Giỏ hàng
Tài khoản

Tìm hiểu về Vua và Hoàng hậu trong Yoga

calendar 24/06/2024 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

tìm hiểu về vua và hoàng hậu trong yoga

Trong Yoga không chỉ có Sirsasana (Đứng Bằng Đầu) và Sarvangasana (Đứng Bằng Vai) là Vua và Hoàng hậu của Yoga Asanas (các Tư thế Yoga). Ngoài ra, còn có các bài tập hít-thở cũng được cộng đồng Yoga coi như Vua và Hoàng hậu của Pranayama (Kỹ Thuật Thở).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những Tư thế Yoga và bài tập Pranayama đã được bầu chọn vào 2 ngôi vị quan trọng, cũng như những lợi ích thiết thực của chúng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.

VUA VÀ HOÀNG HẬU CỦA CÁC ASANA - TƯ THẾ

Theo Tạp chí Yoga (Yoga Journal):

Bằng cách coi Sirsasana và Sarvangasana là Vua và Hoàng hậu, hay Cha và Mẹ của các Asana (Tư thế), các Bậc thầy Yogi cổ xưa đã cố gắng đưa ra hai quan điểm: Đây là những tư thế quan trọng và chúng là một cặp.

Trong một số phương pháp thực hành cụ thể của Hatha Yoga, hai Tư thế này được coi là nền tảng chính để phát triển thực hành Yoga, vì những lợi ích mà người ta nhận được từ chúng là rất lớn.

1. Sirsasana là Vua Của Các Asana - Tư Thế

Sirsasana (Đứng Bằng Đầu hay Trồng Chuối) kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, tăng nhiệt và tiếp thêm năng lượng cho cơ thể bạn.

★ Những Lợi Ích

Theo trang web Arhanta Yoga Ashrams (arhantayoga•org):

Sirsasana được mệnh danh là "Vua của các Asana" vì những lợi ích tuyệt vời của nó đối với cơ thể và tâm trí. Một số lợi ích bao gồm:

  • Kích thích hoạt động của tuyến tùng, vùng dưới đồi và tuyến yên (2 tuyến quan trọng nhất). Điều này giúp các tuyến nội tiết.khác hoạt động tốt hơn.
  • Cải thiện khả năng duy trì cân bằng nội môi của cơ thể bằng cách kích thích hệ thần kinh.
  • Cung cấp và điều hòa ôxy cho não, mắt và tai nhờ sự lưu thông máu tăng lên một cách an toàn.
  • Cải thiện trí nhớ và sự tập trung.
  • Giúp kiểm soát các triệu chứng suy nhược thần kinh, trầm cảm và lo lắng.
  • Cải thiện các chức năng của hệ thần kinh trung ương.
  • Cải thiện khả năng điều hòa huyết áp của cơ thể bằng cách kích thích "các bộ phận cảm áp" (baroreceptors).
  • Giúp tim nghỉ ngơi bằng cách tạm thời đảo ngược áp lực máu về tim một cách tự động.
  • Cải thiện tư thế / vóc dáng cơ thể bằng cách kích hoạt nhóm cơ trung tâm (core).
  • Tăng cường cơ bắp ở vùng lưng, vai và cánh tay.
  • Cải thiện lưu thông máu và bạch huyết khắp cơ thể.
  • Cải thiện các chức năng tiêu hóa và bài tiết.

Tham khảm thêm: Tư thế vua trong Yoga - Bạn đã sẵn sàng tiếp kiến chưa?

2. Sarvangasana là Hoàng Hậu Của Các Asana - Tư Thế

Sarvangasana (Đứng Bằng Vai) kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giúp thư giãn cơ thể và tâm trí.

★ Những Lợi Ích

Theo Tạp chí Yoga (Yoga Journal):

  • Làm dịu não và giúp giảm căng thẳng và trầm cảm nhẹ.
  • Kích thích tuyến giáp, tuyến tiền liệt và các cơ quan vùng bụng.
  • Căng giãn vai và cổ.
  • Làm săn chắc chân và mông.
  • Cải thiện hệ tiêu hóa.
  • Giúp làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
  • Giảm mệt mỏi và giảm chứng mất ngủ.
  • Điều trị bệnh hen suyễn, vô sinh và viêm xoang.

