-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cầu nguyện là gì? Những lợi ích từ lời cầu nguyện
28/02/2022 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Lời cầu nguyện có thể hơi khó chịu đối với những người không theo tôn giáo nào.
Tuy nhiên, nếu lời cầu nguyện được thực hiện với mục đích đúng đắn, nó có thể tăng cường sự dẻo dai của hệ thần kinh và giúp chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc mạnh mẽ, như lòng biết ơn và sự tha thứ. Có lẽ đây là ý nghĩa của việc thực hành cầu nguyện.
Mahatma Gandhi đã mô tả: "Lời cầu nguyện như một công cụ hành động mạnh mẽ”.
Hiển nhiên, cầu nguyện cũng nhận được sự chỉ trích từ những người vô thần, họ cho rằng "nó như một công cụ tự lừa dối, một giả dược hoặc một hành động kiêu ngạo và tự mãn".
Vậy, chính xác cầu nguyện để làm gì?
PHÂN TÍCH HÀNH ĐỘNG CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện là sự sắp đặt của một ý định. Nó là một giải pháp hơn là một lời cầu xin.
Mặc dù các truyền thống tôn giáo chính của phương Tây, chẳng hạn như Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo tuân theo cấu trúc "sức mạnh từ bên ngoài", nhưng các truyền thống tôn giáo chính ở phương Đông, chẳng hạn như Phật giáo, Ấn Độ giáo và Đạo giáo bắt nguồn từ một cấu trúc "sức mạnh từ bên trong".
Từ quan điểm này, "cầu nguyện là một điều gì đó từ nội tâm và giống như thiền định".
MỤC ĐÍCH CỦA CẦU NGUYỆN
“Chức năng của lời cầu nguyện không phải là tác động đến Đức Chúa Trời, mà là để thay đổi bản chất của chính người cầu nguyện.” - Søren Kierkegaard, nhà thần học, triết học và nhà thơ người Đan Mạch.
Vì vậy, mục đích rộng lớn của nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau là thay đổi trạng thái tinh thần của chúng ta.
CÁC KIỂU CẦU NGUYỆN
1. Lời Cầu Nguyện Ban Phước
Ban phước là khi lời cầu nguyện chuyển từ vị kỷ (cầu nguyện cho bản thân), sang thiểu số (cầu nguyện cho bạn / chúng ta) và đa số (cầu nguyện cho tất cả chúng ta).
Đây là lời cầu nguyện đơn giản của Matt Kahn, một bác sĩ nổi tiếng về phương pháp chữa bệnh bằng sự đồng cảm: "Cầu xin cho bạn được ban phước!".
Lời cầu nguyện của ông đã giúp cho nhiều người chuyển biến sang trạng thái yêu thương và ít ham muốn hơn.
2. Cầu Nguyện Thay
Một lần nữa, hình thức cầu nguyện này đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về tác dụng của cầu nguyện với việc chữa bệnh:
- Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, trong một nhóm 150 bệnh nhân mắc bệnh tim được điều trị bằng "Liệu pháp Thay thế" (Alternative Therapy) sau phẫu thuật. Một nhóm nhỏ bệnh nhân trong số này đã được cầu nguyện (họ đã được người khác cầu nguyện cho mình), và họ đã có tỷ lệ thành công cao nhất trong toàn bộ nhóm.
- Một phương pháp "Nghiên cứu Mù đôi" (Double-blind Study) có thể so sánh đã chứng minh kết quả tương tự. Những bệnh nhân "đã được cầu nguyện" đó cho thấy nhu cầu chăm sóc đặc biệt và các biện pháp y tế giảm đáng kể, cũng như chứng kiến ít ca tử vong hơn.
Các nhà bình luận đã gợi ý rằng những nghiên cứu hiện có đã chứng minh sự tồn tại của mối quan hệ giữa trạng thái ý thức mà những người cầu nguyện trải qua và kinh nghiệm chủ quan của những người được cầu nguyện.
- "Liệu pháp Thay thế" (Alternative Therapy) là việc khuyến khích hoặc sử dụng các thực hành y học chưa được chứng minh, hoặc không thể chứng minh.
- Phương pháp "Nghiên cứu Mù đôi" (Double-blind Study): Là một phương pháp nghiên cứu mà trong đó cả đối tượng được nghiên cứu và các nhà khoa học đều được “làm mù”. Cả thuốc thật và giả dược có hình dạng y hệt nhau (về màu sắc và hương vị), và chúng được phát cho các nhóm đối tượng.
3. Lời Cầu Nguyện Bình Yên
Phương pháp này được sử dụng trong các "Chương Trình 12 Bước" (12 Step Programs) trên khắp thế giới. Các "Chương Trình 12 Bước" đã trở thành nền tảng trong việc điều trị chứng nghiện rượu và ma túy kể từ khi chúng được phát triển lần đầu tiên vào những năm 1930.
"Xin Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều con có thể, và sự khôn ngoan để biết sự khác biệt".
Lời cầu nguyện này để thúc đẩy trạng thái từ bi và chấp nhận bản thân.
CẠM BẪY VÀ NGHỊCH LÝ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN
Sự chỉ trích chính về việc cầu nguyện - đó là khi mọi người thực hiện hướng tới "lời cầu nguyện thỉnh cầu". Người cầu nguyện đòi hỏi một cái gì đó. Có thể là một thứ liên quan đến bản ngã của họ. Một số người cho rằng kiểu cầu nguyện này không nhân từ / tốt lành mà còn mang tính hủy hoại.
Một cây bút của tờ New York Times đã tóm tắt vấn đề như sau:
“Đây là phương sách cuối cùng của những người cạn kiệt ý tưởng và nó cũng là phương sách đầu tiên của những người không bao giờ bận tâm đến việc làm thế nào để họ có thể thực sự khắc phục được vấn đề đang trong tầm tay mình (khả năng của họ). Điều này không phải là vô hại. Có một nhược điểm rất thực tế của việc cầu nguyện như vậy. Nó ru ngủ những người tin tưởng vào một cảm giác sai lầm để đạt được mục đích. Cầu nguyện không là gì khác ngoài một giả dược mạnh mẽ. Tốt hơn hết, tất cả chúng ta nên chấp nhận điều đó”.
"Lời cầu nguyện đòi hỏi" có thể thiếu ý định cần thiết để thay đổi trạng thái tinh thần theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tôi không chắc sự phỉ báng như vậy là đúng đắn. Bởi vì, bỏ qua sự tự lừa dối bản thân, những "lời cầu nguyện đòi hỏi" có thể có tác dụng để tự xoa dịu bản thân, khi không có giải pháp khác để thay thế.
KHI NÀO NÊN CẦU NGUYỆN
1. Khi Bạn Cần Một Giải Pháp
Cố Tổng Thống Abraham Lincoln là một người yêu thích tìm kiếm giải pháp bằng lời cầu nguyện:
“Tôi đã nhiều lần bị thúc giục bởi niềm tin vô cùng lớn khi không thể đưa ra quyết định của mình, rằng tôi nên cầu nguyện. Sự khôn ngoan của cá nhân tôi và tất cả những gì tôi biết dường như là không đủ cho giai đoạn đó".
Lời cầu nguyện được sử dụng theo cách này có thể giúp đầu óc và suy nghĩ của chúng ta thư giãn, đủ để phát triển nhận thức của chúng ta về các giải pháp mới.
2. Lời Cầu Nguyện Hạnh Phúc
Đây là một trong những điều bạn thực hiện khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Hình thức cầu nguyện này giống như một lời khẳng định hoặc biết ơn. Một lần nữa, mục đích cơ bản là duy trì trạng thái hạnh phúc đang hiện hữu. Dưới đây là hai ý kiến đã nghĩ như vậy:
“Bạn đã từng cầu nguyện trong lúc túng quẫn và thiếu thốn - bạn cũng nên cầu nguyện trong niềm vui hạnh phúc và trong những ngày dư dật của mình. " - Kahlil Gibran, nhà tiên tri người Mỹ gốc Li Băng.
"Nếu lời cầu nguyện duy nhất mà bạn muốn nói là 'Cảm Ơn', vậy là đủ." - Meister Eckhart, nhà thần học, triết học người Đức.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN KHI ĐƯỢC THỰC HIỆN VỚI Ý ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN
Theo Carl jung, một nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ: “Cầu nguyện không chỉ có tầm quan trọng mà còn có tác dụng to lớn đối với tâm lý con người”.
Dưới đây là một số cách cầu nguyện có thể mang lại lợi ích cho bạn.
1. Nó Có Thể Giúp Bạn Nâng Cao Tâm Sinh Lý
Giống như thiền định, cầu nguyện là sự thay đổi trạng thái tinh thần. Nó ảnh hưởng đến trạng thái tâm trí và thể chất của chúng ta. Nó làm giảm trải nghiệm lo lắng, cải thiện tâm trạng chán nản, giảm huyết áp, ổn định mô hình giấc ngủ và tác động đến các chức năng của hệ thần kinh tự chủ, như tiêu hóa và hô hấp.
2. Ảnh Hưởng Đến Suy Nghĩ
Cầu nguyện thúc đẩy sự thay đổi trong các thói quen của tâm trí, và sau đó là các khuôn mẫu của hành vi. Những thay đổi này diễn ra lần lượt và theo thời gian. Chúng sẽ tạo ra những thay đổi trong bộ não, điều này đem lại những tác động nhiều hơn đến kinh nghiệm chủ quan và khách quan của chúng ta về thế giới cũng như cách chúng ta tương tác với nó.
3. Giúp Bạn Phát Triển Lòng Biết Ơn Và Sự Tha Thứ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cầu nguyện có thể giúp chúng ta phát triển lòng bao dung và tha thứ cũng như nuôi dưỡng lòng biết ơn. Tha thứ và biết ơn đều là điều cần thiết để chúng ta nhìn nhận những trải nghiệm trong quá khứ một cách tích cực. Nếu không, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực như ích kỷ, hận thù.
4. Làm Gián Đoạn Suy Nghĩ Lo Lắng, Cảm Xúc Tự Mãn Và Hành Vi Bốc Đồng
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, cầu nguyện có thể giúp giảm lo lắng, kiềm chế cảm xúc tự mãn và kiểm soát các hành động bốc đồng.
LỜI CUỐI:
Tôi cho rằng những lời cầu nguyện có thể mang lại nhiều lợi ích hơn khi thực hành thiền định. Khi chúng ta yêu cầu sự giúp đỡ / hướng dẫn - đó là một hành động khiêm nhường. Nó mang lại cảm giác được kết nối với những sức mạnh thiêng liêng của Vũ trụ. Sự tôn kính những sức mạnh từ bên ngoài khiến cho các giác quan của chúng ta cảm nhận ngay lập tức.
Có thể bạn quan tâm: 11 Cách thức để tạo nên sức mạnh tinh thần
Tác giả: Rezzan Huseyin | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.