-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Prana tâm linh
22/11/2023 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Swami Vivekananda (1863-1902)
Đây là bài viết tương đối đầy đủ và là mục đích cuối cùng mà một hành giả yogi hướng đến. Có thể nói đây là một bài viết rút gọn nói về Yoga.
Theo các hành giả yogi thì có hai dòng thần kinh trong cột sống gọi là Pingala và Ida, và một cái rãnh gọi là Sushumna chạy dọc theo tủy sống. Ở phần đáy của cái rãnh đó là cái mà các hành giả yogi gọi là “hoa sen Kundalini”. Họ mô tả nó giống như hình tam giác, trong đó, nói theo ngôn ngữ biểu trưng của hành giả yogi, có một năng lực đang thu mình, có tên gọi là Kundalini. Khi Kundalini thức giấc, nó cố gắng khai phá một thông lộ xuyên qua cái rãnh đó, và khi nó từng bước tỉnh giấc thì, có thể nói như vậy, tâm trí được khai thông hết lớp này đến lớp khác, và nhiều cảnh tượng khác nhau cùng nhiều quyền năng kỳ diệu đến với hành giả yogi. Khi Kundalini đi đến bộ não thì hành giả yogi hoàn toàn tách ly khỏi thể xác và tâm trí, linh hồn đã được giải thoát. Chúng ta biết rằng tủy sống được cấu tạo một cách đặc biệt. Nếu ta dùng ký hiệu có số 8 nằm ngang (∞) để minh họa thì có hai phần, và hai phần này được nối với nhau ở đoạn giữa. Giả sử cứ chồng các ký hiệu đó lên, cái này trên cái khác, ta sẽ có hình ảnh một tủy sống. Bên trái là Ida và bên phải là Pingala, còn cái rãnh chạy xuyên suốt giữa tủy sống là Sushumna. Khi tủy sống dừng ở đốt sống vùng thắt lưng thì có một dây thần kinh rất nhỏ chạy xuống, cái rãnh thậm chí còn chạy xuyên suốt qua dây thần kinh đó, có điều là nhỏ hơn. Cái rãnh bị bít lại ở phía dưới cùng, gần cái gọi là đám rối thần kinh tọa (Sacral plexus), mà theo khoa sinh lý học hiện đại thì nó có hình tam giác. Những đám rối thần kinh (pluxus) khác nhau có trung tâm là tủy sống đó đều có thể tượng trưng cho những “hoa sen” khác nhau của hành giả yogi.
Các hành giả yogi mô tả vài trung tâm, bắt đầu với Muladhara, hay luân xa căn bản, rồi kết thúc bằng Sahasrara là luân xa hoa sen ngàn cánh trong não bộ. Do đó, nếu chúng ta xem những đám rối thần kinh khác nhau đó tượng trưng cho những hoa sen thì có thể dễ dàng hiểu được quan niệm của các hành giả yogi theo ngôn ngữ sinh lý học hiện đại. Chúng ta biết có hai loại hoạt động trong các dây thần kinh: thần kinh hướng tâm và thần kinh ly tâm, thần kinh giao cảm và thần kinh vận động. Một loại truyền cảm giác đến não, loại kia truyền từ não đến những bộ phận bên ngoài của cơ thể. Tất cả những dao động này cuối cùng đều được kết nối với não.
Có một vài sự kiện khác mà chúng ta cần phải ghi nhớ để dọn đường cho cách giải thích tiếp theo. Trong não bộ, tủy sống dừng tại hành tủy, hành tủy không gắn liền với xương mà bồng bềnh trong lớp dịch não tủy; do đó, nếu bị một sang chấn vào đầu thì lực tác động của sang chấn đó sẽ bị khuếch tán ra trong lớp dịch não tủy chứ không làm tổn thương hành tủy. Đây là dữ kiện quan trọng cần ghi nhớ. Điều thứ hai mà chúng ta cũng cần ghi nhớ là trong số những trung tâm này, có ba trung tâm cực kỳ quan trọng, đó là Muladhara (luân xa gốc), Sahasrara (luân xa hoa sen ngàn cánh trong não bộ), và Manipura (luân xa hoa sen nơi rốn).
Tiếp theo, chúng ta dùng một dữ kiện từ môn vật lý. Tất cả chúng ta ai cũng nghe nói đến điện, cùng những sức mạnh liên quan với nó. Chẳng ai biết được điện là gì, nhưng trong chừng mực có thể hiểu được thì đó là một dạng chuyển động. Có nhiều dạng chuyển động trong vũ trụ. Giữa chúng và dòng điện có gì khác nhau? Giả sử cái bàn này chuyển động thì các phân tử cấu tạo nên cái bàn này chuyển động theo cùng một hướng thì có dòng điện. Dòng điện được tạo ra khi tất cả các phân tử chuyển động theo một hướng. Nếu tất cả các phân tử không khí trong phòng này được sắp xếp để chuyển động theo cùng một hướng thì chúng sẽ biến căn phòng này thành một bình điện khổng lồ.
Một điểm khác xét từ quan điểm của môn sinh lý học, mà chúng ta cần ghi nhớ, đó là trung tâm chi phối hệ hô hấp cũng có hành động kiểm soát hệ thống thần kinh, và trung tâm điều khiển hệ hô hấp nằm đối diện với ngực, trong tủy sống. Trung tâm này chi phối cơ quan hô hấp, và cũng có một vài chức năng điều khiển các cơ quan thứ yếu. Bây giờ chúng ta có thể thấy vì sao phải tập hít thở cho đúng tiết nhịp. Trước hết, hít thở đúng tiết nhịp sẽ có xu hướng đưa tất cả những phân tử trong cơ thể chuyển động theo cùng một hướng. Khi tâm trí, với bản chất vốn hay bị phân tán, tập trung vào một điểm thì nó biến thành một ý chí mạnh mẽ và những luồng thần kinh cũng chuyển sang chuyển động tương tự như dòng điện, bởi vì người ta đã chứng minh được rằng các dây thần kinh được phân cực dưới tác động của dòng điện. Điều này cho thấy rằng khi được chuyển hóa thành những dòng thần kinh thì ý chí biến thành một cái gì đó tương tự như dòng điện. Khi tất cả chuyển động của cơ thể đã hoàn toàn theo một tiết tấu nhịp nhàng thì, có thể nói như vậy, cơ thể sẽ biến thành một bình điện khổng lồ của ý lực. Ý lực vĩ đại này chính xác là cái mà các hành giả yogi cần đến. Do đó, đây là cách giải thích cho pranayama, xét từ quan điểm sinh lý học, nó có xu hướng đưa tiết nhịp vào cơ thể và giúp chúng ta điều khiển được các trung tâm khác, thông qua trung tâm hô hấp. Ở đây, mục đích của pranayama là đánh thức được năng lượng tiềm ẩn trong Muladhara, được gọi là Kundalini.
Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, tưởng tượng hay nằm mơ thì chúng ta phải nhận thức chúng trong không gian. Đây là cõi không gian bình thường, được gọi là Mahakasa, hay không gian vật lý. Khi một hành giả yogi đọc được tư tưởng của người khác, hoặc nhận thức được những đối tượng siêu thức thì ông ta nhìn thấy chúng trong một không gian khác, gọi là Chittakasa, hay không gian tinh thần. Khi nhận thức trở thành vô đối tượng thì Linh Hồn sẽ tỏa sáng trong Tự Tính của nó, cái đó gọi là Chidakasa, hay không gian Tri Thức. Khi Kundalini được đánh thức và đi vào rãnh Sushumna thì tất cả nhận thức đều ở không gian tinh thần. Khi nó đi đến tận cùng của rãnh Sushumna, đây là chỗ mở thông đến não bộ thì nhận thức vô đối tượng nằm trong không gian Tri Thức.
