Giỏ hàng
Tài khoản

7 Trường phái Yoga cổ điển đích thực

calendar 09/12/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

7 Trường phái yoga cổ điển đích thực

Để làm rõ và mở rộng chân trời kiến thức của các bạn về toàn bộ thế giới tuyệt vời của Yoga, đây là danh sách tất cả các trường phái và phong cách Yoga cổ điển (truyền thống):

1. Raja Yoga

Raja Yoga

Raja Yoga là Yoga của tâm trí. Nó tập trung vào các thưc hành về trí tuệ, cảm xúc và trực giác của con người. Mục đích của nó là đánh thức tiềm năng tiềm ẩn thông qua sự hiểu biết thực sự. Thực hành Raja Yoga đòi hỏi chúng ta phải phát triển từ cấp độ tâm trí thấp lên cấp độ tâm trí cao hơn. Bằng sự trải nghiệm của các giác quan, tách biệt khỏi sự ràng buộc của chúng và dẫn đến sự giác ngộ tâm linh. Raja Yoga được cho là đưa chúng ta đến trạng thái nhận thức rõ ràng và đánh thức tiềm năng tâm linh. Raja Yoga bao gồm việc thực hành quán chiếu và thiền định. Lý tưởng nhất là nó nên được kết hợp và thực hành sau Hatha Yoga, vì thực hành Hatha Yoga giúp chuẩn bị cho cơ thể chúng ta tiến sâu hơn vào thiền định.

2. Karma Yoga

Karma Yoga

Karma Yoga là Yoga của hành động. Điều này nghĩa là, hành động cống hiến về thời gian, nỗ lực và lòng tốt của bạn hoặc bất kỳ hành động vị tha nào, mà bạn không mong đợi được đền đáp hoặc thu lợi cá nhân.

Trong kinh điển Bhagavad Gita nói, những người thực hành Karma Yoga cố gắng giải thoát bản thân mình thông qua hành động và tinh thần vượt lên chính mình. Dù là nhiệm vụ, bổn phận hay hoạt động nào để cống hiến, họ đều xem tất cả những hành động này là sự hy sinh cho Đấng Thiêng Liêng, một sự phục vụ quên mình và hoàn toàn không vụ lợi.

3. Jnana Yoga

Jnana Yoga

Jnana Yoga là Yoga của tri thức và trí tuệ. Đó là Yoga của sự tự hỏi bản thân và đặt những câu hỏi như, "Tôi là ai?" mà không có sự can thiệp của bất kỳ điều kiện, hoặc giả định nào trước đó - Để hiểu biết và tìm kiếm tất cả các câu trả lời sẽ nhận được. Trong Jnana Yoga, sự tập trung tâm trí của chúng ta hướng vào Bản thân và chúng ta sẽ được dẫn dắt đến những câu trả lời bằng trực giác hoặc cảm nhận, và trải nghiệm chúng như sự thật chứ không phải là “học được” về mặt trí tuệ. Cuối cùng, chúng ta nhận thức và tách biệt ra khỏi bản ngã để trở về với Chân ngã.

Trong kinh Vệ Đà (Veda) và Upanishad cổ xưa ghi chép rằng, người thực hành Jnana Yoga đạt đến sự phân biệt giữa cái thực và cái không thực, dưới ánh sáng của tri thức thông qua quá trình thiền quán. Jnana Yoga giống như Raja Yoga, khi nó nghiên cứu mọi sự tinh tế của tâm trí con người.

4. Bhakti Yoga

Bhakti Yoga

Bhakti Yoga là Yoga của lòng sùng kính và tình yêu thương đối với Đấng tối cao, Thượng đế hay Guru - Bậc thầy. Bhakti Yoga sử dụng năng lượng cảm xúc của người thực hành như: Ước muốn, tình cảm, sự tận tâm và tình yêu thương. Tầm quan trọng ở đây là, bản chất của những cảm xúc "Sùng kính" này được nâng lên cao hơn so với sự tôn kính phàm trần. Thông qua các nghi lễ, bài hát, điệu múa và việc trì tụng Thần chú (Mantra), lòng khao khát trong tâm hồn người thực hành sẽ được chuyển hóa, tăng cường. Điều này sẽ dẫn đến sự từ bỏ những ham muốn, chấp trước và đau khổ vô tận.

5. Mantra Yoga

Mantra Yoga

Mantra Yoga là Yoga của những âm thanh vi tế rung động nguyên thủy của vũ trụ. Mantras là những Câu Thần Chú từ tiếng Sankrit có sức mạnh tinh thần. Khi Thần chú được lặp đi lặp lại được gọi là Japa (Tụng hay Niệm). Thần chú thường được tụng với sự tập trung tâm trí. Điều này cuối cùng dẫn đến sự tan rã của Vô minh - Ảo ảnh, và người thực hành sẽ hợp nhất với Vũ trụ vô biên - Chân ngã.

6. Tantra Yoga

Tantra Yoga

Tantra bao gồm hai từ tiếng Phạn: "Tanoti" (mở rộng) và "Trayati" (giải phóng) nó được cho là thực hành dẫn đến sự giải thoát. Tantra Yoga là Yoga của năng lượng. Mục đích chính là hòa hợp 2 nguồn năng lượng nữ tính (Shakti) và nam tính (Shiva) trong cơ thể và tâm trí chúng ta, để dẫn đến trạng thái "Bất nhị". Do đó, người thực hành sễ đạt được sự kết hợp hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát của một Bậc thầy nhiều kinh nghiệm với tâm trí thuần khiết, thì thực hành này không được khuyên dùng.

7. Hatha Yoga

Hatha Yoga

Ý nghĩa thực sự của thuật ngữ "Hatha" là "Sức Mạnh" - Nó không phải "Ha" là "Mặt Trời" và "Tha" là "Mặt Trăng" - Đây là cách giải thích sai lầm. Yoga Bija (thế kỷ 14) là văn bản duy nhất gắn kết chúng với hai âm tiết “Ha” và “Tha”. Tuy nhiên, các học giả về tiếng Phạn đều đồng ý rằng, ý nghĩa chính xác của thuật ngữ "Hatha" là "Sức mạnh" hoặc "Mạnh mẽ".

Tiến sĩ James Mallinson là một Yogi và là nhà nghiên cứu khoa học. Ông đã viết phần mở đầu về Hatha Yoga trong cuốn sách "Bách Khoa Toàn Thư Về Ấn Độ Giáo Của Brill". Theo ông, thuật ngữ "Hatha" xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản tiếng Phạn vào thế kỷ 11. Tuy nhiên, một số phương pháp thưc hành của Hatha Yoga có thể đã tồn tại từ ít nhất một nghìn năm trước đó. Ông đã viết rằng, Hatha Yoga có nghĩa đen là "Sức Mạnh". Các Yogi thời Trung cổ không giải thích lý do tại sao họ chọn cái tên này. Nhưng Tiến sĩ Mallinson tin rằng, đó là do hình thức Yoga này đầy thử thách, kết quả đạt được chỉ bằng sự nỗ lực.

Hatha Yoga là thực hành để cân bằng cho cơ thể và tâm trí chúng ta, cả về cấp độ thô thiển (thể chất) lẫn tinh tế (năng lượng Prana). Nó bao gồm tất cả các bài thực hành về thể chất. Hiện nay, chúng đại diện cho các phong cách Yoga khác nhau đang được phổ biến trong nền văn hóa phương Tây. Hatha Yoga bao gồm các bài thực hành như Asana (Tư thế), Mudras (các tư thế kích hoạt năng lượng, không phải Ấn của Mật tông), Bandha (Khóa năng lượng), Pranayama (Kỹ thuật thở), Shatkarma (Thanh lọc cơ thể) và Thiền định. Các kỹ thuật này được coi là khoa học của Yoga, mục đích của chúng là mang lại sự hài hòa cho các luân xa và các điểm năng lượng vi tế trên khắp cơ thể.

Tham khảo thêm: Hatha Yoga là gì? Hatha Yoga cổ điển và Hatha Yoga hiện đại.

LỜI KẾT:

Hiện nay, duy nhất trường phái Hatha Yoga cổ điển (truyền thống) là vẫn còn được giảng dạy. Hầu hết các trường phái Yoga khác rất ít người thực hành. Bởi vì, chúng vẫn đang được truyền dạy một cách bí mật trong các dòng truyền thừa của dòng họ, hoặc các Yoga đạo tràng bí ẩn.

CÁC TRƯỜNG PHÁI YOGA SAU NÀY

Tất cả các trường phái Yoga sau này đều dựa trên các kỹ thuật thực hành cơ bản của Hatha Yoga cổ điển (truyền thống) như: Asana (Tư thế), Bandha (Khóa năng lượng), Pranayama (Kỹ thuật thở) và Shatkarma (Thanh lọc cơ thể). Tuy nhiên, một vài trường phái Yoga sau này cũng bổ sung thêm các kỹ thuật thực hành khác nhau. Ví dụ:

a) Sivananda Yoga

Nhiều người đã lầm tưởng rằng Sivananda Yoga là một trường phái Yoga cổ điển, vì nó thực hành theo phong cách Hatha Yoga cổ điển (truyền thống). Sivananda Yoga là một trong những trường phái Yoga lớn nhất phương Tây được thừa hưởng từ Hatha yoga cổ điển (truyền thống). Trường phái này được thành lập bởi Swami Sivananda và Swami Vishnudevananda vào năm 1957. Trong Sivananda Yoga có thêm các thực hành của Karma Yoga (Cống hiến), Bhakti Yoga (Sùng kính), Raja Yoga (Thiền định) và Jnana Yoga (Trí tuệ). Đó là: Thực hành đúng cách (Asana), Hít thở đúng cách (Pranayama), Thư giãn đúng cách (Savasana), Chế độ ăn uống hợp lý và suy nghĩ tích cực (Vedanta) và Thiền định.

b) Kundalini Yoga

Kundalini Yoga có thêm Bhakti Yoga (Lòng sùng kính và tụng niệm Thần chú), Raja Yoga (Thiền định) và Shakti Yoga (Biểu hiện cho sức mạnh và năng lượng).

Các Trường Phái Yoga Sau Này Bao Gồm:

  • Sivananda Yoga
  • Vinyasa Yoga
  • Ashtanga Yoga
  • Iyengar Yoga
  • Bikram Yoga (Hot Yoga)
  • Kundalini Yoga
  • Yin Yoga
  • Pre-Natal Yoga (Yoga trước khi sinh)
  • Acro-Yoga (Yoga đôi)

Lưu ý: Còn rất nhiều trường phái Yoga mới sau này chưa cập nhật hết.

Có thể bạn quan tâm: Phong cách Yoga nào phù hợp nhất với bạn? So sánh 3 kiểu Yoga cơ bản.

Nguồn Tham Khảo: What Is Hatha Yoga - By Christian Mollenhoff, ajarya.com, pureyoga.ch, fitbodyhq.com, elipsport.vn, Wikipedia

Biên soạn & tổng hợp: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

Viết bình luận của bạn: