-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thuần phục tâm trí khỉ
10/11/2023 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
QUAN NIỆM SAI LẦM
Một quan niệm sai lầm phổ biến là "thiền định được sử dụng như một phương pháp thư giãn". Điều này chỉ đúng một nửa. Thật vậy, về lâu dài, việc thực hành thiền định thường xuyên có thể mang lại sự thư giãn, nó chỉ là một trong những lợi ích của thiền định. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thực hành thiền như vậy sẽ không mang lại kết quả gì nếu chỉ thư giãn. Đó không phải là mục đích của thiền định.
Hơn nữa, thư giãn không giúp bạn vượt qua trạng thái "tâm trí khỉ" hay "tâm khỉ". Giống như khi bạn đang làm việc và người bên cạnh gây ồn ào khiến bạn mất tập trung. Bạn không thể vượt qua sự phiền nhiễu đó bằng cách thư giãn. Bạn phải nỗ lực nhiều hơn để tập trung vào công việc mình đang làm.
Trong thực tế, thư giãn cũng không dẫn đến Pratyahara - cấp độ đầu tiên của thiền định (rút lui tâm trí ra khỏi các giác quan). Điều này chỉ có thể đạt được bằng sự tập trung (định).
Kết Luận:
Vì vậy, hãy nhận biết về sự khác biệt cơ bản quan trọng giữa thiền định và thư giãn, đó là: Thiền định có một yếu tố năng động của sự THỨC TỈNH - AWAKENING mà không hề có trong thư giãn. Thiền định là vượt ra khỏi "tâm trí khỉ” ồn ào, những hình thức suy nghĩ khuôn mẫu tạo ra thái độ tinh thần cố hữu của chúng ta. Thiền định là vượt qua mọi giới hạn tinh thần và khám phá năng lượng mạnh mẽ bên trong - năng lượng giúp nâng cao Điện áp của Ý thức (The Voltage of Consciousness).
Có thể bạn quan tâm: 10 Giai đoạn và 4 cấp bậc của thiền định
TẠI SAO THIỀN ĐỊNH LẠI KHÓ NHƯ VẬY?
Tâm trí của thiền giả mới bắt đầu thực hành là trạng thái "tâm trí khỉ". Tất cả chúng ta đều đã từng hoặc đang trải qua nó khi thiền định.
Mặc dù thiền có mục đích làm dịu tâm trí bồn chồn, nhưng ban đầu nó thường khiến tâm trí bị kích động thêm. Điều này có thể khiến những người mới hành thiền chán nản, họ nghĩ rằng mình thiếu sự tập trung cần thiết hoặc họ thiền “quá tệ”. Tuy nhiên, "tâm khỉ" không phải là rào cản cho việc tu tập mà là một thử thách bình thường cần phải vượt qua bằng các phương tiện thiện xảo. Khi được hiểu và vận dụng đúng cách, vượt qua "tâm khỉ" thực sự có thể tăng cường sự tập trung và bộc lộ trạng thái an định sâu sắc hơn.
Khi chưa thực hành thiền định bạn thường nghe nói về những lợi ích có vẻ tốt đẹp và thư giãn. Nhưng thực tế thì: để đạt được những điều đó thực sự khó khăn hơn bạn tưởng! Tâm trí của con người thường đi lang thang rất nhiều và có thể lang thang đến những nơi mà bạn không mong muốn. Đây không phải là một trải nghiệm thư giãn. Đặc biệt là khi bạn càng cố gắng ép tâm trí trở lại với hơi thở thì việc tập trung vào hơi thở càng trở nên khó khăn hơn. Bạn càng cố gắng không nghĩ đến những suy nghĩ nào đó hoặc không muốn cảm nhận những cảm xúc nào đó, thì những suy nghĩ và cảm xúc đó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, chỉ trong từ 5 đến 45 phút yên tĩnh, bạn sẽ biết được tâm trí mình điên loạn, bồn chồn và tiêu cực đến mức nào.
1. Rào Cản Sinh Học và Tâm Lý
Thiền không chỉ là một bài tập rèn luyện tinh thần, nó cũng liên quan đến những thay đổi sinh học và tâm lý trong bộ não và cơ thể bạn. Đó là những yếu tố có thể khiến thiền định trở nên khó khăn.
- Phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy và nó cản trở thiền định như thế nào?
Phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy là một phản ứng tự nhiên trước căng thẳng nhằm chuẩn bị cho cơ thể hành động. Nó liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa hệ thống thần kinh, hoóc môn và các quá trình sinh lý khác nhau. Mặc dù phản ứng này có thể hữu ích trong các tình huống khẩn cấp, nhưng sự căng thẳng mãn tính sẽ dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm lo lắng, trầm cảm và bệnh tim mạch. Hơn nữa, phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy có thể cản trở việc thực hành thiền định theo nhiều cách.
- Sự căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ như thế nào?
Sự căng thẳng có thể gây ra nhiều tác động lên cơ thể và não bộ, bao gồm tăng nhịp tim, tăng nồng độ cortisol và giảm hoạt động ở vỏ não trước trán (vùng não liên quan đến việc ra quyết định và tự kiểm soát). Những thay đổi này sẽ gây khó khăn cho việc tập trung tâm trí và cản trở việc thực hành thiền định.
Sự căng thẳng có thể khiến bạn khó đi vào trạng thái thư giãn và tập trung hơn khi thiền định. Nó cũng có thể dẫn đến những suy nghĩ mất tập trung và cảm giác bồn chồn. Theo thời gian, căng thẳng mãn tính có thể khiến việc duy trì thực hành thiền trở nên khó khăn hơn, dẫn đến giảm lợi ích.
- Mạng chế độ mặc định (Default mode network - DMN) có thể can thiệp vào thiền định như thế nào?
Khoa học thần kinh đã lần theo dấu vết của "tâm trí khỉ" và nó có liên quan đến các vùng não được gọi là Mạng chế độ mặc định. Mạng chế độ mặc định có thể cản trở việc thực hành thiền bằng cách thúc đẩy những suy nghĩ lang thang và mất tập trung. Điều này có thể gây khó khăn cho việc tập trung và đi vào trạng thái thiền sâu hơn. Ngoài ra, mạng chế độ mặc định có thể được kích hoạt trong các trạng thái cảm xúc tiêu cực, dẫn đến gia tăng suy nghĩ tiêu cực.
2. Những Ký Ức Bị Chôn Vùi
Trong thiền định, chúng ta hướng ánh nhìn vào nội tâm những phần của tâm trí mà bình thường chúng ta không nhận thức được. Điều này khuấy động mọi loại suy nghĩ, ký ức, những thôi thúc và phức cảm (oedipus complex - cảm xúc phức tạp) tiềm ẩn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
3. Tự Phán Xét
Nhiều người mới hành thiền cũng phải vật lộn với việc “tự phán xét” bản thân. Rằng, họ thiền không đúng cách hoặc không thể ngồi yên. Sự tự phán xét này chỉ tạo thêm sự kích động hay "tâm khỉ".
NHỮNG CÁCH THỨC VƯỢT QUA TRỞ NGẠI
1. Cách Thức Vượt Qua Rào Cản Sinh Học Và Tâm Lý
- Các phương pháp để giảm căng thẳng và làm dịu phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy khi thiền định.
Có một số phương pháp có thể giúp giảm căng thẳng và làm dịu phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy trong thiền định. Những phương pháp này thường được thực hành trước khi thiền, bao gồm các bài tập hít thở sâu, thư giãn cơ bắp một cách từ từ, các kỹ thuật quán tưởng và chánh niệm như quét cơ thể, thiền định về lòng từ bi. Bằng cách học cách thức làm lắng dịu phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, chúng ta có thể cải thiện khả năng tập trung và đi vào trạng thái thiền sâu hơn.
- Phương pháp làm im lặng Mạng chế độ mặc định và cải thiện thực hành thiền định.
Có một số phương pháp có thể giúp làm dịu Mạng chế độ mặc định và cải thiện việc thực hành thiền định. Những phương pháp này bao gồm tập trung vào hơi thở, quán tưởng (hình dung) những hình ảnh bình yên và thực hành các phương pháp chánh niệm như quét cơ thể và thiền định về lòng từ bi. Bằng cách làm im lặng Mạng chế độ mặc định, chúng ta có thể giảm bớt những suy nghĩ mất tập trung và cải thiện khả năng tập trung cũng như đi vào trạng thái thiền sâu hơn.
2. Rèn Luyện Sức Mạnh Tập Trung - Định
Giống như tập thể dục, thiền định đòi hỏi phải xây dựng “cơ bắp tinh thần". Hầu hết chúng ta không quen tập trung chăm chú vào một việc nên khả năng tập trung của chúng ta dễ dàng bị mệt mỏi. Những vùng nguyên thủy của bộ não liên tục lôi kéo chúng ta tới những phiền nhiễu mới lạ. Tăng cường kiểm soát sự tập trụng thông qua thực hành thiền định thường xuyên là phương thuốc duy nhất.
3. Kiên Nhẫn
Cuộc sống hiện đại bận rộn của chúng ta khiến tâm trí bị tràn ngập với những thông tin, đa nhiệm và sự kích thích liên tục. Điều này khiến lượng thông tin trở nên dư thừa làm tắc nghẽn sự tập trung chú ý. Thông qua thiền định chúng ta sẽ từ từ làm lắng dịu tâm trí. Nhưng đồng thời chúng ta phải có sự kiên nhẫn nhất định.
Kiên nhẫn là chìa khóa để đối phó với tâm trí bồn chồn hay "tâm khỉ". Dùng vũ lực nặng tay chỉ tạo thêm sự căng thẳng và cảm giác không thích thiền định.
4. Hoàn Thiện Tư Thế Thiền Định
Sự bồn chồn về thể chất thường đi đôi với sự bồn chồn về tinh thần. Do đó, bạn hãy thực hành thường xuyên và tìm ra cho mình một tư thế thiền thích hợp nhất, điều này sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn khi thiền định.
5. Sống Chánh Niệm Hàng Ngày
Hãy đem chánh niệm của thiền định vào các hoạt động thường ngày như đánh răng, rửa bát và đi bộ - nó sẽ tăng cường sự tập trung.
Tham khảo thêm: 10 Đặc tính của tâm trí mà mọi thiền giả nên biết
NGUỒN THAM KHẢO:
- "Meditation is not relaxation". By: Jeannie E. Javelosa.
- "From Monkey Mind to Mindfulness: Overcoming Restlessness in Meditation". By: Cory A. Barnes.
- "The Struggle with Meditation: Why It's Not as Easy as It Seems". By: Hall Birdsong.
- "The Point Of Meditation Is Not To Relax". Nguồn: thegrowtheq•com.
Tổng hợp & Biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.