Giỏ hàng
Tài khoản

Những tác dụng phụ trong thực hành Pranayama và 18 giải pháp

calendar 31/08/2021 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Những tác dụng phụ trong thực hành Pranayama và 18 giải pháp

Những tác dụng phụ không mong muốn thường xảy ra trong quá trình thực hành Pranayama, đây chủ yếu là do hai nguyên nhân chính: Khi Pranayama không được thực hành đúng cách, hoặc nếu thực hiện không đúng thể loại Pranayama phù hợp với cơ thể người tập.

A. NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Buồn ngủ
  • Cảm giác giống như có thứ gì đó đang chuyển động liên tục xung quanh đôi mắt đang nhắm của bạn
  • Không tập trung trong lúc suy nghĩ
  • Nôn mửa hoặc buồn nôn
  • Tâm trạng bất an, dễ bị kích động
  • Khó thở hoặc làm cho bệnh hen suyễn trở nên nặng hơn
  • Khó tiêu hóa hoặc đầy bụng
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Tâm lý mất cân bằng, bồn chồn
  • Bệnh trầm cảm trầm trọng hơn
  • Khô miệng
  • Nỗi sợ hãi nội tâm tăng lên, tâm trí không ổn định, bị ám ảnh. Đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phải dừng ngay lập tức thực hành Pranayama.
  • Đổ mồ hôi nhiều, tiết nước bọt nhiều
  • Thay đổi huyết áp và mức đường huyết
  • Tăng mức độ căng thẳng
  • Giảm khả năng miễn dịch
  • Đau nhức cơ thể, đau lưng
  • Mắt nhìn mờ

B. CÁC GIẢI PHÁP

1. Tự Thực Hành Pranayama Một Mình

Giống như sự nguy hiểm khi bạn tự điều trị bằng các phương pháp y học của Ayurveda. Tương tự như vậy, việc tự tập luyện Pranayama một mình cũng sẽ nguy hiểm cho bản thân người tập. Vì vậy, hãy học hỏi Pranayama từ một chuyên gia hoặc giáo viên yoga có kinh nghiệm, bạn sẽ từ từ thuần thục và làm chủ phương pháp thực hành hữu ích này!

2. Thực Hành Pranayama Trong Phòng Kín, Không Có Cửa Sổ

Nên thực hiện Pranayama trong căn phòng thoáng khí. Không khí trong lành rất quan trọng. Nếu không, nó có thể dẫn đến bị khó thở hoặc có thể làm giảm quá trình tư duy tự nhiên của bộ não, điều này sẽ dẫn đến các tác dụng phụ. Vì vậy, hãy thực hành Pranayama trong không gian thoáng khí hoặc nơi có không khí trong lành. Lý tưởng nhất là thực hành Pranayama ngoài thiên nhiên.

3. Tâm Trí Vội Vàng, Thiếu Bình Tĩnh

Hãy lưu ý rằng, nếu tâm trí bạn quá bất ổn, hoặc tâm trạng quá buồn bực thì hãy dừng thực hành Pranayama ngay lập tức. Để đạt được những lợi ích tối đa của Pranayama, hãy thực hành nó với tâm trạng vui vẻ và thư giãn.

4. Tiếng Ồn Bên Ngoài

Bạn thực hành Pranayama để làm lắng dịu tâm trí và tập trung hơn. Nhưng sẽ không giúp ích gì nếu con bạn đang la hét hoặc quấy phá trong phòng bên cạnh (điều này đã xảy ra với tôi nhiều lần). Trong trường hợp như vậy, không nên bít kín hai lỗ tai của bạn lại. Hãy tìm kiếm một không gian khác yên tĩnh hơn, hoặc chọn thời điểm thích hợp hơn để tiếp tục thực hành Pranayama của bạn.

5. Tư Thế Ngồi Sai

Chúng ta đã hiểu rõ về những lợi ích của việc ngồi thẳng lưng trong thực hành Pranayama và thiền định. Trong trường hợp bạn bị đau lưng và không thể ngồi thẳng, bạn nên hỏi ý kiến ​​chuyên gia hoặc giáo viên yoga để thực hiện một hình thức Pranayama khác nhẹ nhàng hơn. Bạn cũng nên tìm hiểu những lời khuyên của họ để làm giảm chứng đau lưng của mình.

Tư thế ngồi sai khi thực hành Pranayama sẽ khiến cho dòng chảy của Prana không đều khi di chuyển qua các kênh năng lượng Nadi trong cơ thể bạn. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ đã được liệt kê ở trên.

6. Thực Hành Pranayama Quá Nhiều

Trong y học Ayurveda nói rằng, bạn phải tuân thủ liều lượng của bác sĩ Ayurveda khi sử dụng các loại thuốc. Vì vậy, hãy tuân theo số vòng hít thở trong quá trình thực hành Pranayama. Trong trường hợp thực hành Pranayama quá mức sẽ khiến năng lượng Vata (Vata Dosha) của bạn bị mất cân bằng.

7. Thực Hành Pranayama Khi Bạn Quá Đói

Chúng ta đã biết rằng không nên kìm nén cơn đói của mình. Theo các nguyên tắc của Ayurveda: Nếu bạn đang rất đói bụng đồng thời thực hành Pranayama, bạn sẽ làm tổn hại đến Agni - Lửa Tiêu Hóa của mình, và khiến cho năng lượng (Dosha) Pitta và Vata bị mất cân bằng. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Chẳng hạn như buồn nôn, chóng mặt, mờ mắt, đau nửa đầu, v.v. Nếu bạn thực sự đói bụng, hãy ăn một ít rau xanh hoặc trái cây trộn. Sau đó, chờ một vài giờ đồng hồ rồi tiếp tục thực hành Pranayama.

8. Thực Hành Pranayama Ngay Sau Khi Ăn

Có thể bạn không có nhiều thời gian rảnh rỗi khi thực hành Pranayama ngay sau bữa sáng. Nhưng điều đó không được khuyến khích. Nó sẽ làm tổn hại cho năng lượng (Dosha) Kapha, Pitta và Vata của bạn.

9. Tập Trung Quá Nhiều Vào Vùng Giữa Hai Lông Mày

Thông thường khi thực hành Pranayama thì mắt luôn nhắm lại, và bạn được yêu cầu tập trung vào vùng "Tinh tế quan trọng" (Shringataka Marma). Nhưng nếu bạn tập trung quá nhiều vào điểm giữa hai lông mày có thể dẫn đến bị chóng mặt. Đầu tiên, bạn nên tập trung vào đầu / chóp mũi, sau khoảng thời gian vài ngày, từ từ bạn sẽ tập trung vào điểm giữa hai lông mày.

10. Suy Nghĩ Tiêu Cực Khi Thực Hành Pranayama

Nếu bạn đang hoàn toàn chán nản hoặc bạn đang có những ý nghĩ tiêu cực như tức giận, đố ky... một người nào đó. Cách tốt nhất để thực hành Pranayama thực sự mang lại những lợi ích cho sức khỏe, bạn phải thay đổi chúng bằng những suy nghĩ tích cực như thanh thản, yêu thương, vị tha... Nếu không, bạn đang lãng phí thời gian của mình một cách vô ích.

11. Vội Vàng Bước Vào Công Việc Sau Khi Thực Hành Pranayama

Ngay sau khi thực hành Pranayama, đừng đứng dậy ngay và bắt đầu chạy chỗ này chỗ kia, để chuẩn bị cho công việc thường ngày của bạn. Hãy ngồi lại một chỗ trong ít nhất từ 7 đến10 phút, để mức năng lượng Prana vừa tăng thêm được hòa hợp và cân bằng. Bạn cũng có thể tiếp tục ngồi thiền, hoặc cầu nguyện, sau đó từ từ quay lại với công việc của mình.

12. Thực Hành Pranayama Không Đúng Thể Loại Pranayama Đối Với Cơ Thể Bạn

Ví dụ: nếu bạn có kiểu cơ thể năng lượng Kapha, thì "Hơi Thở Làm Mát" (Sheetali Pranayama) sẽ không phù hợp hoặc có thể làm tổn hại cho cơ thể bạn. Luôn tham khảo ý kiến của các chuyên gia về Pranayama.

13. Vấn Đề Với Việc Nín Thở Khi Thực Hành Pranayama

Nhiều bài tập Pranayama yêu cầu bạn phải nín thở trong một thời gian nhất định. Nhưng nhiều người cảm thấy rất khó để thực hiện. Trong những trường hợp như vậy, bạn hãy tránh những bài tập mà bạn thấy khó và chỉ tập những bài tập dễ hơn, và không nhất thiết phải nín thở, chẳng hạn như Thở Mũi Luân Phiên (Anulom Vilom) đơn giản theo tỷ lệ 1-1.

14. Vội Vàng, Thiếu Tập Trung, Sợ Hãi, Lo Lắng, Khao Khát, Hồi Hộp, Bực Bội

Những triệu chứng này có thể xảy ra khi bạn thực hiện các bài tập thở mạnh, nghiêm ngặt như Hơi Thở Lửa (Kapalbhati). Nếu bạn gặp phải những triệu chứng này, tốt hơn nên giới hạn thời gian thực hành Pranayama chỉ trong 5 phút, hoặc dừng hoàn toàn bài tập Pranayama đó.

15. Tăng Huyết Áp Khi Thực Hành Pranayama

Có một quan niệm sai lầm rằng Hơi Thở Lửa (Kapalbhati) rất hữu ích để làm giảm mỡ bụng và bệnh béo phì. Do đó, những người ở độ tuổi trung niên có xu hướng thực hiện bài tập này khá thường xuyên. Thật đáng buồn, vì nó không đúng như vậy!

Nếu một người bị chứng cao huyết áp khi thực hiện Hơi Thở Lửa (Kapalbhati) có thể làm tăng huyết áp của họ. Do đó, tốt nhất là họ nên tránh bài tập này trong thời gian huyết áp đang tăng.

Vì vậy, thực hành Pranayama có tốt không? Tất nhiên là tốt và an toàn, chỉ khi bạn thực hiện nó một cách chính xác, dưới sự hướng dẫn của một giáo viên Yoga có kinh nghiệm.

16. Ngáp Trong Khi Thực Hành Pranayama

Điều này có thể xảy ra nếu bạn bị mất ngủ hoặc quá mệt mỏi. Nếu bạn muốn ngáp trong khi thực hành Pranayama, thì đừng kìm nén nó. Hãy tiếp tục Ngáp và hoàn tất nó. Hãy thư giãn một chút bằng cách hít thở bình thường trong 1 phút rồi tiếp tục thực hành Pranayama.

Kìm nén phản xạ ngáp trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là một thói quen rất xấu. Theo Ayurveda, việc ngừng hành động "Ngáp" có thể dẫn đến chứng khó thở và các rối loạn khác của cơ thể.

17. Cảm Giác Buồn Ngủ Khi Thực Hành Pranayama Vào Buổi Sáng

Hãy ngủ đủ giấc, không sử dụng các thức ăn nặng và khó tiêu hóa. Vì vậy, hãy ăn uống lành mạnh, thực phẩm tốt nhất cho thực hành Pranayama và thiền định là những thực phẩm tươi sống có tính chất Sattva (Sattva Guna: Tinh khiết, tích cực, nhẹ nhàng, thanh thản).

18. Sai lầm Của Người Mới Tập Khi Thực Hành Pranayama

Khởi động 2 loại Pranayama cùng một lúc. Nhiều người mới tập khi làm quen với thực hành Pranayama, họ đã thực hiện theo những cách thức được hướng dẫn trên TV. Ngay vào ngày đầu tiên, khi mới bắt đầu họ đã thực hiện 2 hoặc 3 bài thực hành Pranayama. Ví dụ, họ bắt đầu với bài Thở Mũi Luân Phiên (Anulom Vilom) và Hơi Thở Lửa (Kapalbhati). Bởi vì, những vị "Guru tâm linh TV" đã hướng dẫn như vậy. Trong thực tế, điều này có thể khiến cho họ bị chóng mặt, cảm giác buồn nôn, khó thở và không tỉnh táo.

Theo thuật ngữ Ayurveda đã nói rằng, kiểu tiếp cận thực hành Pranayama một cách vội vàng như vậy sẽ dẫn đến sự mất cân bằng của Udana Vata (Gió Vata), Prana Vata (Năng lượng Prana Vata) và Sadhaka Pitta (Năng lượng phụ của Pitta: Lửa của tim và bộ não).

Tác giả: Dr Janardhana V Hebbar - M.D. Ayurveda | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

 Tags: Thở yoga
Viết bình luận của bạn: