán có thể vô tình hay cố ý nhầm lẫn giữa thảm tập thể dục của họ với thảm tập yoga).

Việc mua thảm tập từ các thương hiệu có tên tuổi cũng giúp bạn chắc chắn có được một tấm thảm đảm bảo an toàn cho cơ thể, không bị kích ứng da hay đường hô hấp khi hàng ngày luyện tập bạn luôn phải áp mặt và da mình trên tấm thảm. Đặc biệt nên nói không với các thảm tập không rõ tên thương hiệu cũng như nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, tập yoga để có sức khỏe, bạn không nên đánh đổi sức khỏe chỉ vì lý do lãng xẹt này. Truyền hình VTC cũng đã làm một phóng sự về vấn đề này:

Đây là một số thương hiệu chuyên yoga mà bạn nên tham khảo để chọn mua: Liforme Anh, Jade Mỹ, beYoga Đài Loan, Manduka Mỹ, Lululemon Canada, Gaiam Mỹ...

6. Chất liệu

Đây là thông số quan trọng nhất khi lựa chọn thảm tập yoga, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tuổi thọ của thảm và cũng quyết định chính đến giá thành của sản phẩm.

Hiện tại trên thị trường chủ yếu có 3 chất liệu để chế tạo thảm là PVC (Polyvinyl chloride), TPE (Thermoplastic Elastomer) và Cao su tự nhiên kết hợp PU (Polyurethane). Ngoài ra, thời gian gần đây còn có thêm các loại thảm được phủ chất liệu gỗ bần hoặc phủ nỉ trên bề mặt với đặc tính bám tốt hơn cho người nhiều mồ hôi tay chân, tuy nhiên lớp đế vẫn sử dụng TPE hoặc cao su.

6.1 Chất liệu PVC

Đây là chất liệu làm thảm tập yoga khá phổ biến với ưu thế giá rẻ, chúng có mặt ở hầu khắp ngõ chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ. Một số cửa hàng thường mập mờ với tên gọi thảm nhựa cao cấp tuy nhiên bản chất nó vẫn là thảm PVC. Chất lượng thảm PVC rất chênh lệch tùy thuộc vào năng lực của nhà sản xuất. Nếu tập thường xuyên thì bạn có thể sử dụng thảm này được 6-12 tháng, sau đó sẽ nhận thấy thảm bị mất độ dày, mất độ đàn hồi hoặc dơ mà không cải thiện được và các hạt nhựa liên kết bị nứt, bong, bục mủn ra. Đặc điểm chung có thể cảm nhận ở thảm mới là mùi nhựa rất nặng sẽ tác động xấu lên việc hít thở sâu khi tập yoga.

6.2 Chất liệu TPE

Đây là vật liệu cao cấp mới được sử dụng để chế tạo thảm yoga trong thời gian gần đây. TPE được chế tạo từ cao su tự nhiên có độ đàn hồi cao, khả năng co giãn, kéo giãn và chịu lực tốt. Vật liệu TPE được gia công theo quy trình ép khuôn bằng nhiệt, thân thiện với môi trường (tái sử dụng được) và an toàn khi tiếp xúc với da.

Thảm TPE có ưu điểm là khả năng đàn hồi tốt, mềm dẻo và nhẹ (tiện mang đi mang lại), độ bám khá tốt, hỗ trợ tối ưu cho việc tập Yoga. Chất liệu TPE có khả năng chịu nước nên dễ vệ sinh, giặt thảm hơn. Và tuổi thọ sử dụng cũng cao khoảng 3 năm. Giá thành thảm TPE cao hơn thảm PVC mặc dù thảm TPE đã trở nên rất phổ biến và giảm giá nhiều trong những năm gần đây.

6.3 Chất liệu Cao su tự nhiên & PU (polyurethane)

Đây là chất liệu cao cấp nhất thường được sử dụng trong các dòng thảm tập yoga cao cấp của các thương hiệu yoga nổi tiếng vì những đặc tính ưu việt của chúng như độ bám vượt trội cho dù tay chân bạn khô hay đổ mồ hôi ướt, độ đàn hồi cực tốt (rất “lì”, cho phép chế tạo thảm mỏng hơn). Các loại thảm dùng chất liệu này cũng có độ bền tương đối cao (khoảng 3 năm với người tập bình thường), tuy nhiên thảm thường nặng và yêu cầu bảo quản/sử dụng thảm cũng khá khắt khe và đặc biệt là giá thành đắt hơn hẳn các thảm chất liệu PVC và TPE.

Lưu ý:

  • Nếu bạn có vấn đề về hô hấp như xoang, viêm mũi… hoặc hay bị dị ứng với mùi, da mẫn cảm, bạn không nên dùng thảm nhựa PVC công nghiệp.
  • Nếu bạn quyết định gắn bó lâu dài với yoga, nên đầu tư một tấm thảm cao cấp chất liệu Cao su tự nhiên & PU, nó sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm tốt nhất khi tập cũng như giúp bạn tiến bộ nhanh chóng. Còn nếu vẫn đang do dự thì một tấm thảm chất liệu TPE sẽ tiết kiệm hơn mà vẫn đáp ứng được hầu hết những yêu cầu tập luyện cơ bản.
  • Theo kinh nghiệm sử dụng, trong điều kiện tập luyện bình thường và trải trực tiếp xuống sàn nhà, với thảm chất liệu PVC và TPE bạn nên mua loại dày 5mm – 8mm là phù hợp. Với thảm cao cấp chất liệu Cao su tự nhiên & PU thì chỉ cần độ dày từ 3mm – 5mm vì chất liệu này “lì” và đàn hồi rất tốt.
  • Thảm tập yoga có tiêu chuẩn khác với các thảm tập thể dục, nó yêu cầu cao về độ bám và độ đàn hồi, trong khi thảm thể dục thường dày hơn (từ 10mm trở lên), xốp và độ bám rất kém. Vì đặc điểm của thảm yoga là có độ bám tốt, nên tránh các động tác trì miết trên mặt thảm (như đẩy trượt gót chân trong tư thế xoạc dọc chẳng hạn) để giữ bề mặt thảm không bị trầy xước.
  • Ngoài ra trên thị trường còn có loại khăn trải thảm yoga chuyên dụng dùng để trải phủ lên thảm tập với tác dụng thấm hút mồ hôi tốt, dễ giặt và gập lại gọn nhẹ, bạn có thể mua thêm để phủ lên thảm tập chung ở phòng tập nhằm đảm bảo vệ sinh.

Những câu hỏi thường gặp:

  • Tôi mới bắt đầu tập yoga, tôi nên mua loại thảm nào?

Đây là câu hỏi mà shop rất hay gặp và cũng rất khó trả lời khi chưa biết rõ tiêu chí và nhu cầu của bạn.

Đầu tiên bạn cần biết mục đích sử dụng thảm của mình: bạn mua thảm để trải trực tiếp trên sàn nhà cứng thì nên chọn một chiếc thảm dày, còn nếu trải đè lên thảm có sẵn ở phòng tập thì bạn chỉ cần loại mỏng, bạn hay di chuyển thì ưu tiên thảm nhẹ.

Thứ hai là thể loại yoga bạn đang tập: Nhẹ nhàng, di chuyển chậm như Hatha, Yin… thì có thể dùng bất kỳ loại thảm nào; Đòi hỏi thể lực, nhiều tư thế chống đẩy như Ashtanga, Power yoga,… thì nên chọn thảm dày, đàn hồi tốt để bảo vệ khuỷu tay, đầu gối; Di chuyển liên tục như Vinyasa, hay đổ mồ hôi nhiều như Bikram và hot yoga thì bạn cần một chiếc thảm ưu tiên về độ bám tốt.

Thứ ba là cơ địa của bạn: Nếu bạn hay đau xương khớp thì nên chọn thảm dày và êm; Hay ra mồ hôi dầu ở tay và chân thì cần chọn thảm có độ bám tốt khi ướt.

Và còn khá nhiều những tiêu chí khác nữa như thiết kế, màu sắc theo phong thủy, ngân sách cho phép…

  • Cách vệ sinh và làm sạch thảm yoga?

Mỗi một loại thảm đều có hướng dẫn vệ sinh và bảo quản thảm đi kèm in trên tờ rơi hay sổ hướng dẫn sử dụng, bạn nên làm theo cho đúng. Mỗi loại thảm khác nhau có thể được khuyên dùng với nước vệ sinh thảm khác nhau, bạn cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng ghi trên lọ nước vệ sinh thảm.

Nếu không có nước vệ sinh thảm chuyên dụng, bạn có thể dùng khăn ẩm thấm nước sạch lau chùi các vết dơ trên bề mặt thảm. Đối với người ra nhiều mồ hôi, cần lau toàn bộ bề mặt thảm ngay sau khi tập để mồ hôi đỡ thấm vào thảm gây bẩn và làm thảm nhanh xuống cấp. Tuyệt đối không được cho thảm vào máy giặt hay ngâm thảm trong nước.

Sau khi lau thảm nên để thảm khô tự nhiên nơi thoáng khí, tuyệt đối không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay máy sấy đối với các loại thảm có chất liệu làm từ cao su tự nhiên hay cao su đã qua xử lý như TPE.

  • Cuộn thảm yoga như thế nào cho đúng?

Dù rất đơn giản nhưng khá nhiều bạn lại hay mắc lỗi cuộn ngược thảm.

Cách cuộn đúng là cuộn sao cho mặt trên của thảm (mặt mà bạn tập trên đó, thường là mặt có kẻ định tuyến hay logo…) ra phía ngoài sau khi cuộn. Để làm đúng như vậy, cách đơn giản là bạn lật ngược tấm thảm lên trên sàn rồi bắt đầu cuộn.

Mục đích của cách cuộn này là ở lần tập tiếp theo, khi bạn trải thảm ra, tấm thảm sẽ nằm phẳng trên sàn mà không bị quăn lại ở 2 đầu mép thảm. Hơn nữa, nó sẽ giúp cho bề mặt trên tấm thảm của bạn không tạo thành các vết nhăn.

Bạn nhớ là cần làm sạch và để khô thảm trước khi cuộn lại nhé, nó sẽ tránh cho thảm bị ẩm mốc hay có mùi hôi.

Với bài viết này, Đồ tập Yoga Tốt hy vọng bạn sẽ có thể tự lựa cho mình một tấm thảm tập yoga tốt, giá thành hợp lý để luyện tập rồi đó.

Ngoài tấm thảm tập là cái không thể thiếu khi tập yoga, bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn chọn trang phục tập cũng như các dụng cụ hỗ trợ tập yoga khác bạn nhé!

Tổng hợp | Ảnh minh họa từ Internet

Bình luận (5)
binh-luan

"Cảm ơn chị Diệu đã liên hệ, chị vui lòng cho bên em biết rõ hơn về nhu cầu luyện tập, mức giá... để bên em có thể tư vấn rõ hơn ạ. Nếu có thể, chị vui lòng để lại số ĐT để bên em gọi tư vấn nhanh hơn. Chị cũng có thể tham khảo trước tất cả các mẫu thảm tập yoga của bên em với thông tin khá chi tiết cho từng SP tại đây: https://dotapyogatot.com/tham-tap-yoga Chúc chị một ngày Thứ 7 tốt lành!"

Đồ tập Yoga Tốt - 16/07/2022

binh-luan

"Tư vấn mua thảm yoga"

Nguyễn Thị Diệu - 15/07/2022

binh-luan

"Rất dễ hiểu và hữu ích, cảm ơn!"

Yến - 16/03/2022

binh-luan

"Trải nghiệm đỉnh thì sài Liforme, bền thì hàng con ếch Manduka, giá hợp lý thì beYoga là chuẩn đét luôn :)"

Yoga Vietnam - 18/10/2020

binh-luan

"Hướng dẫn rất thực tế! Khá nhiều HV của mình lúc đầu mới tập ko biết cứ nghĩ Adidas với Nike là thương hiệu lớn, thảm ngon nên mua, vừa đắt tiền mà lại ko được như ý, tập một thời gian lại phải mua thảm khác"

Hưng Yogi - 07/10/2020

Viết bình luận của bạn: