Giỏ hàng
Tài khoản

Căn chỉnh hay định tuyến trong Yoga là gì? 5 quan niệm sai lầm phổ biến

calendar 16/10/2022 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Căn chỉnh hay định tuyến trong Yoga là gì?

Chúng ta thường nghe thấy thuật ngữ “căn chỉnh / liên kết / định tuyến" (alignment) mọi lúc trong các lớp học yoga. Nhưng chính xác nó có nghĩa là gì?

Từ điển Merriam-Webster đã định nghĩa về động từ (to align) “căn chỉnh / liên kết / định tuyến" có nghĩa là: "Sắp đặt các tư thế trên một đường thẳng hoặc chỉnh sửa cân đối các tư thế". Quả thực, đó là một thuật ngữ có vẻ như vô hại nhưng thực sự nguy hiểm! Bời vì, nó nghe rất giống như những gì mà nhiều giáo viên yoga thực sự đang làm. Họ xếp thẳng hàng cánh tay và chân cùng thân mình và cổ, cho đến khi tư thế (asana) của học viên trông thật 'chính xác' (correct).

Vì vậy, điều gì có thể khiến bạn hiểu sai về khái niệm “căn chỉnh / liên kết / định tuyến"? Rốt cuộc, đó chỉ là một TỪ - không hơn không kém và được sử dụng để định nghĩa về một phương pháp thực hành khó nắm bắt, khi thực hiện các tư thế yoga để chuyển hóa bản thân người tập và hướng tới những lợi ích sức khỏe, hạnh phúc của họ. Thật không may, nhiều học viên và thậm chí một số giáo viên yoga - cách họ giải thích khái niệm này đôi khi có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.

Dưới đây là năm quan niệm sai lầm phổ biến nhất về căn chỉnh / liên kết / định tuyến trong yoga, và một số gợi ý về cách thức để bạn có thể điều chỉnh lại khái niệm này.

1. Quan Niệm Sai Lầm Rằng: Chúng ta vốn được sinh ra với sự liên kết đối xứng hoàn hảo, nhưng thông qua hành vi và điều kiện môi trường sống, chúng ta đã đánh mất nó.

Đây là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất trong yoga. Sự thật là, khi được sinh ra cơ thể chúng ta đã không đối xứng:

  • Một chân dài hơn, một cánh tay khỏe hơn.
  • Gan lệch sang một bên, đồng thời tim lệch về phía bên kia.
  • Lá phổi bên phải lớn hơn bên trái.

Tất nhiên, mọi người đều viết bằng cánh tay thuận của mình, nhìn rõ hơn bằng bên mắt thuận và đá mạnh hơn bằng bên chân thuận. Tuy nhiên, chúng ta không cảm thấy mất cân bằng cơ thể trong giấc ngủ, hoặc không cảm thấy mất cân bằng chỉ vì đánh răng bằng cánh tay thuận của mình.

Chắc chắn rằng kinh nghiệm sống, tâm trạng và hành vi có ảnh hưởng đến nhịp điệu của cơ bắp và tư thế thể chất của bạn, cho cả khía cạnh tốt và xấu. Nhưng sự 'may rủi' trong yếu tố di truyền đóng một vai trò lớn hơn nhiều so với việc xác định sự căn chỉnh / liên kết, tính linh hoạt và khả năng của chúng ta để thực hiện các tư thế yoga nghịch đảo hoặc nâng cao.

Trong thực tế, một số trẻ em hầu như có thể chạm chân vào đầu từ phía sau lưng ngay từ khi mới sinh ra, mà những đứa trẻ khác sẽ không bao giờ có thể làm được như vậy. Một số người mới tập luyện yoga, nhưng họ có thể thực hiện động tác uốn lưng sâu khi thực hiện tư thế Bánh Xe Toàn Phần (Full Wheel Pose) ngay vào buổi tập đầu tiên của họ, trong khi đó một số người khác đã dành cả đời mình để thực hiện nó nhưng không thể.

Khi bạn nhận thức được rằng, sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến của cơ thể mỗi người là 'độc nhất vô nhị' (unique), thì quá trình luyện tập yoga của bạn sẽ thay đổi. Bạn không còn coi tư thế yoga là hình dạng tuyến tính lý tưởng mà mình phải cố gắng đạt được, thay vào đó là phương pháp học hỏi để hướng tới mức độ thấu hiểu và chấp nhận bản thân mình tốt hơn. Thay vì chỉnh sửa tư thế, bạn bắt đầu tạo ra nhiều năng lượng hơn để kết nối với cơ thể.

Bạn không còn sử dụng cơ thể mình để đạt được các tư thế yoga nữa, mà là sử dụng các tư thế yoga để kết nối với cơ thể mình.

2. Quan Niệm Sai Lầm Rằng: Thuần thục các tư thế yoga một cách hoàn hảo.

Hãy 'quăng' tất cả sự lệch lạc và bất đối xứng tự nhiên của cơ thể bạn vào một tư thế yoga - rõ ràng là, ‘sự hoàn hảo’ trong hình dáng con người chỉ là một ảo ảnh. Điều tốt nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể làm là thực hiện mỗi tư thế theo cách riêng mà cơ thể mình có thể. Thể hiện tư thế yoga của mỗi người, giống như việc các ca sĩ thể hiện bài hát theo cách phong cách riêng của họ.

3. Quan Niệm Sai Lầm Rằng: Nếu bạn không căn chỉnh / liên kết / định tuyến tư thế yoga một cách phù hợp, cuối cùng bạn sẽ tự làm mình bị đau hoặc chấn thương.

Nếu bạn đang nói về các bộ phận liên kết với nhau của một cỗ máy, thì thuật ngữ "căn chỉnh / liên kết / định tuyến" hoàn toàn có ý nghĩa. Ví dụ, căn chỉnh lốp xe để phòng tránh tai nạn, kéo dài tuổi thọ của lốp và làm cho xe của bạn hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên yoga đưa ra nhận định tương tự đối với cơ thể con người, họ thường sử dụng cùng một ngôn ngữ rằng: "Cơ thể chúng ta giống như những cỗ máy, chúng sẽ hoạt động tốt hơn và tồn tại lâu hơn khi tất cả các bộ phận riêng biệt được căn chỉnh / liên kết / định tuyến đúng cách".

Chà, liệu có đúng như vậy không? Theo một nghĩa nào đó: "Sự liên kết cơ học hoàn hảo không diễn ra trong cơ thể con người hoặc bất kỳ cơ thể động vật nào".

Các cơ quan không được cấu tạo theo đường thẳng mà theo đường cong, các mạch máu uốn khúc khi chảy qua cơ thể một cách mệt mỏi, xương và răng tiếp xúc với nhau trên các bề mặt luôn lồi lõm. Nếu bạn đứng thư giãn trên hai chân của mình trong tư thế Trái Núi (Mountain Pose) và nhắm mắt lại. Bạn để ý và cảm thấy điều gì? Ngay cả tư thế Trái Núi cũng là một tư thế giữ thăng bằng, nó đòi hỏi vô số điều chỉnh tinh tế, trong từng khoảnh khắc giữa nhiều lực bất đối xứng đối nghịch nhau.

Một nghiên cứu vào năm 1994 của Tạp chí Y học New England đã cho thấy 82% số người không bị đau vùng thắt lưng, nhưng họ thực sự có dấu hiệu bị phình và thoát vị đĩa đệm. Điểm mấu chốt của vấn đề này là gì? Đại đa số chúng ta đang nếm trải một cuộc sống khá hạnh phúc và thoải mái một cách 'lệch lạc'. Theo đúng nghĩa đen của thuật ngữ "wabi sabi" trong tiếng Nhật - có nghĩa là "không hoàn hảo, vô thường và không trọn vẹn".

Chấn thương xảy ra trong các lớp học yoga, chủ yếu ở các mô mềm của đầu gối, mắt cá chân, vùng vai và lưng dưới. Nhưng không chắc rằng chúng là kết quả của sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến 'không hoàn hảo'. Bởi vì, sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến là hoàn toàn khác biệt đối với mọi cơ thể. Nhiều khả năng khi những chấn thương xảy ra - bởi vì mọi người đã bỏ qua những dấu hiệu mà cơ thể họ cảnh báo về điều gì an toàn và không an toàn. Hoặc, họ đã cố gắng thúc đẩy bản thân để đạt được một tư thế 'lý tưởng' trong khi cơ thể họ chưa sẵn sàng để thực hiện.

4. Quan Niệm Sai Lầm Rằng: Khi chúng ta thực hành các tư thế yoga với sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến thích hợp, năng lượng prana sẽ tự do lưu thông khắp cơ thể.

Nhiều người tin rằng khi thực hiện một tư thế với sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến hoàn hảo, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra: Năng lượng prana dễ dàng tuôn chảy qua cơ thể và tứ chi của họ. Hệ thống thần kinh của họ sẽ rực sáng lên như một cây thông Noel. Tất cả những trở ngại đối với dòng chảy của năng lượng prana được loại bỏ hoàn toàn.

Trong thực tế, điều ngược lại xảy ra có vẻ đúng hơn: Khi bạn thực hiện một tư thế yoga sẽ tạo ra chướng ngại vật đối với dòng chảy của prana. Sự căng cơ, tư thế vặn cột sống hoặc trong tư thế uốn cong một khớp xương đến gần giới hạn của nó, máu và bạch huyết chắc chắn sẽ rất khó lưu thông hơn. Cho dù sự căn chỉnh / liên kết / định tuyến của tư thế đạt đến mức độ hoàn hảo nào, thì một số vùng nhất định trên cơ thể bạn cuối cùng cũng trở nên tê liệt.

Tuy nhiên, hãy nhận thức rằng một tư thế yoga giống như sự ràng buộc đối với dòng chảy của prana, hay một khúc quanh trong hệ thống kênh năng lượng nadi. Hãy nhận thức rằng, một buổi tập yoga giống như một loạt các thử thách đối với khả năng của cơ thể và tâm trí bạn - để dòng năng lượng prana vẫn luân chuyển bình thường ngay cả khi gặp các chướng ngại vật. Bạn vẫn đủ khả năng để tiếp tục hít thở, phát triển nhận thức, kích hoạt bàn tay, bàn chân, các ngón tay và ngón chân, ngay cả khi bạn bắt đầu mệt mỏi, ngay cả khi cơ bắp hơi run rẩy, ngay cả khi bạn thực sự muốn thoát ra khỏi tư thế. Nhưng bạn vẫn duy trì đến giây phút cuối cùng.

Yoga là một 'thực hành năng lượng prana vượt chướng ngại vật', mà cuối cùng bạn có thể học hỏi được cách thức để vượt qua các tư thế yoga một cách dễ dàng và thành thạo. Học hỏi kỹ năng về năng lượng vi tế để giữ cho tâm trí bạn điềm tĩnh và cân bằng ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn. Đó là một bài học về sức mạnh tinh thần - và cũng là một bài học có ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống hàng ngày của bạn.

5. Quan Niệm Sai Lầm Rằng: Có những nguyên tắc chung về căn chỉnh / liên kết / định tuyến đối với mọi cơ thể.

Chúng ta thường nghe giáo viên yoga nhăc: "Đừng để đầu gối vượt qua các ngón chân của bạn trong tư thế Trăng Lưỡi Liềm Cao (High Lunge Pose), nếu không bạn sẽ bị đau đầu gối".

Bạn đã nghe điều này bao nhiêu lần?

Tuy nhiên, mọi người không bao giờ nhận ra rằng trong bất kỳ buổi tập yoga nào, cả hai đầu gối đều luôn di chuyển vượt qua mũi chân của họ. Rõ ràng rằng, ai đó đã nghĩ ra quy tắc này cũng không bao giờ nhận ra điều đó.

Một quan niệm phổ biến khác: "Hãy giữ hai khuỷu tay gần cơ thể trong tư thế Plank (Chaturanga Dandasan - Low Plank), nếu không bạn sẽ bị đau vai".

Đối với một số người, điều đó đúng. Nhưng tùy thuộc vào cấu trúc của khớp vai, tư thế hai khuỷu tay khép vào trong cũng có thể gây viêm và đau nhức nhiều hơn so với tư thế hai khuỷu tay hướng ra ngoài.

Sự bất đối xứng và biến đổi tự nhiên của cơ thể con người khiến chúng ta rất khó để đưa ra các quy tắc chung luôn áp dụng đối với mọi cơ thể, mọi hoàn cảnh. Nếu yêu cầu 5 giáo viên yoga mô tả chi tiết về cách thực hiện tư thế Tam Giác (Trikonasana), thì bạn sẽ nhận được 5 câu trả lời khác nhau một cách tinh tế. Tất nhiên, mỗi người đều phản hồi dựa trên kinh nghiệm mà họ nhận thấy là có hiệu quả cho bản thân và có lẽ cho cả học viên của họ. Nhưng không có kinh nghiệm nào trong số đó phù hợp một cách hoàn hảo dành cho tất cả mọi người. Mỗi giáo viên yoga đều có kiến thức và niềm cảm hứng, và mỗi giáo viên yoga cũng có những 'điểm mù' (blind spots). Bởi vì, không một giáo viên yoga nào có thể bao quát toàn bộ quá trình luyện tập, hoặc nhận thức chính xác toàn bộ bên trong cơ thể mỗi học viên.

Theo một nghĩa nào đó, điều này khiến cho yoga trở thành một môn nghệ thuật thú vị và năng động, chứ không phải là ngành khoa học hữu hạn, hoàn toàn có thể nắm bắt được. Đó là sự thể hiện thực hành của mỗi người trong không gian và thời gian, không phải là sự trình diễn một tập hợp các nguyên tắc vốn bị giới hạn và có thể dự đoán được.

LỜI KẾT:

Trên thực tế, chính cơ thể bạn là 'người thầy' hiệu quả nhất và cảm nhận tốt nhất trong thực hành yoga. Bản thân các giáo viên yoga giỏi nhất cũng hiểu được điều đó. Do đó, việc giảng dạy yoga của họ thường theo xu hướng cảm nhận từ trong ra ngoài. Họ hướng dẫn học viên của mình hướng đến nhận thức về những cảm giác liên quan đến mỗi tư thế yoga, thay vì chỉ thực hiên tư thế để hoc viên bắt chước theo. Những Bậc thầy yoga giỏi nhất không nhất thiết phải là những người có thể đạt được những tư thế yoga trông ấn tượng nhất, mà là những người có thể diễn đạt ngôn ngữ về sự cảm nhận cơ thể trong các tư thế yoga một cách rõ ràng và sống động nhất, chẳng hạn như:

  • "Hãy cảm nhận lồng ngực của bạn đang mở rộng về phía sàn và hãy chú ý đến gân kheo của bạn đang được kéo giãn trong tư thế Chó Úp Mặt (Downward-facing Dog Pose)".
  • "Hãy cảm nhận hai cánh tay vươn lên trên gần tai của bạn trong tư thế Chiến Binh 1 (Warrior Pose 1".
  • "Hãy quan sát hông bên trên của bạn xoay về phía sau trong tư thế Tam Giác (Trikonasana)".

Bằng cách tiếp cận như vậy của giáo viên, mọi tính chất cạnh tranh không phù hợp hoặc sự gắng sức quá mức sẽ biến mất, và một lớp học yoga sẽ trở thành một hành trình khám phá đơn giản và dễ hiểu, vui tươi, nhiều năng lượng, mang lại niềm cảm hứng cho học viên, chứ không phải là một “cuộc ganh đua các tư thế”.

Có thể bạn quan tâm: 10 Sai lầm phổ biến trong các tư thế Yoga

Tác giả: Jonny Kest Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: