-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tầm quan trọng của cột sống trong Yoga
19/08/2024 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Cho dù các Yogi hiện đại có 'phát minh' ra nhiều tư thế Yoga mới lạ đi chăng nữa, thì bạn cũng đừng bận tâm đến điều đó. Bởi vì, thứ quan trọng nhất đối với bạn là Một Cột sống Khỏe mạnh (A Healthy Spine).
1. Tầm Quan Trọng Của Cột Sống Đối Với Cơ Thể
Trong triết lý Yoga, cột sống là trung tâm năng lượng của cơ thể, là con đường để năng lượng Prana hay năng lượng sống di chuyển qua đó.
Trong giải phẫu học phương Tây, cột sống là trung tâm quan trọng của cơ thể. Nó là chìa khóa cho sức khỏe và sự cân bằng về mặt cấu trúc cơ thể của chúng ta, cột sống chi phối và xác định khả năng di chuyển linh hoạt và nhanh nhẹn của toàn bộ cơ thể.
Nhưng quan trọng hơn, bên trong cột sống chứa tủy sống, trung tâm của dòng thông tin thần kinh giữa não bộ và mọi bộ phận của cơ thể. Nếu tủy sống không toàn vẹn, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
Giữ cho cột sống khỏe mạnh là điều quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc sống - tuổi trẻ, tuổi trung niên và tuổi già.
2. Làm Thế Nào Để Giữ Cho Cột Sống Khỏe Mạnh?
Bộ môn Yoga là một trong số ít các hình thức vận động có tác dụng di chuyển cột sống một cách có hệ thống. Càng lớn tuổi, việc duy trì chuyển động đa dạng của cột sống càng trở nên quan trọng hơn. Có nhiều điều chúng ta có thể làm để tạo nên sự khác biệt. Nhưng bí quyết quan trọng đó là "sự chuyển động đa dạng của cột sống".
Sau đây là một số điểm cần lưu ý:
- Di chuyển cột sống là phương pháp trị liệu số 1 để kích thích sự lưu thông máu tốt hơn, nó không chỉ tác động đến các cấu trúc cột sống (đốt sống) mà còn tác động đến các cơ quan trong cơ thể.
- Các chuyển động đa dạng của cột sống cũng đảm bảo rằng tất cả các đốt sống của chúng ta (bao gồm 26 đốt sống quan trọng nhất của cột sống) duy trì được độ ẩm và tính linh hoạt của chúng.
- Khi cột sống mất khả năng phục hồi và tính chuyển động (mobility) trong mô cân (fascial tissue), điều này có thể làm giảm tính chuyển động của toàn bộ cơ thể. Sự giảm tính chuyển động là nguyên nhân gây ra các cơn đau bột phát.
- Cột sống bị cứng nhắc và mất khả năng chuyển động linh hoạt có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân bao gồm: Các chuyển động lặp đi lặp lại và ngồi lâu một chỗ hoặc ít vận động. Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là phải nuôi dưỡng một ma trận mô liên kết toàn bộ cơ thể có khả năng phục hồi, duy trì sự bền bỉ của cột sống để thích ứng với cuộc sống và môi trường luôn thay đổi của chúng ta.
- Cần quan tâm đến tầm quan trọng của việc căng giãn và căn chỉnh không chỉ cho cột sống vật lý mà còn cho cả năng lượng Prana lưu chuyển trong cột sống thông suốt từ đáy cột sống cho tới đỉnh đầu, bao gồm cả hoạt động của não bộ và hệ thần kinh.
- Các tư thế Yoga và bài tập thở hít thở của Pranayama có thể giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực hoặc căng thẳng thông qua năng lượng Prana di chuyển qua trung tâm của đỉnh đầu. Với tư cách là 'Con người,' chúng ta được cho là đã tiến hóa cùng khả năng vượt qua những giới hạn nhận thức của bản thân. Theo Yoga truyền thống, "Những gì đang diễn ra với cột sống của bạn là sự phản ánh cho sự tiến hóa về nhận thức của chính bạn".
- Cần lưu ý các nguyên tắc chuyển động cơ bản như: 'Ức chế tương hỗ' (Ức chế qua lại) để mở rộng khả năng chuyển động của cơ thể bạn. Chìa khóa cho sự chuyển động đa dạng của cột sống, bao gồm học cách thức khám phá nhịp điệu và cảm giác của các chuyển động như căng duỗi, giữ tư thế Yoga, vào và ra khỏi mọi tư thế Yoga một cách nhịp nhàng để biến bài tập Yoga thành một 'điệu nhảy', chứ không chỉ là giữ tư thế tĩnh.
*(Sự ức chế qua lại mô tả sự thư giãn của các cơ ở một bên khớp để thích ứng với sự co lại của các cơ ở bên kia khớp).
CÁC TƯ THẾ YOGA CHO CỘT SỐNG VÀ LỢI ÍCH CỦA CHÚNG
1. Đứng Vươn Tay Qua Đầu - Upward Salute (Urdhva Hastasana)
Lưu ý tư thế này có thể được kết hợp với động tác nâng 2 gót chân khi vươn người lên, vì nó có tác dụng làm giảm chứng suy giãn tĩnh mạch ở chân.
Những Lợi Ích:
- Tăng cường sức mạnh cho đôi chân.
- Tăng cường sức mạnh cho cơ tam đầu.
- Căng giãn hai vai.
- Làm săn chắc vùng bụng và hông.
- Tăng cường sức mạnh cho chuỗi cơ sau ở vùng cơ lưng, mông, gân kheo.
- Giúp cải thiện sự cân bằng.
- Giúp điều chỉnh tư thế / vóc dáng cơ thể bạn.
- Kéo giãn toàn bộ phần thân trước.
- Giúp kéo giãn cột sống.
- Giúp kéo giãn toàn bộ cơ thể.
- Chuẩn bị cho cột sống thực hiện các động tác kéo giãn sâu hơn, uốn cong lưng và xoắn-vặn.
- Giúp giải tỏa căng thẳng ở vùng vai.
- Giúp làm giảm đau thần kinh tọa.
2. Đứng Gập Người Về Trước - Standing Forward Bend (Uttanasana)
Những lợi ích:
- Kéo giãn phần sau của chân, hông và cột sống.
- Tăng cường sức mạnh cho chân, đùi và đầu gối.
- Cân bằng hệ thần kinh, làm dịu tâm trí.
- Cải thiện tiêu hóa, kích thích gan và thận.
- Giảm căng thẳng cho vùng lưng dưới khi gập người với đầu gối uốn cong.
3. Đứng Rộng Chân Gập và Vặn Người - Revolved Wide-Legged Standing Forward Fold (Parivrtta Prasarita Padottanasana)
Những lợi ích:
- Cơ gân kheo, bắp chân, hông, lưng dưới và cột sống được căng giãn.
- Phần lưng trên và vai trên được kéo giãn và tăng cường sức mạnh.
- Giúp tâm trí bình tĩnh hơn.
- Giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm nhẹ.
- Mở hông.
- Giảm căng các cơ vùng cổ và hai vai.
4. Đứng Uốn Lưng Ra Sau - Standing Backbend Pose (Anuvittasana)
Những lợi ích:
- Đây là một tư thế tuyệt vời để mở rộng không gian cho tim.
- Giúp giải phóng căng thẳng, đặc biệt là vùng cổ và vai.
- Giúp mở rộng lồng ngực và tăng dung tích phổi.
- Tăng tính linh hoạt cho cột sống.
- Giảm căng thẳng.
5. Đứng Nghiêng Người Sang 2 Bên - Standing Side Bend Pose (Ardha Kati Chakrasana)
Những lợi ích:
- Mang lại sự cân bằng cho toàn bộ cơ thể.
- Căng giãn cơ bụng, cơ hông và cơ đùi.
- Cải thiện tính linh hoạt của cột sống.
- Căng giãn các cơ liên sườn, mở rộng lồng ngực và tăng dung tích phổi.
- Căng giãn các cơ liên sườn có tác dụng làm giảm chứng đau cổ-vai-gáy.
- Kích thích tiêu hóa và đào thải.
6. Đứng Vặn Người - Standing Spinal Twist Pose (Parivrtta Tadasana I)
Những lợi ích:
- Căng giãn các cơ ở cột sống, cơ thắt lưng và ngực.
- Tăng cường sức mạnh cho lưng, cổ và vai.
- Cải thiện khả năng vận động của cột sống, vai và cổ cũng như phạm vi chuyển động của vùng hông và thắt lưng.
- Mở rộng lồng ngực, tăng dung tích phổi và giúp cột sống khỏe mạnh.
- Tiếp thêm năng lượng, thư giãn tâm trí và giảm căng thẳng thông qua việc kích hoạt năng lượng Prana lưu thông khắp cơ thể.
- Kích thích tiêu hóa và đào thải.
- Kích hoạt và cân bằng Luân xa Búi Mặt trời (Manipura), nâng cao lòng tự trọng, khuyến khích tính tự chủ và lòng tự tin.
VỀ TÁC GIẢ:
Lillah Schwartz là một giáo viên Yoga lâu năm và giàu kinh nghiệm. Hơn nữa, bà còn được mệnh danh là "Nữ hoàng của Sự Liên kết / Định tuyến" (the Queen of Alignment). Trong suốt hơn 30 năm học hỏi cùng các bậc thầy Yogi như BKS Iyengar, Aadil Palkhivala, Eric Small và Matthew Sanford, hiện nay Lillah đang chia sẻ những kiến thức của mình với các học viên Yoga để hướng dẫn họ cách làm giảm chứng bệnh đau lưng.
Lillah điều hành studio (phòng tập) riêng của mình tại Asheville, NC (Hoa Kỳ), từ năm 1981 đến năm 2013. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình với các chứng bệnh đau lưng, bà đã trở thành người tiên phong trong ứng dụng Yoga trị liệu vào việc điều trị căn bệnh này.
Với nhiều thập kỷ giảng dạy các lớp Yoga chăm sóc lưng và đào tạo giáo viên Yoga trị liệu, Lillah còn có kinh nghiệm về mát-xa và liệu pháp sọ-xương cũng như kinh nghiệm đào tạo chuyên sâu về giải phẫu và sinh lý chức năng cơ thể. Lillah Schwartz đã có chứng chỉ C-IAYT, E-RYT500, Iyengar Trained.
- Chứng chỉ Chuyên gia Yoga Trị liệu cho cá nhân - Certification of Individual Yoga Therapists (C-IAYT).
- Liệu pháp Yoga cá nhân (Individual yoga therapy) được thiết kế bởi một chuyên gia Yoga trị liệu chuyên nghiệp có chúng chỉ C-IAYT. Họ sẽ thiết kế các bài tập Yoga hàng ngày dành riêng cho một người nào đó, dựa trên trình độ kinh nghiệm và mục tiêu cá nhân của người đó về sức khỏe và thể chất.
- E-RYT 500 (Experienced Registered Yoga Teacher): Chứng chỉ Giáo viên Yoga 500 giờ Có kinh nghiệm, Được đăng ký với Liên minh Yoga (Kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 1000 giờ và ít nhất 2 năm giảng dạy Yoga).
- Iyengar Trained: Giáo viên Iyengar Yoga được chứng nhận (CIYT) được đào tạo theo phương pháp Yoga do BKS Iyengar sáng lập.
Có thể bạn quan tâm: 4 Nguyên tắc cơ bản của Asana (Tư thế Yoga)
Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.