NGÔI VUA VÀ HOÀNG HẬU TRONG PRANAYAMA CHƯA NGÃ NGŨ

Việc xác định 2 ngôi vị Vua và Hoàng hậu trong Pranayama đang có những ý kiến trái chiều, chủ yếu xoay quanh 2 bài tập là:

  • Kapalbhati (Hơi Thở Lửa / Hơi Thở Làm Sạch Thùy Trán - Breath of Fire, Shining Forehead). Và
  • Nadi shodhana (Thở Mũi Luân Phiên - Alternate Nostril Breathing).

Sau đây là những quan điểm khác nhau trên các trang web, nhưng quyết định cuối cùng tùy thuộc vào bạn.

1. Kapalbhati

  • Đặc Tính: Kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, gia tăng nhiệt và năng lượng cho cơ thể.
  • Lịch Sử: Các Yogi cổ đại đã thực hành Kỹ Thuật Thở này từ hàng ngàn năm trước ở Ấn Độ như một phần thực hành của Yoga truyền thống (cổ đại). Trong các văn bản cổ như Hatha Yoga Pradipika và Gheranda Samhita, thực hành Kapalbhati được mô tả là một 'Phương pháp Thanh lọc' giúp thanh lọc hệ hô hấp, thanh lọc tâm trí và tăng cường dòng năng lượng Prana hoặc năng lượng sinh lực trong cơ thể (nguồn: Shiva Tattva Yoga).

★ Những Lợi Ích

Theo trang web National Library of Medicine (ncbi•nlm•nih•gov):

  • Bài tập này kích hoạt hệ thần kinh giao cảm và gia tăng nhiệt cho cơ thể.
  • Tiếp thêm năng lượng.
  • Thanh lọc và làm nóng cơ thể.
  • Kích hoạt hệ thần kinh giao cảm gây hưng phấn.
  • Gia tăng kích hoạt sóng não gamma (sóng gamma khiến tâm trí minh mẫn, sáng suốt). Sau khi thực hiện phương pháp này cho thấy khả năng kiểm soát mạng chế độ mặc định được gia tăng (tâm trí khỉ / suy nghĩ lan man).
  • Cải thiện nhịp tim đối với những người có cơ tim co bóp yếu.

● Những Đánh Giá và Quan Điểm:

  • Theo trang web The Yogatique (theyogatique•com): Kapalabhati đôi khi được coi là vua của Pranayama, vì nó là kỹ thuật Pranayama mạnh mẽ nhất. Nó có tác dụng sưởi ấm, cung cấp năng lượng và thanh lọc, thanh lọc tâm trí, làm sạch phổi và đường mũi. Nó cũng giúp làm săn chắc cơ hoành và các cơ bụng.
  • Đồng thời, trang web Boldsky (boldsky•com) và trang web iCliniq (icliniq•com) cũng cho rằng "Kapalbhati là Vua của Pranayama".

2. Nadi Shodhana

  • Đặc Tính: Kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, giảm nhịp tim, giảm căng thẳng và lo lắng, cân bằng và thanh lọc 2 Kênh năng lượng chính Ida và Pingala Nadi, đồng bộ hóa 2 bán cầu não, chuẩn bị cho thiền định.
  • Lịch Sử: Anulom Vilom / Nadi Shodhana Pranayama được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên (BC). Nó đã được ghi chép trong một số văn bản cổ, bao gồm Hatha Yoga Pradipika, Gheranda Samhita và Shiva Samhita (nguồn: Rama School of Yoga).

★ Những Lợi Ích

Theo Tạp Chí Yoga (yogajournal•com):

  • Giảm nhịp tim.
  • Giảm căng thẳng, lo lắng.
  • Đồng bộ hóa hai bán cầu não.
  • Có tác dụng thanh lọc các Kênh năng lượng vi tế (Nadis) của cơ thể giúp Prana lưu thông dễ dàng hơn trong quá trình thực hành Pranayama.

● Những Đánh Giá và Quan Điểm:

  • Trang web Let's Talk Yoga (letstalk•yoga) cho rằng:

Có rất nhiều Kỹ Thuật Thở đã được các Yogi cổ đại truyền đạt lại cho chúng ta. Bạn sẽ khám phá ra rằng Pranayama đầu tiên được nhân loại biết đến hoặc Vua của các thực hành Pranayama, đó là Nadi Shodhana hay Thở Mũi Luân Phiên, nó là cách thực hành hít thở phổ biến và cổ điển nhất.

  • Đây là một đoạn trích dẫn trong bài viết "The Science of Pranayama" trên trang web IAS Zoology (iaszoology•com):

Trong Raja yoga, tỷ lệ Puraka (hít vào), Kumbhaka (giữ hơi) và Rechaka (thở ra) lần lượt là 4, 16 và 8 giây. Tuy nhiên, Kumbhaka (giữ hơi) có thể tăng hoặc giảm tùy theo khả năng của mỗi người. Một số Yogi như Swami Ramdev tin rằng Kumbhaka là không cần thiết trong Anulom Vilom (Nadi Shodhana) và người ta nên hít thở liên tục theo nhịp.

Nhưng tôi nhận thấy rằng Kumbhaka (giữ hơi) là cần thiết vì nó cho phép đủ thời gian để ôxy và carbon diôxide (CO2) phân tán qua các túi khí phổi, ngăn ngừa tình trạng ôxy hóa quá mức trong máu. Do đó, Anulom Vilom (Nadi Shodhana) là Vua của tất cả các thực hành Pranayama vì nó không chỉ có tác dụng mạnh mẽ đến cơ thể vật chất mà còn có tác dụng đối với cơ thể năng lượng vi tế. Về mặt thể chất, nó làm thông khí cho phổi và tạo nhịp điệu cho các xung thần kinh kiểm soát chu kỳ hít thở.

Tham khảo thêm: Thở mũi luân phiên là gì? Tại sao nó lại rất quan trọng

✦ Lưu Ý: Trong thực tế, Kapalbhati không phải là một thực hành Pranayama đích thực. Nó chỉ là 1 trong 6 Kriya (phương pháp, kỹ thuật hoặc hành động) của Shatkarma (còn được gọi là Shatkriya) hay "Phương pháp Thanh lọc" của Yoga bao gồm: Neti, Dhauti, Nauli, Trataka, Kapalbhati và Basti.

VUA VÀ HOÀNG HẬU LUÔN CÙNG NHAU SÁNH BƯỚC

Cho dù các trang web có đánh giá những Tư thế Yoga hoặc bài tập Pranayama nào là Vua và Hoàng hậu đi chăng nữa - thì bạn cũng nên kết hợp các bài tập này với nhau để đạt được lợi ích tối đa.

1. Kết Hợp Sirsasana và Sarvangasana

Theo trang web Balmain Iyengar Yoga Studio (balmainyoga•com):

Trong Iyengar Yoga, Sirsasana (Đứng Bằng Đầu) và Sarvangasana (Đứng Bằng Vai) thường được thực hành cùng nhau như một phần của cùng một trình tự / chuỗi. Bạn có thể thực hiện Sarvangasana nhưng không nên tự mình thực hiện Sirsasana riêng lẻ. Nó cần có tác dụng cân bằng của Sarvangasana để duy trì sự hài hòa năng lượng trong cơ thể.

2. Kết Hợp Các Bài Tập Bhastrika và Kapalbhati với Nadi Shodhana

Theo Christian Mollenhoff, một giáo viên Yoga cao cấp:

  • Bhastrika* - Hơi Thở Ống Bễ (Bellows Breath) và Kapalbhati là hai bài tập kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, gia tăng nhiệt và năng lượng, cả hai không nên thực hiện một cách riêng lẻ. Chúng nên được kết hợp một cách hợp lý cùng Nadi Shodhana:
    • Nếu bạn thực hiện Nadi Shodhana trước, tiếp theo đó là Bhastrika và Kapalbhati. Bạn sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng năng lượng và sự yên tĩnh của tâm trí vừa mới được thiết lập.
    • Nếu bạn thực hiện Bhastrika và Kapalbhati trước, sau đó bạn nên kết hợp với Nadi Shodhana để cân bằng và điều hòa lại mức năng lượng vừa được gia tăng.
  • Nadi Shodhana là một bài tập Pranayama có thể thực hiện độc lập. Nhưng để có được nhiều lợi ích hơn nữa, bạn nên kết hợp với tất cả bài tập Pranayama khác và được thực hiện trước Nadi Shodhana. Ngoại trừ bài tập Ujjayi* không thực hiện trước Nadi Shodhana.

✹ Giải Thích:

  • Ujjayi - Hơi thở Đại dương / Hơi thở Chiến thắng (Ocean Breath / Breath of Victory). Nó cũng kích hoạt dây thần kinh phế vị (vagus nerve) là trung tâm của hệ thần kinh phó giao cảm.
  • Bhastrika là một bài tập hít thở quan trọng trong Yoga và Pranayama. Đôi khi nó được coi như một Kriya hay "hành động làm sạch" thường được kết hợp với Kapalabhati để làm thông thoáng đường thở chuẩn bị cho các kỹ thuật Pranayama khác.

PHỤ NỮ MANG THAI NÊN THẬN TRỌNG KHI 'TIẾP KIẾN' VUA VÀ HẬU

Phụ nữ mang thai cần lựa chọn những Tư thế Yoga hoặc bài tập Pranayama phù hợp với tình trạng sức khỏe đặc biệt của họ.

1. Đối Với Sirsasana và Sarvangasana

● Sirsasana - Không Nên Tập Khi Mang Thai.

Theo trang web Yoga International (yogainternational•com):

Tam cá nguyệt thứ 2 là thời điểm thai nhi có nhiều không gian nhất, dây rốn có thể di chuyển và vướng vào nhau. Việc dây rốn bị chèn ép khi mang thai hoặc khi sinh nở có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi, do đó "Tư thế Đảo ngược" cũng có thể gây ra điều này.

Tư thế Đứng Bằng Đầu có thể làm căng cơ bụng vốn đã căng, cũng như làm tăng thêm trọng lượng lên đốt sống cổ nhiều hơn so với lúc bình thường (không mang thai).

Đối với tam cá nguyệt thứ 3, nếu bà bầu lộn ngược cơ thể trong thời gian này, trọng lượng đáng kể từ nhau thai, nước ối, thai nhi và các cơ quan khác trong bụng sẽ rơi trở lại cơ hoành. Trọng lượng tăng thêm này sẽ làm hạn chế hơi thở của người mẹ, cũng như tăng áp lực lên lồng ngực và tim. Ngoài ra, còn có một khả năng nữa là Tư thế lộn ngược có thể kích thích thai nhi di chuyển từ Tư thế thích hợp đầu chúc xuống sang Tư thế mông chúc xuống (được xác định là bất kỳ bộ phận cơ thể nào của thai nhi xuất hiện đầu tiên trong cổ tử cung, mà không phải là đầu).

● Sarvangasana - Không Nên Tập Khi Mang Thai.

  • Theo trang web Sweatbox Yoga (sweatboxyoga•com):

Đối với Tư thế Đứng Bằng Vai, đây là một trong những Tư thế Yoga cần tránh khi tập luyện Yoga lúc đang mang thai, vì nó làm tăng nguy cơ cho cơ bụng và tử cung do bị chèn ép bởi các động tác khi thực hiện Tư thế này.

  • Theo trang web Dr Stephen Morris (drmorris•com•au):

Tránh các Tư thế Yoga Đảo Ngược (Yoga Inversions) mạnh mẽ. Chúng tôi không dạy các Tư thế Đảo Ngược như Đứng Bằng Đầu, Đứng Bằng Vai và Đứng Bằng Tay (Handstand) cho phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, các Tư thế Đảo Ngược thư giãn như Viparita Karani (Gác Chân Lên Tường - Legs Up the Wall Pose) và Anahatasana (Tư thế Chó con - Puppy Pose) có thể thực hiện một cách an toàn trong suốt thai kỳ.

2. Thận Trọng Với Các Bài Tập Pranayama

● Kapalbhati - Không Nên Tập Khi Mang Thai.

  • Theo trang web Medipulse (medipulse•in) của Medipulse Hospital - Bệnh viện Medipulse, Ấn Độ:

Một số Tư thế và bài tập Pranayama được cho là có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể trong cả ba tháng cuối thai kỳ, do đó chúng có thể khiến bà bầu mất nước. Những Tư thế và thực hành cần tránh:

- Kapalbhati (Hơi Thở Lửa).
- Sirsasana (Đứng Bằng Đầu).
- Bikram Yoga (Yoga Nóng).

  • Theo trang web BabyCenter (babycenter•com):

Trong Pranayama, hãy tập trung vào việc phát triển nhận thức về hơi thở của bạn, thay vì nín thở. Các chuyên gia Yoga khuyên bạn không nên nín thở khi tập luyện Yoga lúc đang mang thai, vì nó có thể làm giảm lượng ôxy cung cấp cho thai nhi. Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện đúng kỹ thuật.

Đừng hít thở sâu, nhanh và mạnh khi bạn đang mang thai. Các kỹ thuật như Bhastrika (Hơi Thở Ống Bễ) và Kapalabhati (Hơi Thở Lửa) không được khuyến khích khi mang thai.

Thở nhanh và mạnh có thể khiến bạn có cảm giác muốn ngất xỉu, choáng váng và chóng mặt.

● Nadi Shodhana - Rất Tốt Cho Phụ Nữ Mang Thai.

  • Theo trang web Yoga International (yogainternational•com):

Một số bài tập hít thở, hay còn gọi là Pranayama, thường bị chống chỉ định khi mang thai. Chúng bao gồm những động tác liên quan đến việc nín thở, cũng như bất kỳ hơi thở nào làm căng phình bụng. Hình thức Pranayama được gọi là Nadi Shodhana rất tốt khi mang thai. Nó được biết đến với việc cân bằng năng lượng và giúp chúng ta cảm thấy tập trung hơn.

Phụ nữ mang thai thường bị đau lưng dưới, do đó khi thực hiện Nadi Shodhana bạn nên lót một chiếc chăn gấp lại hoặc gối đặt dưới mông (xem hình), giúp cho lưng thẳng và tránh cho vùng lưng dưới không bị áp lực.

  • Theo trang web Mother Nurture Yoga (mothernurtureyoga•com•au):

Thở Mũi Luân Phiên là một Kỹ Thuật Thở mạnh mẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn, tràn đầy năng lượng và cân bằng cảm xúc. Bất cứ ai cũng có thể thực hành nó và là một Kỹ Thuật Thở an toàn cho phụ nữ mang thai và sau sinh.

Những lợi ích:

- Giảm căng thẳng và lo lắng.
- Giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi.
- Cải thiện chức năng tim mạch, làm giảm đáng kể nhịp tim, nhịp hô hấp và huyết áp.
- Có thể giúp giảm chứng khó thở khi mang thai.
- Thúc đẩy sức khỏe tổng thể và hạnh phúc.
- Giúp bạn tiếp cận với thiền định tốt hơn.

  • Theo trang web National Library of Medicine (ncbi•nlm•nih•gov):

Sự căng thẳng và lo lắng của người mẹ khi mang thai ảnh hưởng đến hình thái đang phát triển của bộ não và quá trình phát triển của thai nhi.

Kỹ Thuật Thở của Yoga có thể tăng cường huyết động học tim mạch cho "khối thống nhất bà mẹ-thai nhi" (maternal–fetal unit). Giảm các thông số tim mạch của bà mẹ và thai nhi do giảm hoạt động thần kinh giao cảm cùng với sự gia tăng hoạt động thần kinh phó giao cảm. Những thay đổi như vậy của hệ thần kinh tự trị đối với tim mạch có thể tăng cường tuần hoàn nhau thai và dẫn đến sự phát triển thai nhi khỏe mạnh hơn.

Đó là lý do Nadi Shodhana là bài tập tốt nhất dành cho phụ nữ mang thai.

Nadi Shodhana là bài tập tốt nhất dành cho phụ nữ mang thai.

CÁCH THỰC HIỆN NADI SHODHANA

★ Cách Thực hiện Nadi Shodhana Theo Cấp Độ Dễ (đơn giản) và Không Nín Thở:

  • Ngồi thẳng lưng, ngồi trong tư thế nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Như Tư thế Ngồi Dễ Dàng (Sukhasana - Easy Pose).
  • Đối với phụ nữ đang mang thai, bạn nên lót một chiếc chăn gấp lại hoặc gối đặt dưới mông, giúp cho lưng thẳng và tránh cho vùng lưng dưới không bị áp lực (kể cả khi ngồi thiền).
  • Tay phải dùng Ấn Vishnu Mudra, tay trái dùng Ấn Gyan Mudra / Chin Mudra (xem hình).
  • Dùng ngón tay đeo nhẫn để đóng mở lỗ mũi trái, ngón tay cái đóng mở lỗ mũi phải.
  • Luôn bắt đầu bài tập này bằng việc hít vào bằng lỗ mũi trái, và kết thúc bài tập thở ra cũng bằng lỗ mũi trái.

● Thực hiện theo tỷ lệ 1:1, hít vào 4 giây, thở ra 4 giây.

  • Bắt đầu hít vào bằng lỗ mũi trái và đếm tới 4, lúc này ngón tay cái bít lỗ mũi phải.
  • Tiếp theo, ngón tay đeo nhẫn bít lỗ mũi trái và ngón tay cái mở lỗ mũi phải ra. Thở ra đếm tới 4.
  • Tiếp theo, ngón tay đeo nhẫn vẫn đang bít lỗ mũi trái, ngón tai cái đang mở ra và hít vào đếm tới 4.
  • Xong, đóng lỗ mũi phải lại bằng ngón tay cái, mở ngón tay đeo nhẫn ở lỗ mũi trái và thở ra đếm tới 4.

Vậy là hết một vòng. Bạn có thể thực hiện bài tập này từ 5 vòng đến 10 vòng hoặc 20 vòng tùy theo khả năng.

● Thực hiện theo tỷ lệ 1:2, hít vào 4 giây, thở ra 8 giây. Tỷ lệ này kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm giúp tâm trí bạn thư giãn hơn và cần thiết khi bị mất ngủ.

  • Bắt đầu hít vào bằng lỗ mũi trái và đếm tới 4, lúc này ngón tay cái bít lỗ mũi phải.
  • Tiếp theo, ngón tay đeo nhẫn bít lỗ mũi trái và ngón tay cái mở lỗ mũi phải ra. Thở ra từ từ đếm tới 8.
  • Tiếp theo, ngón tay đeo nhẫn vẫn đang bít lỗ mũi trái, ngón tai cái đang mở ra và hít vào đếm tới 4.
  • Xong, đóng lỗ mũi phải lại bằng ngón tay cái, mở ngón tay đeo nhẫn ở lỗ mũi trái và từ từ thở ra đếm tới 8.

Vậy là hết một vòng. Bạn có thể thực hiện bài tập này từ 5 vòng đến 10 vòng hoặc 20 vòng tùy theo khả năng.

✦ Lưu Ý:

  • Cả hai tỷ lệ 1:1 và 1:2 có thể thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau. Nếu kết hợp với nhau bạn nên thực hiện tỷ lệ 1:1 trước (khoảng 5 vòng) sau đó là tỷ lệ 1:2 (5 vòng), hoặc tùy theo khả năng của bạn.
  • Sau khi thực hiện Nadi Shodhana, đừng vội vàng đứng dậy ngay. Bạn nên ngồi tĩnh lặng trong khoảng từ 3-5 phút.
  • Thông thường, Nadi Shodhana được thực hiện với số đếm là 4 giây dành cho người mới bắt đầu. Sau một thời gian luyện tập, bạn có thể tăng dần số đếm theo lũy tiến (5, 6, 7,..). Ví dụ, hít vào 8 giây, thở ra 8 giây (1:1), hoặc hít vào 8 giây thở ra 16 giây (1:2). Tóm lại, thực hiện theo khả năng của bạn.
  • Theo Christian Mollenhoff, một giáo viên Yoga cao cấp: Với thời gian 8 giây cho mỗi hơi thở vào và hơi thở ra theo tỷ lệ 1:1. Đó là khoảng thời gian mà hầu hết người mới bắt đầu được xác định có thể duy trì.

✦ Chống Chỉ Định:

  • Những người bị bệnh tim mạch và các chứng bệnh về huyết áp (cao, thấp) không được nín thở / giữ hơi thở.
  • Cơ thể, tâm trí và hơi thở luôn thư giãn, không căng thẳng.

Có thể bạn quan tâm: Bạn nên thực hành Kỹ thuật thở - Pranayama trước hay sau Tư thế yoga - Asana?

NGUỒN THAM KHẢO:

yogajournal•com, arhantayoga•org, shivatattvayoga•com, ncbi•nlm•nih•gov, theyogatique•com, boldsky•com, icliniq•com, ramaschoolofyoga•com, letstalk•yoga, iaszoology•com, balmainyoga•com, yogainternational•com, sweatboxyoga•com, drmorris•com•au, medipulse•in, babycenter•com, mothernurtureyoga•com•au, Wikipedia•org.

Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: