Giỏ hàng
Tài khoản

Hai con đường Tôn giáo và Tâm linh - Sự lựa chọn của bạn

calendar 08/07/2022 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Hai con đường Tôn giáo và Tâm linh - Sự lựa chọn của bạn

1. Sự Khởi Nguồn

Tôn giáo: Các tôn giáo thường dựa trên cuộc đời, giáo lý và niềm tin của một nhân vật lịch sử hoặc nguyên mẫu (ví dụ: Chúa Kitô, Phật, Moses, Krishna, Muhammad, v,v,). Các chi tiết về cuộc sống của họ với tư cách là những con người thánh thiện hoặc tiến hóa cao. Những thông tin như vậy đã được truyền tải đến chúng ta qua lớp sương mù của thời gian, thông qua việc truyền khẩu và các kinh sách. Những nhân vật này là đối tượng của sự thờ phượng, tôn sùng và tạo thành nền tảng của các thực hành và nghi lễ tôn giáo trong một cộng đồng.

Tâm linh: Tuy nhiên, khi một người nào đó theo con đường tâm linh, họ có thể chọn những điều họ tin từ bất kỳ tôn giáo nào và kết hợp những sự thật này để hình thành nên toàn bộ niềm tin của riêng họ.

Một người theo con đường tâm linh thường đạt đến Chân lý của chính họ, đồng thời họ luôn phát triển tâm linh của mình, thay vì tuân theo một hệ tư tưởng hoặc một bộ quy tắc. Trải nghiệm này thường mang tính cá nhân và diễn ra một cách riêng tư. Nó cho phép họ làm theo trực giác của riêng mình và làm những việc có lợi nhất cho riêng họ.

Câu nói nổi tiếng của nhà thơ Nhật Bản Matsuo Basho:

“Đừng tìm cách đi theo dấu chân người thông thái. Nhưng hãy tìm kiếm những gì họ đã tìm thấy”.

2. Có Tổ Chức So Với Không Có Tổ Chức

Tôn giáo: Một trong những điểm nổi bật của tôn giáo là tổ chức của nó. Đó là một cấu trúc, thường xuyên dựa trên các quy tắc, ở một mức độ nào đó nó điều chỉnh hành vi của các thành viên. Các quy tắc đạo đức, luật pháp và học thuyết, cũng như các quy tắc và tiêu chí cụ thể, tạo ra một cấu trúc có tổ chức bao gồm hệ thống niềm tin cụ thể của tôn giáo. Đây không hẳn là một điều xấu. Trong những thời kỳ trước đây của lịch sử với nhiều bất ổn hơn, các quy tắc và giáo điều của tôn giáo có tổ chức đã giúp mang lại cho xã hội cảm giác chắc chắn, giúp hướng dẫn và an ủi những người thiếu đức tin.

Tâm linh: Tuy nhiên, tâm linh thoát khỏi những hạn chế và cấu trúc cứng nhắc thường gắn liền với truyền thống tôn giáo. Người khao khát tâm linh nhận ra rằng họ đang ở trên "một con đường không lối mòn” trong việc khám phá bản thân mình. Họ không tuân theo một tập hợp các quy tắc bên ngoài, mà là lời kêu gọi bên trong tâm hồn của chính họ, đối với những nhu cầu về tinh thần. Theo cách này, tâm linh đôi khi có thể làm mọi người cảm thấy giống như một hành động "nổi loạn khi rời bỏ bộ lạc để đi một mình".

Câu nói nổi tiếng của nhà triết học và nhà thơ người Mỹ Ralph Waldo Emerson:

“Hãy là chính bạn trong một thế giới không ngừng cố gắng làm cho bạn trở thành một người xa lạ. Đó là thành tựu lớn nhất của bạn".

3. Phương pháp truyền thống So Với Phương Pháp Tiến Hóa

Tôn giáo: Do ​​có lịch sử hàng thế kỷ đến hàng thiên niên kỷ, về bản chất, các tôn giáo thường bám rễ sâu vào truyền thống, nghi lễ, tín ngưỡng và giáo lý. Các tổ chức tôn giáo bảo vệ một cách thận trọng các thực hành và giá trị của họ, giữ gìn một cách chặt chẽ quá khứ và những cách giải thích ban đầu về những lời dạy của người sáng lập. Điều này có thể hiểu rằng, vì tất cả các tôn giáo đều mong muốn bảo tồn những tinh hoa giáo lý của họ, để có thể được truyền lại một cách chính xác qua lịch sử.

Tâm linh: Tâm linh thường ít tập trung vào cách tiếp cận truyền thống cứng nhắc và thường ủng hộ sự tiến hóa về tinh thần. Điều này đề cập đến không chỉ tư duy linh hoạt và sự thích ứng hơn đối với những giáo lý cốt lõi của các truyền thống trí tuệ vĩ đại, mà nó còn phản ánh sự hiểu biết, vì sự phát triển tâm linh là một quá trình tiến hóa. Tâm linh bao hàm sự thay đổi và sự tiến hóa của ý thức. Thông qua thực hành tâm linh, các ý tưởng và cách giải thích sẽ thay đổi khi con người, xã hội và thế giới không ngừng phát triển.

4. Sự Tách Biệt So Với Hòa Nhập

Tôn giáo: Các niềm tin tôn giáo truyền thống đôi khi dựa trên những diễn giải cứng nhắc về những giáo lý chính yếu. Điều này có thể tạo ra một thế giới quan riêng biệt, cô lập với những người không chia sẻ cùng quan điểm hoặc cách giải thích giống với họ. Đáng buồn thay, tâm lý “lợi ích nhóm” trong tôn giáo có thể được sử dụng để biện minh cho việc loại trừ những người thiểu số hoặc những người được coi là không xứng đáng với sự ưu ái của Đức Chúa Trời.

Tâm linh: Tâm linh không có sự phân biệt như vậy. Thay vào đó, nó ủng hộ một cách tiếp cận toàn diện. Trong sự công nhận rằng, tinh thần thuần khiết là một sức mạnh hòa hợp để không ai bị bỏ rơi.

Nói cách khác, từ góc độ tâm linh, không ai có độc quyền về Chân lý. "Trước Thượng Đế vạn vật đều bình đẳng".

5. Niềm Tin So Với Kinh Nghiệm Tâm Linh

Tôn giáo: Về cốt lõi, tôn giáo là về đức tin. Có nghĩa là, niềm tin vào điều gì đó dựa trên sự chấp nhận vô điều kiện các giáo lý của tôn giáo. Không giống như thế giới quan khoa học, các tôn giáo không yêu cầu bằng chứng để xác thực tuyên bố của họ. Thông qua tôn giáo, bạn được dạy để có niềm tin vào Chúa hoặc Thánh thư là Chân lý cuối cùng và không thể sai lầm của thực tế. Sự chấp nhận và quy phục đối với điều thiêng liêng được giảng dạy như là con đường dẫn đến sự cứu rỗi cuối cùng.

Tâm linh: Tâm linh không gạt bỏ đức tin. Tuy nhiên, nó thường dựa nhiều hơn vào kinh nghiệm trực tiếp của linh hồn hoặc thần thánh. Các thực hành tinh thần như thiền định, yoga, thực hành tĩnh lặng và chiêm nghiệm cho phép bạn tiếp cận một cách có ý thức với các trạng thái ý thức cao cấp. Do đó, điều này giúp bạn chứng thực các giáo lý của tôn giáo một cách thực nghiệm hơn, thay vì chấp nhận chúng chỉ dựa trên đức tin. Bạn hiểu rõ điều gì bởi vì bạn đã tự mình nếm trải những trải nghiệm, trái ngược với việc tin vào những lời rao giảng từ người khác.

6. Sợ Hãi So Với Tình Yêu Thương

Tôn giáo: Bất chấp những mục đích tốt đẹp nhất, các tôn giáo đôi khi có thể ẩn chứa một nỗi sợ hãi tiềm ẩn được đan xen vào những lời dạy của họ. Các khái niệm về Tội Nguyên Tổ, sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đây là những thứ có thể tạo ra môi trường khiến cho tinh thần bị đè nặng bởi lo lắng và tội lỗi, và liệu hành động của bạn có dẫn đến quả báo của thần thánh hay hình phạt bởi nghiệp báo hay không. Trong tâm trí bạn, số phận của bạn ở thế giới bên kia có thể lờ mờ như một bóng ma. Điều này ảnh hưởng một cách tinh tế đến suy nghĩ và hành vi của bạn.

Tâm linh: Ngược lại, tâm linh thường loại bỏ những dấu vết của sự sợ hãi và lo lắng để chuyển sang cách tiếp cận yêu thương, nhân ái hơn đối với sự sống và cái chết. Tâm linh bao hàm một thế giới quan dựa trên ý thức hỗ trợ tất cả con người trên con đường thức tỉnh trong tình yêu thương và lòng nhân ái vô điều kiện. Những lựa chọn và hành vi của bạn được hướng dẫn không phải vì sợ bị trừng phạt, mà bởi mong muốn chấm dứt đau khổ, để tạo ra một thế giới hòa bình và yêu thương cho tất cả mọi người.

LỜI KẾT:

Như bạn có thể thấy, có sự khác biệt đáng chú ý giữa tâm linh và tôn giáo. Tuy nhiên, những so sánh này không có nghĩa là tuyệt đối hay cố gắng phân cực cái này với cái kia, hoặc cái này tốt hơn cái kia. Niềm tin tôn giáo và niềm tin tâm linh khác nhau về cách thức thực hành. Tuy nhiên, mỗi thực hành đóng vai trò như một phương tiện dẫn dắt bạn đến gần hơn với Chân lý mà bạn đang tìm kiếm. Dù bạn đi theo con đường nào hoặc kết hợp cả hai con đường, thì đó chỉ là sự thể hiện cá nhân và chủ quan của hành trình thức tỉnh tâm linh của bạn.

Tác giả: Adam Brady | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

 Tags: Lối sống
Viết bình luận của bạn: