-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thiết kế thực hành Yoga dựa trên năng lượng Dosha của bạn
22/12/2020 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Yoga là một thực hành kỳ diệu, nó giúp chúng ta nhận thức được trạng thái tĩnh lặng bên trong cơ thể mình. Nó đánh thức những sức mạnh tiềm tàng và phục hồi sự cân bằng tổng thể cho cơ thể và tâm trí. Để gặt hái được những lợi ích tốt nhất, điều quan trọng là phải cá nhân hóa thực hành Yoga của bạn. Nó phải phù hợp với tính chất Thân-Tâm riêng biệt của bạn, hay còn gọi là Năng lượng (Dosha).
Theo Ayurveda (Tri thức cuộc sống), những "viên gạch" tạo dựng nên sự sống bao gồm năm nguyên tố: Đất, nước, lửa, không khí và không gian (ête). Ngoài ra còn có 3 Năng lượng (Dosha) là: Vata, Pitta và Kapha, chúng đều bắt nguồn từ năm nguyên tố. Các Năng lượng (Dosha) được biết đến như các loại Thân-Tâm khác nhau, chúng thể hiện cho các dạng năng lượng nhất định. Mỗi loại Năng lượng (Dosha) là sự hợp thành của các đặc tính của thể chất, cảm xúc và tinh thần.
Những yếu tố khác nhau như: Thực phẩm, mùa trong năm, rèn luyện thể chất và thậm chí các tư thế Yoga cụ thể, chúng cũng khiến cho mức Năng lượng (Dosha) tăng hoặc giảm.
1. Năng Lượng Vata (Vata Dosha)
Người thuộc tuýp Năng lượng Vata là những người tích cực, sáng tạo, năng động, giao tiếp, nhiệt tình và chuyển động cơ thể nhanh nhẹn.
Khi Năng lượng Vata bị mất cân bằng, họ thường trải qua cảm giác lo lắng, sợ hãi, do dự, tâm trí thích đua đòi, lịch trình ăn uống thất thường (họ có xu hướng ăn quá nhiều), thay đổi tâm trạng và giờ giấc ngủ thất thường.
Khi nói đến các khía cạnh của cơ thể, họ thường gầy và cao với bàn tay và bàn chân lạnh, khớp xương khô (kêu răng rắc), da khô và thường xuyên bị táo bón.
Năng lượng Vata có liên quan đến các chức năng của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn máu, chuyển động cơ bắp và các mô, nhịp tim và các xung thần kinh. Nếu Năng lượng (Dosha) của bạn chủ yếu là Vata, các tư thế Yoga lý tưởng là các tư thế để tĩnh tâm, tư thế đứng và tiếp đất.
a) Các Tư Thế Yoga
- Cái Cây (Vrksasana - Tree Pose)
- Trái Núi (Tadasana - Mountain Pose)
- Chiến Binh 1 (Virabhadrasana 1 - Warrior 1 Pose)
- Chiến Binh 2 (Virabhadrasana 2 - Warrior 2 Pose)
- Đứng Gập Người (Uttanasana - Standing Forward Bend)
- Ngồi Gập Người (Paschimottanasana - Seated Forward Bend)
- Ngồi Vặn Người (Ardha Matsyendrasana - Half Lord of the Fishes)
- Nằm Vặn Người (Supta Matsyendrasana - Supine Spinal Twist)
- Nằm Ôm Gối (Pavanmuktasana - Wind Relieving pose)
- Con Bướm (Baddha Konasana - Butterfly Pose)
- Em Bé (Balasana - Child’s Pose)
- Xác Chết (Savasana - Corpse pose). Cuối cùng, thư giãn trong tư thế Xác Chết.
Các chuỗi tư thế Vinyasa Yoga và Flow Yoga với nhịp độ nhanh có thể làm trầm trọng thêm chứng bệnh của người có Năng lượng Vata, chúng dễ làm cho họ bị lo lắng, gắng sức và mệt mỏi. Để phù hợp, thì các tư thế nên có nhịp điệu chậm rãi, kéo dài khoảng thời gian giữ trong mỗi tư thế.
b) Kỹ Thuật Thở - Pranayama
Nên tránh các bài tập Pranayama làm mát cơ thể hoặc cung cấp quá nhiều năng lượng, như: Hơi Thở Làm Mát (Sitali - Cooling Breath) và Hơi Thở Lửa (Kapalabhati - Breath of Fire). Các bài tập Pranayama làm lắng dịu, giảm căng thẳng và cân bằng cho tâm trí rất tốt cho người có Năng lượng Vata, như Thở Mũi Luân Phiên (Nadi Shodhana), Hơi Thở Con Ong (Bhramari), Hơi Thở Chiến Thắng (Ujjayi - Victory Breath).
2. Năng Lượng Pitta (Pitta Dosha)
Đây là những tuýp người cân đối, rất thông minh, lịch thiệp, dũng cảm, thân thiện. Họ cũng có xu hướng trở thành những diễn giả, nhà quản lý và nhà lãnh đạo xuất sắc trước công chúng.
Khi Năng lượng Pitta bị mất cân bằng, họ thường trải qua cảm giác tức giận, thiếu kiên nhẫn và khó chịu khi bị căng thẳng, hung hăng, làm việc quá sức và kiệt sức.
Người có Năng lượng Pitta có hình thể trung bình với sự phát triển của các cơ bắp ở mức bình thường, sự lỏng lẻo của các khớp xương giúp họ có độ linh hoạt cơ thể tương đối tốt. Người có Năng lượng Pitta có xu hướng tăng huyết áp vì tính khí nóng nảy, điều này khiến họ luôn muốn thành công hoặc chiến thắng.
Năng lượng Pitta có liên quan đến các chức năng của cơ thể như tiêu hóa, hấp thụ, đào thải thức ăn. Các tuyến bài tiết, sự trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể.
a) Các Tư Thế Yoga
Người có Năng lượng Pitta có xu hướng nhiệt độ cơ thể quá cao, họ nên tránh các hình thức Yoga gây đổ mồ hôi nhiều. Thay vào đó, nên ưu tiên các tư thế làm mát, thư giãn. Không giữ các tư thế "Đảo ngược" (Headstand, Handstand) trong thời gian lâu, vì sẽ tạo ra nhiều nhiệt. Thực hành Yoga vào những thời điểm mát mẻ trong ngày, chẳng hạn như lúc bình minh hoặc hoàng hôn.
Tập trung vào các tư thế giúp giải phóng nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể, bao gồm các tư thế nén đám rối thần kinh mặt trời (mở ngực).
- Bò Mèo ((Marjaryasana-Bitilasana - Cat-Cow Pose)
- Cây Cầu (Setu Bandha Sarvangasana - Bridge Pose)
- Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose)
- Lạc Đà (Ustrasana - Camel Pose)
- Rắn Hổ Mang (Bhujangasana - Cobra Pose)
- Đứng Trên Vai (Salamba Sarvangasana - Shoulder Stand) làm mát cơ thể và lắng dịu tâm trí.
- Gác Chân Lên Tường (Viparita Karani - Leg Up The Wall Pose)
- Con Bướm (Baddha Konasana - Butterfly Pose)
- Em Bé (Balasana - Child’s Pose)
b) Kỹ Thuật Thở - Pranayama
Khi thực hành các bài tập Pranayama, người có Năng lượng Pitta nên tập trung vào các bài tập Pranayama làm mát, hơi thở thư giãn như Hơi Thở Làm Mát (Sitali - Cooling Breath). Không nên thực hiện các bài tập Pranayama như: Hơi Thở Lửa (Kapalabhati - Breath of Fire) và Hơi Thở Chiến Thắng (Ujjayi - Victory Breath).
3. Năng Lượng Kapha (Kapha Dosha)
Đây là những tuýp người có tâm trí cân bằng, họ là những người từ bi, giúp đỡ, kiên nhẫn, quan tâm, thoải mái và dễ chịu. Họ luôn suy nghĩ sâu sắc trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Nhưng nếu Năng lượng Kapha bị mất cân bằng, họ có thể dẫn đến tâm trạng bất an, cuộc sống thiên về vật chất, lười biếng, ghen tị, thờ ơ và ăn uống quá độ.
Khi nói đến các khía cạnh của cơ thể, họ có thể chất mạnh mẽ và rắn chắc với xu hướng tăng cân do sự trao đổi chất chậm.
Cơ thể họ thường ngắn và chắc nịch. Với xương ngắn và dày. Tuy nhiên, họ là những người có cơ thể cứng cáp và mạnh mẽ và có sức bền rất tốt.
a) Các Tư Thế Yoga
Hầu hết các tư thế "Đứng" đều có tác dụng tiếp thêm sinh lực, đặc biệt nếu giữ tư thế trong thời gian dài. Cố gắng duy trì trong tối đa 20 nhịp thở. Những tư thế "Uốn lưng" mở lồng ngực có tác dụng sưởi ấm và lưu chuyển năng lượng sống Prana đi khắp cơ thể.
- Chuỗi Chào Mặt Trời (Surya Namaskar - Sun salutations)
- Cái Cây (Vrksasana - Tree Pose)
- Cái Ghế Vặn (Parivrtta Utkatasana - Twisting Chair Pose)
- Nửa Vầng Trăng (Half Moon pose)
- Chiến Binh 1 (Virabhadrasana 1 - Warrior 1 Pose)
- Chiến Binh 2 (Virabhadrasana 2 - Warrior 2 Pose)
- Tam Giác (Trikonasana - Triangle Pose)
- Đứng Bằng Đầu (Sirsasana - Headstand)
- Tấm Phản (Plank)
- Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose)
- Lạc Đà (Ustrasana - Camel Pose)
b) Kỹ Thuật Thở - Pranayama
Những người thuộc tuýp Năng lượng Kapha nên thực hành các bài tập Pranayama giúp kích thích cơ thể và trí óc, để đạt được sự khỏe mạnh và minh mẫn. Hít thở mạnh để tăng dung tích phổi rất có lợi. Đối với các bài tập Pranayama được khuyến khích như: Hơi Thở Lửa (Kapalabhati - Breath of Fire), Hơi Thở Chiến Thắng (Ujjayi - Victory Breath) và Thở Ống Bễ (Bhastrika - Bellows Breath). Thở Lỗ Mũi Bên Phải (Pingala Nadi - Right Nostril Breath) cũng giúp làm sạch và cung cấp năng lượng cho người có Năng lượng Kapha.
Mục tiêu cuối cùng của Yoga là phát triển nhận thức và kết nối với "Bản Chất Thiêng Liêng" đích thực của bạn. Cho dù Năng lượng cốt yếu của bạn là Vata, Pitta hay Kapha. Hãy tập trung tâm trí trong từng chuyển động và hơi thở của thời khắc hiện tại, để đưa thực hành Yoga của bạn lên một cấp độ cao hơn.
Hãy ghi nhớ những lời nói của Bậc thầy Yogi Patanjali: “Yoga là sự lắng đọng của tâm trí trong sự tĩnh lặng. Khi tâm trí tĩnh lặng, chúng ta sẽ thấu hiểu bản chất thực sự của chính mình, đó là Vô lượng Trí tuệ”.
- Có thể bạn quan tâm: Giải phẫu cơ thể năng lượng tinh tế trong khoa học Yoga.
Tác giả: Deepak Chopra | Biên soạn & tổng hợp: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.