Giỏ hàng
Tài khoản

Thực hành Yoga, Pranayama, Thiền định và Sóng não

calendar 18/03/2022 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Thực hành Yoga, Pranayama, Thiền định

Khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta đang tạo ra các tín hiệu điện hóa thông qua các tế bào não, hay còn gọi là “tế bào thần kinh”. Các tế bào thần kinh tạo thành các kết nối điện hóa một cách đồng bộ để hình thành “trạng thái sóng não”, toàn bộ não bộ dựa trên các kết nối này.

Trạng thái sóng não của chúng ta thực sự quan trọng và nó phản ánh trạng thái tâm trí hiện tại của chúng ta, chẳng hạn như suy nghĩ và cảm xúc. Với lối sống nhanh và bận rộn, nhiều người trong chúng ta đã bị trầm cảm, căng thẳng và lo lắng do suy nghĩ và phân tích quá nhiều. Tuy nhiên, sóng não của chúng ta có thể thay đổi được, nó phụ thuộc vào suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta. Ngoài ra sóng não cũng phụ thuộc vào cả môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể chúng ta.

CÁC TRẠNG THÁI SÓNG NÃO

1. Delta

Sóng não Delta là sóng não chậm nhất, tần số thường khoảng từ 1-3 Hz và có liên quan đến giấc ngủ sâu, không mơ mộng cũng như giấc ngủ Chuyển Động Nhanh của Mắt (Rapid Eye Movement - REM).

Sóng não Delta có cả 2 đặc tính của sóng não sâu và xuyên thấu, nó có thể ngăn chặn các kích thích từ bên ngoài. Do đó, sự gia tăng sóng não Delta tương ứng với việc cải thiện hiệu năng của mức năng lượng tinh thần và sức khỏe thể chất, cũng như làm giảm hoóc môn cortisol.

2. Theta

Sóng não Theta là sóng não chậm thứ hai và tần số thường vào khoảng từ 4-8 Hz. Chúng thường liên quan với trạng thái ngay trước khi chúng ta đi vào giấc ngủ hoặc ngay khi chúng ta vừa thức giấc. Trạng thái này tương tự như các trạng thiền định mà những thiền giả hoặc nhà sư có kinh nghiệm đạt được. Trạng thái này cũng đặc trưng cho linh cảm / trực giác và nhận thức cao cấp.

3. Alpha

Sóng não Alpha nằm ngay giữa giải tần số từ 9-13 Hz. Nó được mô tả là trạng thái khi một người hiện diện ngay ở “Hiện tại - Now”, hoặc “Trạng thái Dòng chảy - Flow State” của một người đắm chìm trong cảm giác tập trung tâm trí và tràn đầy năng lượng. Người đó đạt trạng thái tinh thần an tĩnh, cân bằng và có nhận thức một cách đầy đủ.

Mặc dù điều quan trọng là phải liên tục thay đổi và cân bằng tất cả các trạng thái sóng não. Nhưng trong thế giới hiện đại ngày nay, với quá nhiều công việc phải phân tích và suy nghĩ, nên người ta cho rằng, việc chuyển tâm trí của một người từ trạng thái Beta sang trạng thái Alpha là quan trọng và có lợi nhất. Đối với nhiều người, họ dành nhiều thời gian chuyển qua trạng thái Alpha, điều này khiến họ thanh thản hơn và cảm nhận thời khắc hiện tại tốt hơn, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của họ.

Nhà văn Ashley Turner, một Thiền giả Yogi (Yogi-Meditator) đã mô tả trạng thái này rất chi tiết:

“Đây là trạng thái mà sóng não bắt đầu chậm lại từ dòng chảy của ý nghĩ. Chúng ta trở nên điềm tĩnh, thanh thản và lắng đọng hơn. Chúng ta cũng thường cảm nhận trạng thái Alpha sau một buổi thực hành yoga có chất lượng, một cuộc đi dạo trong rừng, một lần giao phối tình dục đầy hưng phấn, hoặc trong bất kỳ hoạt động nào giúp thư giãn cơ thể và tâm trí. Chúng ta trở nên minh mẫn, phản xạ tốt hơn, nhận thức năng lượng đang lan tỏa và cảm giác bình an. Điều này thường đi kèm với sự hưng phấn cho cả thể chất và tinh thần. Các bán cầu não trở nên cân bằng hơn”.

4. Beta

Sóng não Beta là trạng thái mà hầu hết chúng ta dành nhiều thời gian nhất trong khi thức tỉnh. Đây là sóng não nhanh thứ hai ở tần số từ 13-30 Hz, nó liên quan đến sự tỉnh táo, suy nghĩ và phân tích, và nó cũng liên quan đến chức năng điều hành và ra quyết định của vỏ não trước.

Trong nền văn hóa công nghiệp với nhịp độ nhanh, chúng ta thường dành QUÁ NHIỀU THỜI GIAN ở trạng thái sóng não Beta. Có vẻ như chúng ta thường không ngừng phân loại, lập kế hoạch, đánh giá, phân tích tất cả các khía cạnh của thế giới. Điều này thực sự sẽ đem lại hậu quả về mặt sức khỏe! Trải qua trạng thái sóng não Beta quá nhiều sẽ gia tăng căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Theo thời gian, nó có thể làm tăng mức hoóc môn cortisol và thậm chí nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn.

5. Gamma

Sóng não Gamma rất thú vị để thảo luận vì nó tương đối mới, trước đó chúng ta chưa thực sự khám phá bất kỳ sóng não nào tần số trên 30 Hz. Điều cực kỳ thú vị cần lưu ý là mặc dù sóng não thường giới hạn ở khoảng tần số 40Hz, nhưng những sóng não Gamma này có thể lên tới 100 Hz, thậm chí có một số báo cáo khoa học cho thấy nó còn cao hơn thế. Mặc dù nhanh hơn nhiều so với sóng não Beta, nhưng trớ trêu thay, các tác động của nó lại giống với sóng não Theta hoặc Alpha, nhưng tốt hơn nhiều đối với tư duy của trí óc. Những người trong trạng thái Gamma, được biết là họ có lòng vị tha sâu sắc, lòng nhân từ, sự đồng cảm và lòng biết ơn. Những người thường xuyên trải qua trạng thái sóng não này, đây thường là các Bậc thầy tâm linh ưu tú, và những nhà sư Tây Tạng với thâm niên về thiền định.

Bà Cheyenne Diaz, một nhà xã hội học và tâm lý học của Học viện Mindvalley, bà cho biết:

“Trong một nghiên cứu khoa học khi các nhà sư được yêu cầu tập trung vào cảm xúc từ bi. Một điều đáng chú ý đã xảy ra. Bộ não của họ ngay lập tức đã chuyển sang tần số não Gamma một cách nhịp nhàng và mạch lạc.

Khi bạn thiền định với sự trợ giúp của nhạc thiền, bạn bắt đầu cảm thấy sự ấm áp tuyệt vời của sự hòa hợp, đồng thời bạn đánh mất ý thức về bản ngã và 'bị hòa tan' trong trạng thái ý thức phổ quát.

Hãy nắm giữ cảm giác đó. Tập trung vào nó. Phát triển hơn nữa. Hóa thân vào đó.

Hãy cảm thấy tình yêu tỏa ra từ bạn và tràn ngập trong bạn. Tập trung vào tình yêu thương… và bạn sẽ sớm cảm nhận được sự sung sướng và hạnh phúc của trạng thái Gamma !”.

Thực hành Yoga, Pranayama, Thiền định và Sóng não

CÁC PHƯƠNG PHÁP TÁC ĐỘNG ĐẾN SÓNG NÃO

1. Kriya Yoga

Kriya Yoga, đặc biệt là Kriya Yoga của Mật tông, nó đã được thực hành trong nhiều thế kỷ để tăng cường nhận thức và phát triển ý thức. Kriya Yoga có thể được thực hành để gia tăng đáng kể cấp độ sóng não Alpha và Theta, cũng như cân bằng hai bán cầu não. Chỉ sau một buổi tập Yoga, đã xuất hiện rất nhiều sự gia tăng sóng não Theta hoặc Alpha.

2. Thiền Định

Theo một nghiên cứu của Trường Yoga và Thiền đinh Scandanavian (Scandinavian Yoga & Meditation School), họ đã đo hoạt động sóng não bằng máy điện tâm đồ (Electrocardiogram - ECG) sử dụng điện cực và máy quét trên da đầu của những người hành thiền và được kết nối với máy tính. Kết quả cho thấy:

“Sau khi thiền định, sự gia tăng đáng kể sóng não Alpha và Theta được quan sát thấy ở 10 trên 11 đối tượng. Đối với một số người, sóng Alpha tăng hơn 2 lần. Sự gia tăng của những sóng não này tập trung ở phần phía sau của não (vùng đỉnh - parietal regions), đồng thời cả sóng Alpha và Theta đều tăng trung bình 40%. Ngoài ra, xu hướng chung cho thấy là, những sóng này được lan truyền từ phần sau của não bộ về phía trước của não. 10 trong số 11 người thuận tay phải, sóng Alpha tăng ở vùng bên phải thái dương nhiều hơn so với bên trái".

3. Thở Mũi Luân Phiên - Nadi Shodhana Pranayama

Tương tự như Kriya Yoga, thực hành Thở Mũi Luân Phiên là một phương pháp tuyệt vời để làm chậm trạng thái sóng não của bạn, và chuyển từ trạng thái Beta sang Alpha và Theta.

Theo một nghiên cứu của Đại học Visva-Bharati, Tây Bengal, Ấn Độ:

“Thực hành Pranayama làm tăng sóng Theta liên quan đến việc giảm các phản ứng kích thích não và bắt đầu tiến trình của giấc ngủ. Thực hành Pranayama cũng cải thiện trạng thái thư giãn bằng cách làm giảm mức độ lo lắng, nó được phản ánh bởi sự hiện diện của sóng Alpha tăng lên và sóng Beta giảm xuống. Trong quá trình thực hành Pranayama, nghiên cứu đã cho thấy bộ não duy trì mức độ tập trung cao độ bởi một tâm trí tỉnh táo. Điều này được chứng minh bởi sự gia tăng sóng Delta và Theta. Các nhà khoa học đã báo cáo rằng phương pháp Thở Mũi Luân Phiên của Yoga làm giảm sóng Theta trên vùng thùy chẩm phải liên quan đến các kích thích của thị giác, đồng thời sóng Alpha và Beta cũng giảm ở vùng thùy chẩm phải và vùng thùy đỉnh bên phải của não liên quan đến các kích thích của cảm giác xúc giác. Ngoài ra, Thực hành Thở Mũi Luân Phiên cũng làm tăng điểm số về trí nhớ của vùng não trước”.

4. Thở Bụng

Thở bằng bụng, trường hợp này thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là một phương pháp tuyệt vời để làm chậm nhịp thở và chuyển từ trạng thái sóng não Beta sang Alpha. Bạn có thể thực hiện phương pháp này trong tư thế ngồi hoặc nằm một cách thoải mái. Hãy đặt bàn tay bạn lên bụng ngay dưới xương sườn. Tiếp theo, hít thở sâu bằng mũi và phình bụng lên một cách nhẹ nhàng. Sau đó, thở ra bằng cách mím hai môi lại như thể đang huýt sáo (thở ra bằng miệng), và thực hiện động tác hít thở này một cách chậm rãi từ 3-10 lần. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện động tác hít thở này theo tỉ lệ 4-7-8: Hít vào 4 giây, giữ hơi trong 7 giây và sau đó thở ra trong 8 giây.

Tác giả: Jonathan O’Donnell | Biên soạn & tổng hợp: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

Viết bình luận của bạn: