Giỏ hàng
Tài khoản

6 Vị cần thiết nên có trong bữa ăn hàng ngày

calendar 26/06/2021 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

6 Vị cần thiết nên có trong bữa ăn hàng ngày
Ảnh Minh Họa: Một bữa ăn dân dã của người Ấn với đủ 6 vị.

Ayurveda (Tri Thức Cuộc Sống) khuyến nghị chúng ta nên tiêu thụ đầy đủ tất cả sáu vị trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đó là: Vị Ngọt, Chua, Mặn, Đắng, Cay (hăng) và Chát (se). Sáu vị này mỗi vị có chứa 2 nguyên tố, 5 nguyên tố chính là: Đất, Nước, Lửa, Không khí và Không gian (ête). Bằng cách tiêu thụ tất cả sáu vị, cơ thể chúng ta sẽ được cân bằng bởi năm nguyên tố cơ bản cùng ba năng lượng (Tridoshas).

1. Vị Ngọt (Madhura)

Madhura là vị Ngọt, nếu tiêu thụ với liều lượng nhỏ nó mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu. Vị Ngọt gồm có 2 nguyên tố là Đất và Nước. Vị Ngọt giúp cân bằng 2 năng lượng (Dosha) là Vata và Pitta. Nếu quá nhiều vị Ngọt sẽ gây ra sự thiếu hụt năng lượng Kapha.

Ayurveda cho rằng chúng ta nên sử dụng vị Ngọt có nguồn gốc từ trái cây ngọt, các loại rau củ giàu tinh bột, ngũ cốc, các sản phẩm từ lúa mì, các sản phẩm từ sữa như sữa, pho mát, các chất có vị Ngọt tự nhiên như mật ong, si rô từ cây phong lá đỏ (Maple Syrup).

Thực phẩm ngọt ngăn ngừa sự mất nước bằng cách tăng độ ẩm trong cơ thể, nó có thể giúp chữa trị chứng táo bón. Thực phẩm có đường cũng giúp cân bằng nội tiết tố, làm giảm tiết dịch từ màng nhầy trong mũi, và góp phần mang lại làn da sáng đẹp.

Nhưng không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm ngọt, nó sẽ khiến bạn dễ bị tăng cân, mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

2. Vị Chua (Amla)

Amla là vị Chua, nó được tạo thành từ các nguyên tố Đất và Lửa. Thực phẩm chua hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, giúp nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể và khí huyết. Vị Chua giúp cân bằng năng lượng Vata, nó rất tốt cho những người có "Lửa Tiêu Hóa" yếu ( Agni - Digestive Fire). Người có năng lượng Pitta nên giảm vị Chua. Người có năng lượng Kapha nên tiêu thụ vừa đủ.

Các nguồn cung cấp thực phẩm có vị Chua tốt nhất từ thiên nhiên là chanh, cam, bưởi, giấm táo, thực phẩm lên men và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kem chua và kefir.

Thức ăn chua hỗ trợ quá trình tiêu hóa trong cơ thể, cho phép cơ thể phân hủy thức ăn hiệu quả hơn. Thức ăn chua cũng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và cải thiện tuần hoàn máu.

Nhưng quá nhiều vị Chua trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến bệnh loét dạ dày, tiêu chảy, khát nước và gây bùng phát bệnh chàm (eczema).

3. Vị Mặn (Lavana)

Lavana là vị Mặn, nó được tạo thành từ các nguyên tố Nước và Lửa. Vị Mặn giúp làm tăng hương vị của thực phẩm và cũng giúp cung cấp năng lượng cho chúng ta, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn và giúp hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể. Vị Mặn giúp cân bằng năng lượng Vata, nhưng quá nhiều muối sẽ làm mất cân bằng năng lượng Pitta và Kapha.

Bạn có thể tìm thấy các nguồn muối trong thiên nhiên như rau cần tây, dầu ô liu, xì dầu, rong biển, nước tương và các loại đậu.

Nhưng không nên ăn quá nhiều muối, Quá nhiều muối trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, mất nước, sỏi thận, viêm đường ruột và chứng đầy hơi.

4. Vị Cay (Katu)

Katu là vị Cay, nó thường có trong tỏi, hành, gừng, ớt và củ cải. Vị Cay (nồng) được tạo thành từ các nguyên tố Lửa và Không khí, giúp cân bằng năng lượng Kapha. Người có năng lượng Vata cũng được hưởng lợi từ vị Cay nếu sử dụng một lượng vừa đủ. Người có năng lượng Pitta nên ăn ít, do tính chất nóng của vị Cay không phù hợp với dạng năng lượng này.

Các thực phẩm có vị Cay từ thiên nhiên như ớt, tiêu đen, ớt bột, gừng và mù tạt, đây là những nguồn thực phẩm cay tuyệt vời.

Thực phẩm cay có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, giải độc cơ thể. Vị cay nồng còn giúp giảm cân, và giúp thông xoang mũi.

5. Vị Đắng (Tikta)

Tikta là vị Đắng, nó được tạo thành từ các nguyên tố Không khí và Không gian (ête). Vị Đắng cân bằng năng lượng Pitta và Kapha. Thực phẩm có vị Đắng giúp giải độc cơ thể và hỗ trợ thanh lọc cơ thể. Trong tiếng Hindu, tính chất thanh lọc này được gọi là "Lekhana", tức là loại bỏ chất béo và độc tố ra khỏi cơ thể của bạn.

Nguồn thực phẩm từ thiên nhiên cung cấp vị Đắng tuyệt vời là cải xoăn sống, cải xanh, cải bruxen, cây thảo linh lăng (cỏ cà ri), thì là, nghệ, ca cao, cà phê, hầu hết các loại trà, bí xanh và cà tím.

6. Vị Chát (Kashaya)

Kashaya là vị Chát (se), nó được biết đến như nguyên nhân gây ra cảm giác khô miệng, hoặc khiến bạn nhăn miệng. Nó được tạo thành từ các nguyên tố Không khí và Đất, vị này có lợi cho năng lượng Pitta và Kapha.

Vị Chát có thể được tìm thấy trong thiên nhiên như quả nam việt quất, chuối chưa chín (xanh), quả lựu, đậu xanh, các loại đậu, củ cải và atisô.

Thực phẩm có vị Chát có tác dụng làm mát và điều hòa. Thực phẩm này còn giúp chữa trị chứng tiêu chảy và chống viêm. Ngoài ra, nó còn giúp hỗ trợ quá trình loại bỏ chất béo và độc tố ra khỏi cơ thể (Lekhana).

LƯU Ý

Ayurveda tin rằng sáu vị vừa đề cập nên được tiêu thụ mỗi ngày để thúc đẩy sự cân bằng năng lượng trong cơ thể.

  • Người có năng lượng Vata nên tập trung nhiều hơn vào các vị Ngọt, Mặn và Chua trong khẩu phần ăn hàng ngày, hạn chế các vị Cay, Đắng và Chát.
  • Người có năng lượng Pitta cần các vị Ngọt, Đắng và Chát, không ăn nhiều vị Cay, Chua và Mặn.
  • Người có năng lượng Kapha nên kết hợp thực phẩm nhiều vị Đắng, Chát và Cay trong chế độ ăn hàng ngày của họ, giảm vị Ngọt, Mặn và Chua.

Có thể bạn quan tâm: Dinh dưỡng và năng lượng Prana.

Tác giả: Kelly Driscoll | Biên soạn & tổng hợp: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

 Tags: Dinh dưỡng
Viết bình luận của bạn: