Giỏ hàng
Tài khoản

Tư thế Đứng bằng đầu (Headstand) dưới góc nhìn khoa học

calendar 17/05/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Tròng cây chuối khoa học

"Sirshasana thực sự là một 'Phước lành' và 'Rượu tiên'. Không có từ ngữ nào có thể mô tả một cách đầy đủ những hiệu quả và tác dụng có lợi của nó. Chỉ riêng tư thế này, não có thể nhận được nhiều Prana và máu. Tư thế này tác động chống lại lực hấp dẫn và rút một lượng máu dồi dào từ tim để đưa lên não bộ. Trí nhớ được tăng cường một cách tuyệt vời. Các nhà luật gia, nhà huyền học và các nhà tư tưởng luôn đánh giá rất cao tư thế này. Tư thế này đưa đến trạng thái Pranayama (Kỹ thuật thở) và Samadhi (Định) một cách tự nhiên mà không cần bất kỳ nỗ lực nào khác". - Swami Sivananda.

NHỮNG LỢI ÍCH

Theo quan điểm của yoga, tư thế Đứng Bằng Đầu tạo ra Apana Vayu (Gió Apana / Apana Prana) di chuyển chậm chạp, có nghĩa là nó tạo điều kiện cho dòng năng lượng đi xuống và hướng ra khỏi cơ thể. Đồng thời, Agni hay Lửa Tiêu Hóa cũng được cung cấp thêm năng lượng. Điều này giúp làm sạch ruột đồng thời giải phóng lượng máu bị tắc nghẽn trong ruột kết, do đó nó cải thiện hệ tiêu hóa.

Trong tất cả các tư thế yoga thì tư thế Đứng Bằng Đầu (Sirshasana - Headstand) được coi là tư thế tác động hiệu quả nhất đến tuyến tùng và tuyến yên. Vậy, tuyến tùng và tuyến yên quan trọng như thế nào đối với cơ thể của chúng ta.

  • Tuyến tùng là một tuyến có hình dạng quả thông, nó nằm sâu trong trung tâm của não. Theo y học phương Tây, chức năng chính của nó là điều chỉnh melatonin, đây là hoóc môn rất quan trọng đối với chu kỳ sinh học thức - ngủ của cơ thể. Hoóc môn melatonin không chỉ quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của tế bào mà còn ảnh hưởng đến lượng hoóc môn gây căng thẳng cortisol. Nồng độ melatonin cao làm giảm cortisol và hỗ trợ một giấc ngủ sâu, đồng thời khi lượng hoóc môn melatonin bị thiếu sẽ gây ra tâm trạng lo lắng và mất ngủ.
  • Tuyến yên là tuyến nhỏ nhất, có kích thước bằng hạt đậu, nằm ở đáy bộ não. Nó tiết ra các hoóc môn với sự điều tiết đa dạng đối với các tuyến khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận và cơ quan sinh dục. Nó cũng ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, và một trong số đó bao gồm: Sự cân bằng nước trong cơ thể, sự tăng trưởng, sản xuất các tế bào, sự hình thành xương của chúng ta và việc kiểm soát mang thai và sinh nở.

Tham khảo thêm: Tại sao đứng bằng đầu (headstand) là tư thế mà bạn nên nỗ lực để chinh phục.

Sau đây là những phân tích khoa học về tư thế Đứng Bằng Đầu (Sirshasana - Headstand).

HỆ TIM MẠCH

Khi bạn Đứng Bằng Đầu, điều đầu tiên bạn cảm thấy là áp lực lên đỉnh đầu, áp lực trong động mạch và tĩnh mạch, và áp lực trong các mô mềm ở đầu và cổ. Và cùng với đó là những khía cạnh tinh tế hơn về sự thúc bách:

  • Đòi hỏi sự cân bằng cơ thể để duy trì trong tư thế.
  • Sự thôi thúc tâm lý của bạn vì muốn thoát ra khỏi tư thế.

Những áp lực về phương diện thể chất và tâm lý này tác động đến tất cả hệ thống trong cơ thể theo cách này hay cách khác như: Hệ cơ xương, hệ thần kinh, hệ nội tiết, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ miễn dịch và hệ sinh sản. Ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào một điều hiển nhiên nhất, đó là hệ tuần hoàn.

Tim Tuần Tự Bơm Máu Qua Hai Vòng Tuần Hoàn:

  • Vòng tuần hoàn phổi (vòng tuần hoàn nhỏ): Máu được bơm từ tâm thất phải đến động mạch phổi tới 2 lá phổi và trở lại tâm nhĩ trái trong vòng tuần hoàn phổi. Trong vòng tuần hoàn phổi, máu nhận ôxy từ hai lá phổi và giải phóng carbon dioxide (C02). Vòng tuần hoàn phổi đến hai lá phổi có áp lực máu thấp (22/8 mm Hg), đây là vòng tuần hoàn ít gặp trở ngại.
  • Vòng tuần hoàn cơ thể (vòng tuần hoàn lớn): Sau đó máu từ tâm thất trái theo động mạch cảnh đến toàn bộ cơ thể và trở lại tâm nhĩ phải trong vòng tuần hoàn cơ thể. Trong vòng tuần hoàn cơ thể máu sẽ hấp thụ carbon dioxide (C02) từ các tế bào của cơ thể và giải phóng ôxy để cung cấp cho những tế bào này. Vòng tuần hoàn đưa máu đi khắp cơ thể là một vòng tuần hoàn có áp lực máu cao (120/80 mm Hg), đây là vòng tuần hoàn gặp nhiều trở ngại.

Dòng chảy của máu đi theo một chiều: Từ tâm nhĩ phải đến tâm thất phải, đến động mạch phổi, hai lá phổi, tĩnh mạch phổi, tâm nhĩ trái, động mạch chủ trái, toàn bộ cơ thể, các tĩnh mạch và trở lại tâm nhĩ phải - vòng tuần hoàn được lặp lại liên tục từ khi sinh ra cho đến lúc chết.

Trong mỗi vòng tuần hoàn gồm có các động mạch, mao mạch và tĩnh mạch. Cả hai vòng tuần hoàn này đều chịu tác động bởi các tư thế đảo ngược của yoga. Nhưng, chúng ta sẽ tập trung vào vòng tuần hoàn cơ thể trước tiên, vì phần lớn sự quan tâm của chúng ta là làm thế nào để tư thế Đứng Bằng Đầu tác động đến toàn bộ cơ thể.

HUYẾT ÁP VÀ LƯU LƯỢNG MÁU TRONG VÒNG TUẦN HOÀN CƠ THỂ

Bất cứ khi nào có ai đó nói rằng họ có vấn đề về huyết áp, tức là họ đang nói về huyết áp trong các động mạch trong vòng tuần hoàn cơ thể của họ. Giống như áp suất khí quyển, áp suất phế nang và áp suất khí huyết, huyết áp được đo bằng milimét thủy ngân (mm Hg). Khi chúng ta nói, huyết áp Bình thường là 120 trên 80 mm Hg, hay đơn giản hơn là 120/80, chúng ta đang đề cập đến áp lực bình thường của máu đối với các thành động mạch bên trong của vòng tuần hoàn cơ thể. Huyết áp thường được đo trên cánh tay khi chúng ta ngồi trên ghế hoặc nằm yên.

Huyết áp ở các động mạch (kích cở trung bình) phụ thuộc vào sự bơm máu của tim và sức cản ngoại biên trong các mạch máu. Tầm quan trọng của việc bơm máu là điều hiển nhiên. Vì vậy, một trái tim làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra áp lực máu mạnh hơn trong vòng tuần hoàn cơ thể. Nhưng sự cản trở dòng chảy của máu trong tiểu động mạch cũng quan trọng không kém: Khi sức cản ngoại biên tăng, huyết áp trong động mạch cũng tăng. Có nhiều yếu tố thần kinh, nội tiết tố và các yếu tố sinh lý khác ảnh hưởng đến nhịp tim và sức cản ngoại biên. Ở đây chúng tôi muốn lưu ý rằng, bất cứ khi nào bạn trở nên hiếu động hoặc lo lắng một cách đặc biệt, thì hệ thần kinh giao cảm và các hoóc môn được giải phóng từ tuyến thượng thận sẽ làm tăng huyết áp bằng cách tăng cả hai sức cản ngoại biên và sức mạnh và nhịp tim.

Huyết áp và tư thế đứng bằng đầu

Huyết áp cũng thay đổi ở các phần khác nhau của cơ thể. Huyết áp phần cơ thể dưới tim tăng lên và huyết áp phần cơ thể phía trên tim giảm xuống. Bởi vì, trọng lực của cột máu trong động mạch làm tăng lên (hoặc giảm xuống) áp lực được tạo ra bởi tim và bởi sức cản ngoại biên. Ở tư thế đứng thẳng người, huyết áp ở vùng ngang tim của các động mạch (kích cỡ trung bình) có mức 120/80 mm Hg, huyết áp trong các động mạch của bàn chân sẽ vào khoảng 210/170 mm Hg và huyết áp ở bộ não khoảng 100/60 mm Hg. Chỉ trong các trường hợp dưới đây, chúng ta sẽ thấy huyết áp được cân bằng trên khắp cơ thể ở mức 120/80 mm Hg. Đó là, nếu chúng ta vô hiệu hóa tác dụng của trọng lực bằng cách nằm nghiêng, nằm ngửa, hoặc bằng cách ngâm mình trong nước, hay bằng cách cư trú trong một khoang tàu không gian bên ngoài quỹ đạo trái đất.

TƯ THẾ HEADSTAND - ĐỨNG BẰNG ĐẦU ĐỐI VỚI HUYẾT ÁP

Sự đảo ngược trong tư thế Đứng Bằng Đầu sẽ đảo ngược một cách rõ ràng các số đo huyết áp đã đo được khi ở tư thế đứng thẳng người. Huyết áp sẽ duy trì ở mức 120/80 tại phần cơ thể ngang tim, ít nhất nếu bạn không bị quá căng thẳng, nhưng huyết áp ở cánh tay sẽ tăng lên khoảng 140/100 mm Hg vì cánh tay nằm dọc theo đầu và ở bên dưới tim thay vì ngang hàng với nó. Chúng ta có thể tính toán rằng huyết áp sẽ chỉ còn khoảng 40/0 mm Hg ở bàn chân, với huyết áp tâm trương giảm xuống bằng 0 và huyết áp tâm thu là 40 mm Hg, nó chỉ đủ để tràn ngập các mao mạch. Tuy nhiên, đó là sự thay đổi cận biên, đó là lý do tại sao đôi chân của bạn có thể trở thành 'đồ bỏ' và bạn sẽ có cảm giác tê chân nếu vẫn ở trong tư thế Đứng Bằng Đầu trong một thời gian dài.

Thực tế đã chứng minh là, trong tư thế Đứng Bằng Đầu áp lực của máu lên các thành mạch sẽ cân bằng với áp lực của sự co thắt các cơ trơn bên ngoài thành mạch ở đầu và cổ. Do đó, qua thời gian thực hành bạn sẽ thúc đẩy sự co thắt bên ngoài thành mạch và duy trì ở trong tư thế lâu hơn.

Chúng ta có thể tính được rằng huyết áp ở đỉnh đầu trong tư thế đứng thẳng người tăng từ 100/60 mm Hg lên tới 150/110 mm Hg trong tư thế Đứng Bằng Đầu, hoặc thậm chí cao hơn nếu bạn không tự tin (lo lắng) khi thực hiện tư thế này. Do đó, tư thế Đứng Bằng Đầu được khuyến cáo chống chỉ định cho bất kỳ ai bị huyết áp cao bất thường, vì những lý do đơn giản nhất:

  • Tư thế này có thể làm tăng huyết áp ở não lên mức nguy hiểm có thể trên 150/110 mm Hg. Quan điểm y tế bảo thủ cũng khuyên bạn nên tránh tư thế Đứng Bằng Đầu, ngay cả khi mức huyết áp cao đã được đưa về mức bình thường bằng thuốc giảm huyết áp.

Tham khảo thêm: Làm thế nào để giảm bớt áp lực máu trong đầu khi thực hiện tư thế đứng bằng đầu - Headstand?

HỒI LƯU TĨNH MẠCH

  • Hồi Lưu Tĩnh Mạch: Là lượng máu trở về tim mỗi phút từ các tĩnh mạch.
  • Cung Lượng Tim: Là lượng máu do tim cung cấp hay bơm đi mỗi phút.

Nếu các mao mạch và tĩnh mạch là những đường ống tĩnh có đường kính cố định, thì máu sẽ chảy từ các tiểu động mạch vào các mao mạch, rồi chảy từ các mao mạch vào các tĩnh mạch và máu lại được đẩy ngược về tim bằng áp lực động mạch. Nhưng đây không phải là cách mà hệ tuần hoàn vận hành. Các mao mạch và tĩnh mạch có thể giãn nở: Chúng có thể dễ dàng chứa tất cả máu trong cơ thể. Và điều này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì, những giới hạn cụ thể bên trong cơ thể, lượng máu trở về tim mỗi phút (Hồi Lưu Tĩnh Mạch) điều tiết lượng máu được tim bơm đi mỗi phút (Cung Lượng Tim).

Đây Là Những Gì Diễn Ra:

  • Khi Hồi Lưu Tĩnh Mạch tăng, lượng máu tăng thêm làm căng giãn các thành của tâm thất, và khi điều đó xảy ra, các sợi cơ trong tâm thất bị căng giãn sẽ tự động bơm mạnh hơn, do đó làm tăng Cung Lượng Tim.
  • Khi Hồi Lưu Tĩnh Mạch giảm, tâm thất bơm yếu hơn, do đó làm giảm Cung Lượng Tim.

Vì vậy, những cách thức để di chuyển máu từ các mao mạch, tĩnh mạch và từ các tĩnh mạch trở về tim là rất quan trọng. Nếu quá nhiều máu ứ đọng trong các bộ phận của cơ thể, điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, khi Cung Lượng Tim giảm và tim sẽ không nhận đủ máu để bơm lên não và các cơ quan quan trọng khác.

Khi chúng ta ở trong tư thế đứng thẳng người bình thường, sự Hồi Lưu Tĩnh Mạch của máu từ các tĩnh mạch nằm phía trên tim không bị cản trở, và máu chảy như thác nước đến tâm nhĩ phải. Và ở phần cơ thể mức ngang tim (ví dụ ở đoạn giữa của cánh tay) áp lực tĩnh mạch là khoảng 15 mm Hg. Vì con số này (15) lớn hơn 0 mm Hg nên khi máu đi vào tâm nhĩ phải, nó vẫn dễ dàng bị đẩy trở lại tim. Tuy nhiên, hai chân bên dưới là một vấn đề khác, và để đưa máu về tim từ bàn chân trong tư thế đứng thẳng người, ít nhất sự Hồi Lưu Tĩnh Mạch phải vượt qua áp lực khoảng 140 mm Hg, điều này tương ứng với chiều cao của cột máu tĩnh mạch bên dưới tim.

Đứng bằng đầu dưới góc nhìn khoa học

Cách thức để đưa máu trở lại tim từ hai chân bên dưới là điều vô cùng tuyệt vời bởi sự đơn giản và tính hiệu quả của nó. Các tĩnh mạch bên dưới tim chứa các van một chiều, và sự co rút của các cơ xương bao quanh các van này hoạt động như những máy bơm "bằng cơ bắp" để ép máu đi qua chúng và trở về tim. Khi các cơ bắp thư giãn, các van đóng lại để ngăn dòng máu chảy ngược, đảm bảo rằng dòng máu chỉ chảy theo một hướng.

