Giỏ hàng
Tài khoản

Kết hợp tư thế Đứng bằng đầu với Hơi thở Mặt trăng

calendar 28/10/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Kết hợp tư thế Đứng bằng đầu với Hơi thở Mặt trăng

Trong cuốn sách "Light on Yoga", Bậc thầy B.K.S. Iyengar đã khuyến cáo rằng, sau khi thực hiện tư thế Đứng Bằng Đầu (Sirsasana - Headstand) thì bạn nên thực hiện tư thế ngay sau đó là Đứng Trên Vai (Sarvangasana - Shoulderstand). Mục đích của điều này là cân bằng hai kênh năng lượng Mặt Trời (Pingala / Solar Nadi) và Mặt Trăng (Ida / Lunar Nadi). Hơn nữa, nếu chỉ thực hiện tư thế Đứng Bằng Đầu mà không kết hợp với tư thế Đứng Trên Vai, bạn có thể bị nóng tính, bốc hỏa... Do đó, người ta có thể thực hiện tư thế Đứng Trên Vai một cách đơn lẻ, nhưng không thể áp dụng điều này đối với tư thế Đứng Bằng Đầu.

Trong thực tế, khi mình thực hiện tư thế Đứng Bằng Đầu trong khoảng từ 15-20 phút. Ngay sau đó mức năng lượng cơ thể mình sẽ tăng lên bằng cả một buổi tập Yoga. Nhưng sau đó tiếp tục thực hiện tư thế Đứng Trên Vai... Có vẻ như 2 kênh năng lượng vẫn không được cân bằng, hài hòa. Bởi vì, cảm giác bực bội, nóng tính đôi lúc vẫn bộc phát.

Sau một thời gian tìm hiểu và thực hành kỹ thuật Pranayama - Hơi Thở Mặt Trăng / Thở Lỗ Mũi Trái (Chandra Bhedana Pranayama - Moon Breath / Single Nostril Breath), kỹ thuật Pranayama này mình luôn kết hợp sau khi thực hiện tư thế Đứng Bằng Đầu. Kết quả là, áp dụng bài tập Pranayama - Hơi Thở Mặt Trăng hiệu quả tốt hơn nhiều so với tư thế Đứng Trên Vai (Sarvangasana - Shoulderstand). Mặc dù cả 2 đều được thực hiện trong khoảng thời gian như nhau (từ 3-5 phút).

1. CÁCH THỰC HIỆN HƠI THỞ MẶT TRĂNG

Ngồi thẳng lưng, ngồi trong tư thế nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Như Hoa sen (Padmasana - Lotus Pose), Nửa Hoa sen (Ardha Padmasana - Half Lotus), Tư thế Ngồi Dễ Dàng (Sukhasana - Easy Pose).

Ấn Gyan Mudra

Ấn Vishnu Mudra

Tay trái thực hiện Ấn Gyan Mudra đặt trên đùi. Tay Phái thực hiện Ấn Vishnu Mudra (xem hình).

Dùng ngón tay cái để đóng-mở lỗ mũi phải và ngón tay đeo nhẫn đóng-mở lỗ mũi trái

Luôn dùng ngón tay cái để đóng-mở lỗ mũi phải và ngón tay đeo nhẫn đóng-mở lỗ mũi trái.

a) Cách Đơn Giản, Tỷ lệ 1-2

Luôn hít vào lỗ mũi trái và thở ra lỗ mũi phải. Bắt đầu hít vào bằng lỗ mũi trái và đếm tới 4, lúc này ngón tay cái bít lỗ mũi phải. Tiếp theo, ngón tay đeo nhẫn bít lỗ mũi trái và ngón tay cái mở lỗ mũi phải ra. Thở ra từ từ đếm tới 8. Vậy là hết một vòng. Bạn có thể thực hiện kỹ thuật này trong thời gian từ 3-5 hoặc 10 phút tùy theo khả năng.

b) Cách Nâng Cao, Tỷ lệ 1-4-2

Vẫn sử dụng 2 ngón tay để luân phiên đóng-mở 2 lỗ mũi. Trong cách này chỉ khác biệt là kết hợp Giữ Hơi Thở (Kumbhaka - Breath Retention) ở giai đoạn giữa.

Luôn hít vào lỗ mũi trái và thở ra lỗ mũi phải. Bắt đầu hít vào bằng lỗ múi trái và đếm tới 4, lúc này ngón tay cái bít lỗ mũi phải. Tiếp theo 2 ngón tay đeo nhẫn và ngón cái bít cả 2 lỗ mũi để giữ / nín hơi thở, và đếm tới 16. Sau đó, ngón tay đeo nhẫn vẫn đóng lỗ mũi trái, ngón tay cái mở lỗ mũi phải. Thở ra từ từ đếm tới 8. Vậy là hết một vòng. Bạn có thể thực hiện kỹ thuật này trong thời gian từ 3-5 hoặc 10 phút tùy theo khả năng.

LƯU Ý: Người mới tập không nên giữ / nín hơi thở.

2. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA HƠI THỞ MẶT TRĂNG
  • Làm mát cơ thể, chữa trị chứng bốc hỏa ở phụ nữ.
  • Làm giảm căng thẳng, lắng dịu tâm trí, chữa trị chứng mất ngủ.
  • Hiệu tốt quả đối với người bị cao huyết áp.
  • Giảm tiết dịch mật.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
  • Người bị chứng huyết áp thấp.
  • Người đang bị ho và cảm lạnh.

Có thể bạn quan tâm: Tư thế Đứng bằng đầu và 10 điều nên biết.

Nguồn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: