-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
5 Trạng thái của tâm trí trong kinh yoga Patanjali
25/01/2025 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Trong Kinh Yoga Patanjali (câu 1, 2) có nói rằng "Yogas Chitta Vrittis Nirodha", nó thường được dịch đơn giản là "Yoga làm lắng dịu những làn sóng xao động của tâm trí".
Tuy nhiên, nhà Hiền triết (Rishi) Patanjali đã đưa ra một con đường để đạt đến 'Trạng thái Tâm trí Yoga' thực sự, bằng cách xác định 5 trạng thái tâm trí hoặc ý thức, được gọi là "Chitta Bhumis". Khi hiểu được 5 trạng thái tâm trí này đó là bước đầu tiên để chúng ta chinh phục chúng.
1. Kshipta - Tâm Trí Khỉ
• Trở Ngại:
Đây là trạng thái tâm trí đầu tiên trong Kinh Yoga Patanjali (Patanjali's Yoga Sutras). Trong trạng thái này, tâm trí không ngừng chuyển từ suy nghĩ và cảm xúc này sang suy nghĩ, cảm xúc khác, khiến việc tập trung hoặc khám phá sự tĩnh lặng nội tâm trở nên khó khăn.
Nếu bạn đang ở trạng thái xao động Kshipta, bạn dễ bị phân tâm bởi những ảnh hưởng bên ngoài và bên trong do thiếu sự ổn định và rõ ràng của tâm trí. Việc hoàn thành các nhiệm vụ tập trung chú ý đơn giản trở nên bất khả thi khiến cho các quyết định của bạn thiếu định hướng rõ ràng.
• Cách Khắc Phục:
Thường xuyên thiền định và thực hành Yoga Nidra sẽ có tác dụng làm lắng dịu những luồng suy nghĩ, giúp bạn vượt qua trạng thái tâm Kshipta và đạt đến trạng thái tâm ổn định tỉnh táo hơn.
Tham khảo thêm: Thuần phục tâm trí khỉ
2. Mudha - Tâm Trí Lừa
• Trở Ngại:
Trạng thái tâm trí thứ hai là Mudha được đặc trưng bởi sự hôn trầm (buồn ngủ, không tỉnh táo) và lười biếng giống như tâm trí của một con lừa. Tâm chúng ta thường ở trạng thái lăng xăng Kshipta (Tâm Khỉ) hoặc uể oải thụ động Mudha (Tâm Lừa). Các triệu chứng khác của Mudha bao gồm buồn bã, trầm cảm, vô vọng, kém tập trung và thiếu mục đích sống.
• Cách Khắc Phục:
Để vượt qua trạng thái tâm Mudha đòi hỏi một nỗ lực có ý thức của bạn để đánh thức tâm trí và truyền năng lượng cho nó. Thiền Chánh niệm (Mindfulness Meditation) hoặc Thiền Tập trung (Concentration Meditation) với Ấn (Mudra) hoặc Thần chú (Mantra) giúp tăng cường nhận thức và tiếp thêm năng lượng cho bạn, để vượt qua trạng thái tâm Mudha.
3. Vikshipta - Tâm Trí Bướm
• Trở Ngại:
Trạng thái thứ ba được mô tả như một tâm trí mất tập trung hoặc tâm trí Vikshipta. Trong trạng thái này, tâm trí đôi khi tập trung nhưng nhanh chóng bị cuốn theo nhiều hướng khác nhau, giống như một con bướm không ngừng chập chờn đôi cánh di chuyển từ bông hoa này sang bông hoa khác.
Mặc dù tâm Vikshipta tập trung hơn so với tâm Mudha (Tâm Lừa) hoặc Kshipta (Tâm Khỉ), những khoảnh khắc tập trung sáng suốt vẫn bị phân tán và bạn chỉ có thể trải nghiệm sự tĩnh lặng nhất thời. Do đó, tâm trí Vikshipta là một trở ngại phổ biến trong quá trình tập trung sâu lắng và thiền định, khiến tâm trí bạn không thể lắng dịu hoàn toàn trong sự tĩnh lặng nội tâm.
• Cách Khắc Phục:
Thực hành Yoga và thiền định thường xuyên có thể giúp bạn tập trung sâu lắng hơn, làm giảm bớt mức độ phiền nhiễu mà bạn gặp phải trong trạng thái tâm này. Hơn nữa, Yoga và thiền định thường xuyên giúp tâm trí bạn thư giãn tốt hơn, khiến bạn có thể kéo dài thời gian tập trung để tìm thấy sự tĩnh lặng bên trong những khoảnh khắc bất ổn của tâm trí mình.
4. Ekagra - Tâm Trí Sếu
Một con sếu khi rình mồi có thể tập trung cao độ và đứng im lặng trong một thời gian dài. Đó là lý do trạng thái tâm trí này là được gọi là "Ekagra".
• Ưu Điểm:
Ekagra là trạng thái thứ tư của tâm trí, được mô tả như một tâm trí tập trung. Trong trạng thái này, tâm trí trở nên tập trung, không bị phân tâm bởi các tác động bên ngoài. Đây là trạng thái tập trung và thiền định sâu lắng, đồng thời tâm trí hoàn toàn hiện diện khoảnh khắc hiện tại.
Trạng thái tập trung của Ekagra cho phép chiêm nghiệm sâu sắc và nội quan (quá trình kiểm tra những suy nghĩ và cảm xúc có ý thức của chính mình), khiến Ekagra trở thành một công cụ mạnh mẽ để tự nhận thức và phát triển tâm linh.
• Cách Khắc Phục:
Thiền định thường xuyên sẽ giúp chúng ta đạt đến trạng thái tâm trí cao hơn tiếp theo.
5. Niruddha - Tâm Trí Thuần Thục
Sau khi vượt qua Ekagra, bạn sẽ bước vào 'Trạng thái Tâm trí Yoga' thứ năm hay Niruddha. Đây là trang thái tâm đã được thuần thục hoặc tâm trí của một Yogi. Ở trạng thái này, tâm trí của bạn hoàn toàn tĩnh lặng và không còn bị kích động hay xáo trộn bởi các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong.
Niruddha thuần thục đại diện cho trạng thái tĩnh lặng thuần khiết mà chúng ta trải nghiệm trong thiền định, nơi bạn hoàn toàn đắm chìm trong khoảnh khắc hiện tại. Ở đây, tâm trí thoát khỏi mọi ràng buộc và ham muốn. Bạn bắt đầu trải nghiệm sự bình yên và niềm hạnh phúc sâu sắc. Những vị thiền sư nào có thể tiếp cận trạng thái tâm này và duy trì nó - cuối cùng họ sẽ đạt đến trạng thái Samadhi (Nhập định hoặc Siêu ý thức).
Có thể bạn quan tâm: 10 Đặc tính của tâm trí mà mọi thiền giả nên biết
VỀ TÁC GIẢ
Ram Jain sinh ra trong một gia đình theo đạo Jain, nơi Yoga đã trở thành một lối sống trong suốt năm thế hệ của gia đình ông. Hành trình Yoga của ông chính thức bắt đầu từ năm ông tám tuổi tại một trường học Vệ Đà ở Ấn Độ. Đó là nơi ông đã được học hỏi về những nền tảng vững chắc của các kinh sách cổ, bao gồm Kinh điển Vệ Đà (Veda), Áo Nghĩa Thư (Upanishad), Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) và Kinh Yoga (Yoga Sutras).
Năm 2009, ông đã thành lập Đạo tràng Arhanta Yoga (Arhanta Yoga Ashrams). Với lý do coi Yoga như một thực hành để làm chủ 5 giác quan, nên ông đã đặt tên cho Đạo tràng của mình là "Arhanta Yoga", nghĩa là "Yoga làm chủ 5 giác quan".
Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.