Cơ thể không có các van ở đầu và cổ. Vì vậy, tư thế đứng thẳng người của chúng ta đã khiến chúng không cần thiết. Nhưng khi bạn đứng thẳng người, một lượng máu chảy chậm chạp qua các tĩnh mạch ở phần nửa bên dưới cơ thể, lượng máu này cần được bơm ngược về tim bằng sự vận động của các cơ bắp. Trong trường hợp bạn không vận động suốt một thời gian dài, những chất lỏng di chuyển chậm chạp ra khỏi khu vực này đến nỗi các quá trình nuôi dưỡng và loại bỏ tế bào bị tổn hại. Sự tắc nghẽn do trọng lực có thể ảnh hưởng xấu đến bất kỳ cơ quan hoặc các tế bào bên dưới tim. Tư thế nằm của cơ thể khi bạn chìm trong giấc ngủ vào ban đêm sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Chúng ta vẫn thường nhận thấy tác động của trọng lực khiến cho chất lỏng bị tồn đọng ở mắt cá chân và làm cho nó bị sưng mãn tính, hoặc chứng suy giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ. Một số biện pháp khắc phục là sự vận động các cơ bắp một cách mạnh mẽ, đồng thời kết hợp với thư giãn để đẩy máu qua các van tĩnh mạch. Các giáo viên yoga trị liệu không phản đối những biện pháp này, nhưng họ đề nghị một tư thế khác để thay thế và nó có tác dụng tốt hơn nhiều lần, đó là tư thế Headstand - Đứng Bằng Đầu.

DỊCH NGOẠI BÀO VÀ CHẤT NHẦY

Khi bạn ở trong tư thế Đứng Bằng Đầu, chất lỏng ngoại bào tích tụ trong các mô ở đầu và cổ của bạn, và khi bạn giữ tư thế trong thời gian dài, các mô này bắt đầu sưng lên. Bạn sẽ đỏ mặt, điều này là hiển nhiên, nhưng sự sưng lên cũng bắt đầu cản trở luồng không khí đi qua mũi và cổ họng. Điều này khiến cho hơi thở của bạn trở nên khó khăn hơn và bắt buộc bạn phải thở bằng miệng hoặc phải thoát ra khỏi tư thế. Nhưng vấn đề này thường chỉ là tạm thời. Nếu bạn tiếp tục luyện tập Headstand mỗi ngày, sự sưng lên sẽ ngày càng ít dần và bạn sẽ hít thở dễ dàng trong thời gian dài hơn. Một khi bạn đã thích nghi với tư thế trong mười phút hoặc lâu hơn, bạn sẽ thấy rằng mình có thể tiếp tục tăng thời gian lâu hơn. Nếu bạn có quá nhiều chất nhờn ở trong mũi hoặc miệng, hãy giải quyết vấn đề đó trước khi thực hành tư thế Đứng Bằng Đầu.

GIỮ TƯ THẾ HEADSTAND TRONG BAO LÂU

Đối với những học viên thiếu kinh nghiệm, các chuyên gia thường khuyên rằng, họ nên giữ tư thế này tối đa trong 1 hoặc 2 phút. Một Bậc thầy Yogi truyền thống (cổ điển) đề nghị tối đa hai phút đối với những người đã lập gia đình (những người sinh hoạt tình dục), và thời gian giữ tư thế không giới hạn đối với những người hoàn toàn sống độc thân. Nhiều văn bản yoga cổ điển cũng khẳng định điều này, nó ám chỉ rằng "Sự cực khoái thường xuyên không hỗ trợ cho các thực hành Sirshasana, chúng không thể kết hợp tốt với nhau". Trong kinh điển Hatha Yoga Pradipika đề cập khả năng của một yogi có thể giữ Sirshasana trong ba giờ. Và cuối cùng, một Bậc thầy Hatha Yoga cao tuổi đến từ Ấn Độ, ông đã có một câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi của tôi. Ông ấy nói rằng, "Bạn có thể thực hành Sirshasana trong bất kỳ khoảng thời gian nào, trong ba giờ, sáu giờ và thậm chí bạn có thể ngủ trong tư thế", nhưng ông ấy nói thêm rằng "Không bao giờ có một sự khó chịu nào cho dù nhỏ nhất !!".

Nếu bạn đã đọc đến đây, chắc hẳn bạn muốn trải ngay tấm thảm tập yoga tốt nhất ra và thực hành rồi đúng không nào!? đừng vội, cùng đọc thêm bài viết này đã: Tư thế Đứng bằng đầu và 10 điều nên biết để thực hành đúng.

Nguồn: Doctor Library | Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: