-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Kết hợp thực hành yoga với 5 nguyên tố chính
09/01/2025 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Trong triết lý của Ayurveda (Tri thức Cuộc sống): "Vạn vật trong vũ trụ cũng như cơ thể chúng ta… tất cả đều được tạo thành từ sự kết hợp khác nhau của 5 Nguyên tố (Five Elements) hay Panch Mahabhutas".
Theo Ayurveda, năng lượng của sự sống trong vũ trụ được hiển lộ dưới 3 dạng Năng lượng khác nhau còn gọi là Dosha. Trong cơ thể chúng ta, chúng được biết đến như Vata Dosha, Pitta Dosha và Kapha Dosha. Mặt khác, 3 dạng Năng lượng này được tạo thành từ 5 Nguyên tố quan trọng là: Prithvi (Đất), Jal (Nước), Agni (Lửa), Vayu (Không khí) và Akasha (Không gian hoặc Ête).
Về cơ bản:
- Nguyên tố Không khí và Không gian tạo thành Vata Dosha (Năng lượng Vata).
- Pitta Dosha (Năng lượng Pitta) là sự kết hợp của Nguyên tố Lửa và Nước.
- Kapha Dosha (Năng lượng Kapha) là sự kết hợp từ Nguyên tố Đất và Nước.
Vì vậy, nếu bạn muốn tiến bộ trong thực hành Yoga của mình thì phải hiểu rõ về Ayurveda. Hơn nữa, Ayurveda là một ngành khoa học chị em của Yoga và là một trong những hệ thống Y học lâu đời nhất của Ấn Độ. Cho đến ngày nay, nó vẫn đang được thực hành trên khắp thế giới.
Tham khảo thêm: Thiết kế thực hành Yoga dựa trên năng lượng Dosha của bạn
NGUYÊN TỐ ĐẤT
Nguyên tố Đất liên quan đến sự ổn định và cân bằng. Một kết nối lành mạnh với Nguyên tố Đất giúp bạn luôn vững vàng, tự tin. Đồng thời nó giúp bạn duy trì sự linh hoạt trong các hoạt động thể chất và tinh thần.
Khi Nguyên tố Đất bị mất cân bằng sẽ gây ra tình trạng cơ thể mệt mỏi và cơ bắp yếu, thiếu canxi hoặc xương giòn, mức cholesterol cao, tình trạng sụt cân hoặc tăng cân. Ở cấp độ cảm xúc, năng lượng Đất dư thừa dẫn đến sự bướng bỉnh về tính cách, cảm giác lo lắng và bất an.
1. Thực Hành Kết Nối Với Nguyên Tố Đất
Bề mặt trái đất chứa các hạt tích điện âm hay ion âm. Do đó, đi bộ chân trần rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện, điện tử, màn hình tivi, máy tính. Không sống khép kín trong những căn nhà bê tông trong thời gian dài, hãy dành thời gian để tiếp xúc với thiên nhiên nơi có nhiều cây cối.
2. Thực Hành Các Tư Thế Yoga
Bất kỳ tư thế Yoga nào mang lại nhận thức cho bàn chân và cảng chân, lên đến đùi đều hữu ích trong việc kích hoạt năng lượng của Nguyên tố Đất. Một số tư thế Yoga như:
- Tư thế Trái núi (Tadasana - Mountain Pose).
- Tư thế Ngồi xổm (Malasana - Garland Pose).
- Tư thế Cái cây (Vrikshasana - Tree Pose).
- Tư thế Chiến binh 1 (Veerabhadrasana - Warrior 1).
- Tư thế Đứng Gập người (Uttanasana - Standing Forward Fold).
3. Thực Hành Các Bài Tập Pranayama
Bài tập hữu ích nhất cho Nguyên tố Đất là bài Thở Hộp (Box Breathing) hoặc theo thuật ngữ Yoga là "Hơi thở Yoga Đầy đủ" (Full Yogic Breathing).
Phương pháp hít thở này được kết hợp lần lượt giữa lồng ngực, xương sườn và bụng. Thở Hộp còn được gọi là "Sama Vritti Pranayama", nghĩa là Hơi Hít vào và Hơi Thở ra bằng nhau và được thực hiện một cách chậm rãi. Phương pháp hít thở nhịp nhàng này giúp bạn thư giãn, thanh lọc tâm trí và tạo ra cảm giác bình yên và tĩnh lặng.
4. Thần Chú và Thiền Định
Luân xa Gốc (Muladhara Chakra) được liên kết với Nguyên tố Đất và liên kết với màu đỏ. Vì vậy, thiền định quán tưởng về một biểu tượng hoặc vật thể màu đỏ rất hữu ích. Hình vuông cũng là biểu tượng của Nguyên tố Đất. Do đó, thiền định về một Mandala, một hình vuông màu đỏ cũng hữu ích. Bạn cũng có thể thiền định về Thần chú (Mantra) LAM, đây là thần chú cho Nguyên tố Đất. Tụng niệm lặp lại nhiều lần Thần chú LAM sẽ cải thiện sự tập trung, nhận thức và sức mạnh bên trong, những phẩm chất liên quan đến Nguyên tố Đất. Bạn cũng có thể thực hành Yoga Nidra trong Tư thế Xác chết (Savasana) để kết nối với Nguyên tố Đất.
NGUYÊN TỐ LỬA
Nguyên tố Lửa có liên quan đến Luân xa Búi mặt trời (Manipura Chakra). Nó đại diện cho ý chí, sự kiên trì và đam mê. Khi Luân xa này cân bằng, chúng ta cảm thấy tự tin và mạnh mẽ.
Khi Nguyên tố Lửa mất cân bằng, chúng ta cảm thấy yếu đuối, mất hứng thú và không có động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc, quá nhiều năng lượng của Nguyên tố Lửa sẽ khiến chúng ta trở nên bốc đồng, dễ tức giận và cáu kỉnh. Về mặt sinh lý, chúng ta có thể bị chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu và táo bón.
Ngoài ra, Nguyên tố Lửa còn được biểu hiện trong cơ thể chúng ta dưới dạng Lửa Tiêu hóa (Digestive Fire) hay Agni. Khi Nguyên tố này mất cân bằng (Lửa Tiêu hóa thấp) thường do lối sống ít vận động. Điều này làm giảm tỷ lệ trao đổi chất và sự chuyển đổi thức ăn thành năng lượng bị gián đoạn. Sẽ xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, ợ nóng, ợ hơi, ít đào thải (2 hoặc 3 ngày 1 lần).
1. Áp Dụng Các Phương Pháp Của Ayurveda
- Áp dụng phương pháp kích hoạt cơ thể bằng nhiệt độ như xông hơi. Phương pháp này kích thích cơ thể bài tiết mồ hôi, thúc đẩy lưu lượng máu đến các mô và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, phục hồi cơ thể.
- Theo Ayurveda, Nguyên tố Lửa có liên quan đến vị chua, mặn và cay. Những vị này làm tăng Lửa Tiêu hóa. Chẳng hạn như hạt tiêu đen, gừng, giấm, thực phẩm mặn và chua là rong biển, trái cây họ cam quýt, bánh mì ủ men chua, v.v.
2. Thực Hành Nhịn Ăn Gián Đoạn
Đây là thực hành "Ăn Một Bữa Một Ngày" (One Meal A Day - OMAD). Theo Ayurveda, khi Lửa Tiêu hóa của bạn thấp sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ độc tố hay Ama trong cơ thể. Các triệu chứng như chán ăn, ăn không ngon miệng, cảm giác đầy bụng sau bữa ăn, uể oải, mệt mỏi, lười biếng.
Thực hành OMAD nên được áp dụng trong vài ngày hoặc một tuần tùy theo khả năng của bạn. Thông qua thực hành nhịn ăn gián đoạn, cơ thể bạn sẽ có thời gian để đào thải hết các độc tố bị tích tụ trong quá trình trao đổi chất. Thời gian tốt nhất cho bữa ăn của bạn là vào buổi trưa, đây là thời điểm Lửa Tiêu hóa cao nhất và hệ tiêu hóa hấp thụ các dưỡng chất nhiều nhất.
3. Áp Dụng Kỹ Thuật Thanh Lọc của Yoga - Trataka
Trataka là thực hành nhìn chằm chằm vào ngọn nến. Đây là một bài tập thiền rất hiệu quả và ngay lập tức kết nối với Nguyên tố Lửa. Trataka có những lợi ích tuyệt vời cho mắt, như làm sạch mắt, loại bỏ căng thẳng và mệt mỏi, đồng thời cải thiện sự tập trung.
4. Thực Hành Các Tư Thế Yoga
Các tư thế Yoga tập trung vào vùng bụng giúp kết nối với Luân xa Manipura và rất hữu ích cho Nguyên tố Lửa. Bao gồm:
- Tư thế Con thuyền (Paripurna Navasana - Boat Pose).
- Tư thế Cánh cung (Dhanurasana - Bow Pose).
- Tư thế Rắn hổ mang (Bhujangasana - Cobra Pose).
- Tư thế nửa Chúa tể các Loài cá (Ardha Matsyendrasana - Half Lord of the Fishes Pose).
- Tư thế Con quạ (Kakasana - Crow Pose) và Con sếu (Bakasana - Crane Pose).
- Thực hiện Chuỗi Chào Mặt trời (Surya Namaskars) một cách năng động theo tốc độ trung bình hoặc nhanh sẽ kích hoạt Luân xa Manipura và lưu thông năng lượng Prana.
5. Thực Hành Các Bài Tập Pranayama
Ba bài tập sau đây rất hữu ích trong việc kích thích Lửa Tiêu hóa (Agni - Digestive Fire).
- Hơi Thở Lửa / Hơi Thở Làm Sạch Thùy Trán (Kapalbhati - Breath of Fire, Shining Forehead).
- Hơi Thở Ống Bễ (Bhastrika - Bellows Breath).
- Thực hành Agnisar Kriya, đây là một kỹ thuật Thanh lọc Cơ thể của Yoga còn được gọi là Shatkarma hoặc Shatkriya. Bài tập này bao gồm sự kết hợp chuyển động bụng có kiểm soát và nhịp nhàng. Chuyển động của bụng giúp xoa bóp khoang bụng, kích thích các cơ quan bụng, bao gồm dạ dày, gan, ruột và tuyến tụy. Kết hợp Nín thở Bên ngoài (Bahya Kumbhaka) tạo áp lực lên tim và phổi, giúp hệ tuần hoàn và hô hấp hoạt động trơn tru và tốt hơn. Agnisar Kriya tác động tới Luân xa Manipura và kích thích Lửa Tiêu hóa.
6. Thần Chú và Thiền Định
Luân xa Manipura được biểu thị bằng màu vàng. Thực hành thiền tập trung vào một biểu tượng hoặc vật thể có màu vàng giúp kích hoạt Nguyên tố Lửa. Nguyên tố Lửa cũng được biểu thị bằng một hình tam giác có đỉnh hướng lên trên. Do đó, thiền về một Mandala, một hình tam giác đỉnh hướng lên trên cũng hữu ích. Câu Thần chú (Mantra) cho Nguyên tố Lửa và Luân xa Manipura là RAM. Tụng lặp lại câu Thần chú RAM nhiều lần sẽ kích thích Nguyên tố Lửa và gia tăng năng lượng Agni. Sau khi thực hành, bạn hãy nằm trong tư thế Xác chết (Savasana), nhắm mắt lại trong vài phút để cân bằng và lắng dịu năng lượng Nguyên tố Lửa vừa được kích hoạt, nó sẽ giúp cho cơ thể và tâm trí bạn điều hòa và thư giãn.
NGUYÊN TỐ NƯỚC
Nguyên tố Nước được liên kết với Luân xa Xương cùng (Svadhisthana Chakra). Nó nằm ở bụng dưới và đại diện tính chuyển động, nữ tính, đam mê, sự sáng tạo và năng lượng tình dục. Khi Nguyên tố Nước cân bằng, năng lượng sẽ lưu chuyển tự do và chúng ta có thể khai thác các kỹ năng sáng tạo của mình.
Khi Nguyên tố Nước mất cân bằng sẽ dẫn đến các triệu chứng rối loạn cho cơ thể và tâm trí, đó là nguyên nhân phát sinh các chứng bệnh khác nhau.
1. Thực Hành Kết Nối Với Nguyên Tố Nước
- Liệu pháp tắm nước lạnh. Liệu pháp này làm giảm lo lắng, cải thiện lưu thông máu, cung cấp năng lượng Nguyên tố Nước cho cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch. Liệu pháp này cũng cân bằng tâm trạng và cảm xúc của bạn.
- Theo Ayurveda, Nguyên tố Nước có liên quan đến vị ngọt. Thực phẩm có vị ngọt tự nhiên nuôi dưỡng cơ thể có tác dụng thư giãn và làm dịu tâm trí. Các loại thực phẩm có vị ngọt tự nhiên là quả chà là, trái cây tươi, sữa, hạt điều, rong biển, cần tây, miso (một loại gia vị truyền thống của Nhật Bản) và tamari (loại nước tương lên men tự nhiên được làm bằng cách lên men miso).
2. Thực Hành Các Tư Thế Yoga
Tư thế Yoga kích hoạt Luân xa Xương cùng bao gồm các tư thế mở hông và các tư thế Gập người như:
- Tư thế Bồ câu (Kapotasana - Pigeon Pose).
- Tư thế Góc cố định (Baddha Konasana - Cobbler's Pose).
- Tư thế Ngồi xổm (Malasana - Garland Pose).
- Tư thế Đứng Gập người (Uttanasana - Standing Forward Fold).
- Tư thế Ngồi Gập Người (Paschimottanasana - Seated Forward Bend).
- Tư thế Ngồi Dạng chân Gập người về Phía trước (Upavista Konasana - Wide Angle Seated Forward Bend).
3. Thực Hành Các Bài Tập Pranayama
Một trong những bài tập Pranayama tốt nhất cho Nguyên tố Nước là bài tập Hơi thở Đại dương / Hơi thở Chiến thắng (Ujjayi Pranayama - Oceans Breath / Victorious Breath). Bài tập này kích thích dây thần kinh phế vị, kết nối bộ não với ruột và làm dịu hệ thần kinh.
4. Thần Chú Cho Luân Xa Xương Cùng
VAM là Thần chú (Mantra) giúp thanh lọc cho Luân xa Xương cùng. Luân xa này liên quan đến tình dục, sự gợi cảm và ham muốn khoái lạc. Tụng VAM lặp lại nhiều lần để kích hoạt Luân xa này.
NGUYÊN TỐ KHÔNG KHÍ
Luân xa Tim (Anahata Chakra) liên quan đến Nguyên tố Không khí chịu trách nhiệm cho một số chuyển động trong cơ thể.
Luân xa Tim đại diện cho tình yêu, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Đây là bánh xe năng lượng quay tròn kích hoạt năng lượng Prana để mở ra cánh cửa vào bên trong tâm hồn bạn. Khi cân bằng, nó mang lại cảm giác vui sướng-hạnh phúc vô bờ bến, cơ thể dồi dào năng lượng.
Khi Luân xa Tim mất cân bằng, nó có thể khiến bạn có cảm giác tự ti hoặc mặc cảm thua kém hơn so với người khác, bạn không tin tưởng vào bản thân và mọi người. Đồng thời, bạn cũng không thể yêu thương bản thân mình và người khác. Cơ thể bạn có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như lưu thông máu kém, huyết áp cao hoặc thấp, hay đau mỏi ở vùng vai, ngực và lưng trên.
1. Kết Nối Với Nguyên Tố Không Khí
Theo Ayurveda, vị đắng và chát có liên quan đến Nguyên tố Không khí tạo ra sự cân bằng cho Nguyên tố này. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm hơn, tình trạng viêm, sưng tấy hoặc giữ nước (phù thũng, phù nề) trong cơ thể sẽ thuyên giảm. Tình trạng tắc nghẽn do đờm hoặc chất nhầy sẽ giảm. Các loại thực phẩm như cải xoăn và cải Brussel có nhiều vị đắng. Đối với vị chát là quả lựu, trà đen và các loại đậu, đó là những lựa chọn tốt cho vị chát.
2. Thực Hành Các Tư Thế Yoga
Tuyến ức, nằm sau xương ức, sản sinh ra tế bào T rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch và sức đề kháng trước các chứng bệnh nhiễm trùng cùng các loại bệnh tật khác. Một luân xa Tim khỏe mạnh giúp máu lưu thông, phổi hoạt động hiệu quả và một cơ thể khỏe mạnh.
Tư thế Yoga mở Luân xa Tim sẽ kích hoạt Nguyên tố Không khí. Bao gồm các tư thế uốn lưng và mở ngực như:
- Tư thế Con thuyền (Paripurna Navasana - Boat Pose).
- Tư thế Cánh cung (Dhanurasana - Bow Pose).
- Tư thế Rắn hổ mang (Bhujangasana - Cobra Pose).
- Tư thế Bánh xe (Chakrasana - Wheel pose).
- Tư thế Lạc đà (Ustrasana - Camel Pose).
- Tư thế Mèo-Bò (Chakravakasana - Cat-Cow Pose).
3. Thực Hành Các Bài Tập Pranayama
Một số bài tập Pranayama có tác động mạnh mẽ đến Nguyên tố Không khí là:
- Hơi thở Đại dương / Hơi thở Chiến thắng (Ujjayi Pranayama - Oceans Breath / Victorious Breath).
- Hơi thở Con ong (Bhramari Pranayama - Bee Breath).
- Thở Hộp (Box Breathing) hoặc Hơi thở Yoga Đầy đủ (Full Yogic Breathing).
4. Thần Chú và Thiền Định
- Thần chú cho Luân xa Tim là YAM hãy tụng nó nhiều lần.
- Thiền định cho Luân xa Tim.
Luân xa Tim đại diện cho tình yêu, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Vì vậy, bằng cách kích hoạt những cảm xúc yêu thương từ chính bản thân bạn và Luân xa Tim sẽ được khai thông hay mở ra.
Hãy ngồi trong bất kỳ tư thế thiền định nào hoặc nằm trong tư thế Xác chết (Savasana). Hai tay thực hiện Ấn An lành (Auspicious Mudra). Bằng cách đặt hai bàn tay lên giữa ngực với các ngón tay hơi xòe ra một chút. Trước hết, đặt bàn tay phải của bạn lên ngực sau đó đặt bàn tay trái lên bàn tay phải. Bây giờ, bạn hãy nhằm mắt lại và cầu nguyện một cách thành tâm nhất có thể. Hãy lặp lại những câu sau trong vài phút: "Xin nguyện cầu cho vạn vật được mạnh khỏe! Xin nguyện cầu cho vạn vật được bình an! Xin nguyện cầu cho vạn vật được hạnh phúc!".
Một số người có thế bị chảy nước mắt trong khi thực hành, đó là dấu hiệu rất tốt vì Luân xa Tim đã được kích hoạt.
*Lưu Ý: Bạn cũng có thể sử dụng Ấn Cầu Nguyện (Anjali Mudra) với hai tay chắp trước ngực, nhưng khi nằm nên dùng Auspicious Mudra.
NGUYÊN TỐ KHÔNG GIAN
Nguyên tố không gian được liên kết với Luân xa Cổ hong (Vishuddha Chakra). Luân xa này thể hiện cho khả diễn đạt bằng lời nói và lắng nghe. Khả năng thể hiện bản thân, tính trung thực và sự cởi mở.
Khi Luân xa Cổ họng bị mất cân bằng (bị chặn hoặc tắc nghẽn) sẽ khiến chúng ta trở nên nhút nhát khi hiện diện ở trong đám đông, sống khép kín hoặc hướng nội.
Nguyên tố Không gian không là gì cả và cũng là tất cả. Nó chỉ là khoảng không cùng sự tĩnh lặng, nhưng đó là thứ giúp cho vạn vật chuyển động và cuộc sống trở nên khả thi hơn. Nguyên tố Không gian được tạo thành từ duy nhất tính chất Sattva thuần khiết. Sự tĩnh lặng của Không gian và sự thuần khiết của Sattva là yếu tố rất cần thiết trong thực hành thiền định.
Trong 5 Nguyên tố thì Không gian là Nguyên tố tinh tế nhất, chẳng hạn như:
- Sự ổn định bắt nguồn từ Nguyên tố Đất (Prithvi).
- Sự chuyển động thông qua dòng chảy của Nguyên tố Nước (Jal).
- Niềm đam mê bắt nguồn từ Nguyên tố Lửa (Agni).
- Sự nhẹ nhàng thuộc về Nguyên tố Không khí (Vayu).
- Nguyên tố Không gian hay Ête (Akasha) giúp chúng ta đạt đến yếu tố làm cho mọi thứ trở nên khả thi hơn.
1. Kết Nối Với Nguyên Tố Không Gian
- Theo Ayurveda vị đắng là vị duy nhất có liên kết với nguyên tố Không gian. Điều này chủ yếu là do khả năng thanh tẩy / làm sạch và tạo ra nhiều không gian hơn trong cơ thể. Vị này giúp loại bỏ ‘Ama’ hay độc tố trong cơ thể, làm sạch hệ tiêu hóa và ruột. Các yếu tố dư thừa như tăng nhiệt (Nguyên tố lửa), giảm giữ nước (phù thũng, phù nề) và thanh lọc máu. Nó cũng hỗ trợ sức khỏe của gan, giúp gan loại bỏ tạp chất dư thừa. Vị Đắng có trong các loại rau xanh như rau diếp xoăn, cải xoăn và bồ công anh, thì là, cỏ ca ri, củ nghệ và hạt thì là.
- Xông Khói - Sage Smudging: Xông khói bằng cây Xô thơm (Sage) là một tục lệ cổ xưa của người Mỹ Bản địa (Native American). Nhưng ngày nay, thực hành này đang được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Nó giúp loại bỏ các "tắc nghẽn - blocks" năng lượng vi tế, thanh lọc năng lượng tiêu cực ra khỏi căn phòng và cơ thể, để giúp chúng ta luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng.
- Nâng Cao Rung Động Của Bạn: Thông qua các thực hành như Yoga, Pranayama, thiền định, hoặc các hoạt thể chất khác và hoạt động ngoài thiên nhiên. Thay đổi lối sống bằng những suy nghĩ tích cực và hành động tích cực như yêu thương, biết ơn, cảm thông, giúp đỡ hay chia sẻ...
2. Thực Hành Các Tư Thế Yoga
Tất cả các tư thế Yoga tác động lên Luân xa Họng cũng hữu ích cho Nguyên tố Không gian bao gồm:
- Tư thế Con cá (Matsyasana - Fish Pose).
- Tư thế Lạc đà (Ustrasana - Camel Pose).
- Tư thế Đứng Rộng chân Gập người (Prasarita Padottanasana - Standing Wide-Legged Forward Bend).
- Tư thế Nữ thần (Utkata Konasana - Goddess Pose).
- Tư thế Cái cày (Halasana - Plow Pose).
- Tư thế Đứng bằng Vai (Sarvangasana - Shoulder Stand).
3. Thực Hành Các Bài Tập Pranayama
Hơi thở Con ong (Bhramari Pranayama - Bee Breath) giúp làm dịu hệ thần kinh, kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm thúc đẩy quá trình nghỉ ngơi và tiêu hóa. Bài tập Pranayama này làm tăng các rung động và tạo ra cảm giác hài hòa trong tâm trí và cơ thể. Các rung động cũng tác động tích cực đến Luân Ca cổ họng và dây thần kinh phế vị, tạo ra âm thanh cộng hưởng trong các khoang xoang ở vùng đầu nơi Không gian hiện diện.
4. Thần Chú và Thiền Định
Thần chú (Mantra) cho luân xa Cổ họng là HAM có tác động đến Nguyên tố không gian. Ngoài ra, thiền định quét cơ thể và thư giãn như Yoga Nidra là những thực hành rất hữu ích. Khi thực hành ngoài trời hoặc dưới ánh nắng mặt trời vào sáng sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Có thể bạn quan tâm: Giải phẫu cơ thể năng lượng vi tế trong khoa học Yoga.
Nguồn: Shvasa Yoga | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.