Dùng dòng điện để minh họa, chúng ta thấy rằng ta phải cần đến dây dẫn để truyền dòng điện, nhưng thiên nhiên không cần đến dây dẫn mà vẫn có thể truyền được những dòng điện khủng khiếp của nó. Điều đó chứng minh rằng dây dẫn không thực sự cần thiết (*), mà do chúng ta bất lực không thể loại bỏ được nó nên buộc phải dùng đến nó. Tương tự như vậy, mọi cảm giác và chuyển động của cơ thể được truyền đến não, thông qua các sợi thần kinh này. Các bó dây thần kinh cảm giác và thần kinh vận động trong tủy sống là Ida và Pingala của các hành giả yogi. Chúng là những rãnh chính để những dòng thần kinh hướng tâm và ly tâm lưu thông qua đó. Nhưng vì sao mà tâm trí lại không thể gửi được thông tin hoặc phản ứng nếu không có dây dẫn? Chúng ta thấy điều này được thực hiện trong tự nhiên. Các hành giả yogi nói rằng nếu làm được điều đó thì các bạn đã thoát ly được sự ràng buộc của vật chất rồi. Làm thế nào để làm được điều này? Nếu các bạn có thể khiến cho dòng thần kinh chạy xuyên qua Sushumna thì các bạn đã giải quyết được vấn đề. Tâm trí đã tạo ra mạng hệ thống thần kinh này, rồi nó phá vỡ hệ thống đó để không cần đến dây dẫn mà vẫn hoạt động được. Chỉ với thế, toàn bộ tri thức mới đến với chúng ta, không còn bị ràng buộc vào thể xác nữa. Đó là lý do vì sao nó lại quan trọng đến mức chúng ta cần phải điều khiển Sushumna cho bằng được. Nếu các bạn có thể gửi một dòng chảy tinh thần (mental current) xuyên qua cái rãnh đó, mà không cần đến bất kỳ sợi thần kinh nào làm dây dẫn, thì các hành giả yogi bảo đó là các bạn đã giải quyết được vấn đề, và họ cũng bảo có thể làm được điều đó. Nơi người bình thường thì Sushumna bị bít ở chỗ tận cùng, không một dòng thần kinh nào đi xuyên qua được. hành giả yogi đề nghị một phương pháp thực hành để khai mở nó ra, và để những dòng thần kinh lưu thông qua lại.
Khi một cảm giác được truyền tới trung tâm thì trung tâm này có phản ứng. Phản ứng này, đối với những trung tâm tự động, được nối tiếp bằng chuyển động, còn đối với những trung tâm có ý thức thì trước hết nó được nối tiếp bằng nhận thức, rồi đó mới là chuyển động. Mọi nhận thức đều là sự phản ứng lại tác động từ bên ngoài. Như vậy thì nhận thức trong giấc mơ phát sinh như thế nào? Không có tác động nào từ bên ngoài cả. Cảm giác, do đó, hẳn phải tiềm ẩn ở đâu đó. Chẳng hạn tôi thấy một thành phố. Việc nhận thức thành phố đó xuất phát từ sự phản ứng lại những cảm giác được đưa đến từ những đối tượng bên ngoài tạo nên thành phố ấy. Điều đó có nghĩa là có một chuyển động nào đó trong những phân tử não được xác lập bởi chuyển động của những dây thần kinh dẫn truyền, bây giờ chuyển động đó lại được xác lập bởi đối tượng bên ngoài của thành phố này. Thậm chí sau một thời gian dài nữa, tôi vẫn nhớ lại thành phố này. Những giấc mơ đúng là cùng một hiện tượng, chỉ có điều là ở trong một hình thức dịu dàng hơn. Nhưng những hoạt động xác lập nên các dao động tương tự dưới hình thức dịu dàng hơn này, chúng từ đâu mà có? Chắc chắn không phải từ những cảm giác đầu tiên. Như vậy, hẳn là những cảm giác đó phải tiềm ẩn ở đâu đó, và hoạt động của chúng đã làm nẩy sinh phản ứng dịu dàng, mà chúng ta gọi là nhận thức trong mơ.
Trung tâm, nơi lưu trữ tất cả những cảm giác còn sót lại được gọi là Muladhara, kho lưu trữ căn bản, và năng lượng tiềm ẩn của hành động được gọi là Kundalini hay “năng lượng cuộn xoắn”. Rất có thể là năng lượng vận động còn sót lại cũng được lưu trữ tại cùng một trung tâm, bởi vì, sau việc nghiên cứu hay thiền quán sâu xa về những sự vật bên ngoài thì phần cơ thể, nơi trung tâm Muladhara được định vị (có thể là đám rối thần kinh tọa) nóng lên. Giờ đây, nếu năng lượng tiềm ẩn này được kích hoạt và được điều khiển để di chuyển lên trên dọc theo rãnh Sushumna thì sẽ phát sinh một phản ứng dữ dội. Khi một bộ phận nhỏ của năng lượng hoạt động này di chuyển dọc theo dây thần kinh và gây nên phản ứng từ những trung tâm thì nhận thức là giấc mơ hoặc trí tưởng tượng. Khi một khối lượng năng lượng khổng lồ, được lưu trữ do công phu nội quán lâu dài, di chuyển dọc theo Sushumna và đập vào các trung tâm thì phản ứng rất là dữ dội, vượt xa hơn vạn lần phản ứng của giấc mơ hay trí tưởng tượng, và mãnh liệt hơn muôn vạn lần phản ứng của nhận thức bằng giác quan. Đó là nhận thức siêu thức. Và khi nó đạt đến trung tâm của cảm giác thì não bộ, trọn cả não bộ, có thể nói như vậy, phản ứng lại, và kết quả là ngọn lửa toàn giác bùng lên rực rỡ, liễu ngộ được Chân Ngã. Khi sức mạnh của Kundalini di chuyển từ trung tâm này đến trung tâm khác thì hết lớp này sang lớp khác trong tâm trí lần lượt được khai mở ra, và vũ trụ này sẽ được hành giả yogi nhận ra trong hình tướng tinh tế hay trong mối tương quan nhân quả.. Rồi chỉ có nhân của vũ trụ này, vừa như là cảm giác, vừa như là phản ứng, sẽ được nhận chân y như thực, và từ đó phát sinh toàn bộ những tri thức. Đã biết được nhân thì tri thức về quả chắc chắn sẽ theo sau.
Do đó, đánh thức được Kundalini là phương pháp duy nhất và độc nhất để đạt đến thánh trí, đạt đến trí tuệ siêu thức, và chứng ngộ được thế giới tâm linh. Đánh thức Kundalini có thể thực hiện theo nhiều phương pháp: bằng tình yêu thương dành cho Thượng Đế, bằng ân huệ của những vị hiền triết toàn mãn, hoặc bằng năng lực của ý chí phân tích nơi các triết gia. Bất cứ nơi nào đã có sự biểu hiện của cái thường gọi là năng lực siêu nhiên hay trí tuệ siêu nhiên thì ở đó dòng chảy nhỏ bé của Kundalini hẳn phải tìm được đường đi xuyên qua Sushumna. Chỉ có điều là đa số trường hợp của những trường hợp siêu nhiên như thế, con người lại cứ loay hoay một cách khờ khạo với một vài phép luyện tập nào đó, chỉ giải phóng được một phần nhỏ năng lượng Kundalini tiềm ẩn. Tất cả những chuyện sùng bái, dù ý thức hay vô thức, đều dẫn đến mục đích này. Người nào ngỡ rằng mình được đáp ứng từ những lời cầu nguyện sẽ không biết được rằng thành tựu đó chỉ xuất phát từ chính bản tính của mình, rằng anh ta đã thành công bằng thái độ cầu nguyện trong tinh thần, khi đánh thức được từng chút nhỏ của nguồn năng lực vô biên tiềm ẩn trong tự thân mình. Do đó, cái mà kẻ vô minh ngu dốt đang sùng bái dưới nhiều danh xưng, sùng bái bằng sự sợ hãi và nỗi khổ đau thì hành giả yogi tuyên bố với thế giới rằng đó là năng lực thực sự đang tiềm ẩn trong tự thân mỗi người, là Người Mẹ của niềm lạc phúc vĩnh cửu. Và Raja-yoga là khoa học của tôn giáo, là cơ sở hợp lý của mọi sự sùng bái, mọi lời cầu nguyện, của mọi hình thức, lễ nghi và phép lạ.
- Có thể bạn quan tâm: Sức nóng tâm linh là gì?
(*): Swami Vivekananda (1863-1902) viết trước khi có hệ thống thông tin vô tuyến. Điều này có nghĩa là ông hiểu được việc truyền dẫn thông tin mà không cần sử dụng đến dây dẫn.
Tác giả: Swami Vivekananda | Dịch & Biên soạn: Huỳnh Ngọc Chiến | Ảnh minh họa từ Internet.