Giỏ hàng
Tài khoản

18 Huyền thoại và quan niệm sai lầm về thiền định

calendar 03/04/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

18 Huyền thoại và quan niệm sai lầm về thiền định

Có nhiều huyền thoại và quan niệm sai lầm về thiền định trên thế giới. Nhiều người truyền đạt sai các kỹ thuật thiền định và đôi khi kỹ thuật họ dạy không liên quan gì đến thiền.

Nếu một người có thể học thiền đúng cách thì cả cuộc đời của người đó sẽ thay đổi. Thiền định đúng cách là điều phước lành lớn nhất trong cuộc sống. Nhưng điều quan trọng là chúng ta học được kỹ thuật thiền định đúng và không học bất cứ điều gì khác nhân danh thiền định.

Những huyền thoại và quan niệm sai lầm về thiền định:

HUYỀN THOẠI 1 - THIỀN CẢI THIỆN SỰ TẬP TRUNG

Thiền không phải là sự tập trung (tâm trí) mà nó trái ngược với sự tập trung. Trong sự tập trung, chúng ta thu hẹp sự chú ý của mình vào một đối tượng, như thần chú hoặc vị thần. Trong khi thiền, chúng ta không tập trung chú ý vào bất kỳ đối tượng nào. Thay vào đó, chúng ta tăng cường ý thức của mình và không bám víu vào bất cứ điều gì. Theo những lời dạy của Bậc Thầy giác ngộ huyền thoại - Jiddu Krishnamurti, "Thiền là nhận thức không bám víu". Trong thiền định, chúng ta trở nên nhận thức về đối tượng nơi ý thức của chúng ta hiện diện. Trong thiền định, chúng ta không bám víu bất cứ điều gì hay là cố gắng thu gom tất cả năng lượng của mình vào một điểm duy nhất giống như chúng ta thực hành sự tập trung tâm trí. Vì vậy, thiền không phải là sự tập trung và nó cũng không cải thiện sự tập trung của bạn. Đúng như vậy, một thực tế nữa là thiền làm cho tâm trí của bạn trở nên sắc sảo và mang lại nhiều sự rõ ràng, nó còn làm cho tâm trí của bạn thấu hiểu nhiều hơn. Bằng thiền định, bạn có thể sử dụng tâm trí của mình tốt hơn. Vì vậy, thiền có nhiều lợi ích nhưng nó không phải là sự tập trung tâm trí.

HUYỀN THOẠI 2 - THIỀN LÀ SỰ CẦU NGUYỆN

Hầu hết thời gian những lời cầu nguyện của chúng ta là chẳng gì hơn ngoài việc cầu xin ân huệ từ thần thánh. Trong thực tế, thiền định là sự cầu nguyện thực sự khi chúng ta trở nên hiểu biết từ bên trong bản thân mình và hoàn toàn được thỏa mãn. Bất cứ điều gì xuất phát từ trong tâm trí thì không thể là thiền định. Tâm trí luôn mong muốn hoặc tìm kiếm điều gì đó hoặc những điều khác biệt còn thiền định là quan sát tất cả hoạt động của tâm trí với sự nhận thức nhưng không phán xét. Thiền định thực sự là quan sát tâm trí thay vì tìm kiếm những ân huệ từ thần thánh bằng những lời cầu nguyện.

HUYỀN THOẠI 3 - THIỀN LÀ TỤNG THẦN CHÚ

Điều này không đúng. Tụng thần chú là một thực hành tâm linh có lợi nhưng nó không phải là thiền định. Tụng thần chú có thể trở thành thiền định với điều kiện có một sự cách biệt giữa việc tụng thần chú và người tụng. Có nghĩa là bạn nhận thức được quá trình tụng thần chú. Đây là một hiện tượng rất hiếm và 99,99% trường hợp tụng thần chú không phải là thiền định. Tụng thần chú liên tục làm cho tâm trí buồn tẻ, buồn ngủ và đó là sự tập trung tâm trí. Trong khi thiền định là vượt ra khỏi tâm trí. Việc tụng thần chú có tác dụng đối với một số người và nhiều người đã đạt được sự linh ứng thông qua tụng thần chú. Vì vậy, không có điều gì sai trong việc tụng thần chú, nhưng đó không phải là thiền định.

HUYỀN THOẠI 4 - THIỀN LÀ CHIÊM NGHIỆM

Chiêm nghiệm nếu được thực hiện bởi tâm trí thì đó lại không phải là thiền định. Trong sự chiêm nghiệm, chúng ta lại sử dụng tâm trí để suy nghĩ hoặc suy tư. Trong lúc thiền định chúng ta chỉ trở thành nhân chứng đối với quá trình suy nghĩ. Vì vậy, thiền định và chiêm nghiệm là hai điều khác nhau.

HUYỀN THOẠI 5 - THIỀN LÀ THƯ GIÃN

Thư giãn hỗ trợ cho thiền nhưng nó không phải là thiền định. Tôi thích định nghĩa thiền là một trạng thái nhận thức thư thái. Cho nên, ngoài việc thư giãn, bạn cần ý thức tỉnh táo hay nhận thức. Thiền định = Thư giãn + Nhận thức.

HUYỀN THOẠI 6 - THIỀN LÀ TỰ THÔI MIÊN

Thiền định không liên quan gì đến thôi miên hay tự thôi miên. Thiền là để trở nên ý thức hơn và thức tỉnh hơn về chính mình. Đó là trở nên nhận thức về những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn. Thiền định thực sự trở nên nhận biết về bạn từ dạng suy nghĩ trước kia của bạn. Nó làm cho bạn suy nghĩ một cách rõ ràng về bất kỳ tình huống cụ thể nào.

HUYỀN THOẠI 7 - THIỀN DÀNH CHO NGƯỜI GIÀ

Đây là một trong những lý do phổ biến nhất mà mọi người dùng để né tránh thiền định. Nhiều người đã trì hoãn thiền cho đến khi tuổi già. Thật ra, khi bạn còn trẻ thì việc trải nghiệm thiền dễ hơn so với khi bạn đã già. Đó là vì tâm trí của người trẻ tuổi tỉnh táo và không bị suy giảm do tuổi tác. Vì vậy, nếu bạn muốn học hỏi về thiền định thì hãy bắt đầu trải nghiệm nó ngay bây giờ. Khi bạn già đi, việc trải nghiệm thiền sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ai cũng có thể thiền

HUYỀN THOẠI 8 - ĐỂ THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH TÔI PHẢI XUẤT GIA (SANNYAS) HOẶC TỪ BỎ

Không cần thiết phải rời khỏi nhà của bạn để học thiền. Nhiều người trên thế giới đang thực hành thiền định tại nhà. Một trong những môn đệ nổi tiếng đã giác ngộ của Đức Phật Cồ Đàm (Gautam), là một người chủ gia đình. Tên ông ấy là Vimalakirti và trong một văn bản Phật Giáo rất nổi tiếng đã ghi chép tên của ông là, 'Vimalakirti Nirdesa Sutra'. Rất nhiều người đã đạt được Định (Samadhi) trong khi thiền định ở nhà.

HUYỀN THOẠI 9 - THIỀN LÀ KIỂM SOÁT TÂM TRÍ

Tâm trí không bao giờ có thể được kiểm soát. Người ta cần hiểu cơ chế của tâm trí bằng cách chứng kiến ​​nó. Bạn càng cố gắng kiểm soát tâm trí, nó càng trở nên mất kiểm soát. Vì vậy, trong thiền định chúng ta không thể kiểm soát tâm trí, nhưng chúng ta vượt qua nó bằng cách hiểu cơ chế của nó. Chứng kiến ​​là bí quyết quí giá để hiểu tâm trí. Quan sát, chứng kiến ​​là bản chất của tất cả các kỹ thuật thiền định.

HUYỀN THOẠI 10 - THIỀN LÀ KHÓ KHĂN VÀ MẤT NHIỀU NĂM THỰC HÀNH LIÊN TỤC

Thiền định không khó cũng không dễ. Thiền định giống như một kỹ năng. Một vài người đạt được nó một cách dễ dàng, còn lại một số khác sẽ phải mất thời gian để học hỏi. Điều đó cũng phụ thuộc vào việc bạn đã thiền định bao lâu trong kiếp trước của mình. Nếu bạn đã từng thực hành thiền định ở kiếp trước, thì thiền định đối với bạn sẽ trở nên dễ dàng một cách tự nhiên trong kiếp này. Rất có ích cho bạn để thực hành và học hỏi thiền định với một Bậc Thầy.

HUYỀN THOẠI 11 - THIỀN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI THEO TÔN GIÁO NÀO ĐÓ HOẶC GIÁO PHÁI HOẶC CHỦNG TỘC HOẶC CHO NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG

Thiền định dành cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, giáo phái, đẳng cấp, giới tính, tuổi tác, quốc gia, tín ngưỡng... Những gì cần thiết để học thiền là một sự trong sáng và chân thành của bạn. Hãy thành tâm trong thiền định.

HUYỀN THOẠI 12 - THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH LÀ TRỐN TRÁNH CÁC VẤN ĐỀ CỦA CUỘC SỐNG

Thiền giả thực sự không trốn tránh bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Họ đối mặt với vấn đề bằng nhận thức hay trí tuệ của mình. Bằng cách trốn tránh, cho dù bất cứ nơi nào bạn hiện diện thì vấn đề vẫn luôn còn đó. Đối mặt với các vấn đề tốt hơn là chạy trốn khỏi chúng. Bạn càng trốn tránh những vấn đề, chúng càng gia tăng trong cuộc sống và điều đó cũng khiến bạn trở nên hèn nhát.

HUYỀN THOẠI 13 - THIỀN ĐỊNH GIẢI QUYÊT MỌI VẤN ĐỀ VÀ SẼ GIÚP BẠN TRỞ NÊN GIÀU CÓ

Luật nhân quả được áp dụng cho tất cả mọi người. Mỗi người có những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Vì vậy, một thiền giả cũng có vấn đề trong cuộc sống. Nhưng thiền định đem lại cho bạn thêm nhiều sự rõ ràng và trí tuệ, do đó bạn có thể xử lý những vấn đề của mình một cách dễ dàng và khôn ngoan hơn so với những người khác. Thứ hai, thiền định làm cho thâm tâm bạn trở nên phong phú và phong thái trở nên mãn nguyện, người ta phải tuân theo các quy luật của thế giới vật chất. Thực tế, thiền định sẽ khiến bạn mãn nguyện đến mức bạn có thể không chăm chỉ trong công việc của mình như trước kia. Bởi vì, thiền định mang lại cho bạn nhiều niềm hạnh phúc, đến mức bạn muốn chìm đắm trong thiền định hơn là việc kiếm được nhiều tiền.

HUYỀN THOẠI 14 - THIỀN SẼ KHIẾN BẠN LUÔN LUÔN HẠNH PHÚC

Thiền định làm cho bạn hạnh phúc. Nhưng điều đó chỉ đúng với những người đã đạt được trạng thái Định (Samadhi) hoặc Giác Ngộ (Satori) hoặc Vô Niệm (No-mind). Vì vậy, hạnh phúc hiện hữu khi tâm trí bạn hoàn toàn yên tĩnh và thanh thản. Ngược lại, với những người vẫn đang trên con đường thiền định, thì tất cả các loại cảm xúc như ghen tuông, giận dữ, ham muốn tình dục, thù hận, vui sướng, yêu thích, v.v. Chúng xuất hiện trong tâm trí của họ cũng giống như tâm trí của những người không thiền định. Nhưng sự khác biệt là, thiền giả cố gắng hết sức mình để quan sát hay chứng kiến ​​những cảm xúc và không bị đồng nhất với chúng. Vì vậy, những cảm xúc này không tác động đến thiền giả nhiều như chúng tác động đối với những người không thiền định.

HUYỀN THOẠI 15 - THIỀN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI ĐỘC THÂN HOẶC TIẾT DỤC

Việc tránh quan hệ tình dục hỗ trợ trong thiền định. Vì năng lượng tình dục là năng lượng quan trọng cần được chuyển đổi. Vì vậy, nếu bạn có năng lượng thì chỉ bạn mới có thể đưa nó đến các luân xa cao cấp hơn. Cho nên, sống độc thân sẽ giúp tiến bộ nhanh chóng trong thiền định. Nói cách khác, khi bạn đi sâu hơn vào thiền định thì tự động bạn sẽ mất hứng thú với tình dục. Vì vậy, bạn không cần phải sống độc thân để bắt đầu học hỏi thiền định. Nhưng khi bạn bắt đầu học thiền thì việc sống độc thân sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thực hành thiền định của bạn. Hãy chú tâm nhiều vào thiền định của bạn hơn là hưởng thụ những thú vui nhục dục.

HUYỀN THOẠI 16 - CÓ NHỮNG LỐI TẮT TRONG THIỀN ĐỊNH

Trong thiền định không có lối tắt. Trong thế giới bên ngoài, chúng ta có thể thao túng mọi thứ. Nhưng trong thế giới nội tâm không có đường tắt. Trong thế giới nội tâm bạn cần có sự kiên nhẫn. Bạn càng kiên nhẫn, thì càng nhanh tiến bộ và bạn càng thiếu kiên nhẫn, thì tiến bộ của bạn sẽ chậm hơn. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và thành tâm trong thiền định.

HUYỀN THOẠI 17 - THIỀN DÀNH CHO NGƯỜI THEO ĐẠO PHẬT

Thiền định là giáo huấn quan trọng của Đức Phật Cồ Đàm (Gautam). Nhưng nó đã từng được truyền đạt bởi nhiều Bậc Thầy giác ngộ của các giáo phái và tôn giáo khác nhau. Bất cứ ai cũng có thể thực hành thiền định bất kể tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng của mình.

HUYỀN THOẠI 18 - THIỀN SIÊU VIỆT LÀ MỘT KỸ THUẬT THIỀN ĐỊNH

Nhiều người nghĩ rằng Thiền Siêu Việt là một kỹ thuật thiền định lý tưởng, nhưng điều đó không đúng. Mặc dù nó rất phổ biến và được nhiều người biết đến. Trên thực tế, phương pháp tụng thần chú siêu việt không phải là thiền định như đã giải thích ở trên. Tụng thần chú và thiền định là hai thực hành tôn giáo khác nhau.

Ghi chú: Thiền siêu việt (tên tiếng Anh là Transcendental Meditation) là kỹ thuật thiền dùng mantra (thần chú) luyện trí não làm tâm trí lắng đọng tới tầng sâu nhất, sâu hơn tiềm thức, nơi nguồn gốc sinh ra cả tiềm thức của con người nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng của não. (Nguồn: wikipedia)

Tác giả: Amit - Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

 Tags: Thiền
Viết bình luận của bạn: