Giỏ hàng
Tài khoản

20 Điều bạn cần phải biết trước khi bắt đầu tập luyện yoga

calendar 10/06/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

20 Điều bạn cần phải biết trước khi bắt đầu tập luyện yoga

Yoga là một thực hành thú vị. Sự nhận thức về Yoga đang lan tỏa rất nhanh trên khắp thế giới. Dường như mọi người rất tò mò muốn biết, làm thế nào mà một thực hành liên quan đến việc căng giãn cơ thể lại có thể là một giải pháp cho rất nhiều vấn đề. Nếu bạn là một trong số họ, thì đây là những hướng dẫn về những điều nên biết trước khi bạn tham gia một câu lạc bộ Yoga.

Trước hết, tất cả về Yoga là việc khám phá và nhận thức thật nhiều về cơ thể bạn cả trong không gian và thời gian. Khi bạn được yêu cầu phải tập trung vào một chuyển động nào đó trên cơ thể mình, cho dù bạn làm đúng hay sai thì đây luôn là điều khó khăn đối với những người mới tập luyện. Nhưng nó không quá thách thức như bạn tưởng - bạn chỉ cần thời gian để làm quen. Với những hướng dẫn cơ bản dưới đây, bạn sẽ biết về những gì đang chờ đợi mình trong buổi tập Yoga đầu tiên của bạn.

TỔNG QUAN NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT:

A. Tuân Theo Những Điều Cơ Bản

B. Tất Cả Về Thực Hành Yoga

C. Hãy Thận Trọng Và Nhận Thức

D. Những Thuật Ngữ Về Yoga

E. Những Lợi Ích Của Yoga

A. TUÂN THEO NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

Những gợi ý này sẽ chuẩn bị cho bạn những điều cơ bản trước khi tham gia một lớp học Yoga. Việc hiểu rõ một vài quy tắc cơ bản sẽ giúp bạn có một chút tự tin trước khi bạn bước vào lớp học đó.

1. Quần Áo Và Phụ Kiện Phù Hợp

Quần Áo Và Phụ Kiện Phù Hợp

Thực hành Yoga không đòi hỏi bạn phải mặc bất cứ thứ gì trông lạ mắt. Tất cả những gì bạn cần là quần áo rộng rãi và thoải mái, chúng sẽ giúp bạn di chuyển cơ thể mình một cách dễ dàng. Các động tác căng giãn cơ thể liên quan đến một loạt các chuyển động của tay chân. Do đó, quần áo của bạn phải đủ rộng để cơ thể có thể di chuyển, và quần áo đủ chặt (không bị tuột) để tránh các tình huống xấu hổ.

Có thể bạn muốn đầu tư vào một tấm thảm yoga loại tốt. Nếu bạn chưa chắc chắn rằng liệu mình có thích tập luyện yoga hay không, hãy lựa chon một tấm thảm với mức giá thấp cho đến khi bạn gắn bó với Yoga. Một khi bạn yêu thích Yoga, bạn có thể đầu tư một tấm thảm phù hợp hơn, và tùy thuộc vào hình thức Yoga mà bạn lựa chọn. Một số phòng tập Yoga cung cấp thảm tập miễn phí hoặc bán với giá phù hợp.

2. Ăn Đúng Giờ

Ăn Đúng Giờ

Điều cần thiết là dạ dày của bạn phải trống rỗng trước khi bắt đầu buổi tập. Bạn phải có một khoảng cách từ 2 đến 4 giờ giữa bữa ăn cuối cùng và buổi tập của bạn. Tập luyện Yoga khi bụng no sẽ khiến bạn khó chịu.

3. Để Điện Thoại Và Giày Dép Bên Ngoài Phòng Tập

Để Điện Thoại Và Giày Dép Bên Ngoài Phòng Tập

Yoga được thực hành với đôi chân trần. Điều quan trọng là sự tiếp đất và kết nối với cơ thể bạn. Do đó, giày dép hoàn toàn không cần thiết. Hãy để chúng bên ngoài phòng tập.

Thực hành Yoga đòi hỏi bạn phải hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại và nhận thức đầy đủ về từng cảm giác mà bạn đang trải nghiệm. Khi điện thoại đổ chuông sẽ không chỉ làm bạn mất tập trung mà còn làm phiền những người xung quanh. Hãy để điện thoại ở chế độ im lặng trước khi bạn bắt đầu buổi tập Yoga.

4. Đừng Bỏ Cuộc Một Cách Hấp Tấp

Đừng Bỏ Cuộc Một Cách Hấp Tấp

Có thể lúc ban đầu bạn có đôi chút hứng thú với Yoga, nhưng sau khi tham gia buổi tập đầu tiên nó lại khiến bạn thất vọng. Rất đúng! Nhưng đừng đánh mất hy vọng! Hãy thử tập luyện ít nhất tại ba phòng tập với phong cách Yoga khác nhau, trước khi bạn quyết định rằng Yoga không phù hợp với mình.

Phần lớn sự thực hành Yoga phụ thuộc vào chất lượng giáo viên / huấn luyện viên mà bạn sẽ lựa chọn trong suốt hành trình Yoga của mình. Trên thực tế, điều cần thiết là được tập luyện Yoga dưới sự hướng dẫn của một giáo viên / huấn luyện viên có kinh nghiệm. Thật dễ hiểu, nếu bạn thích giáo viên này hơn giáo viên kia. Nhưng điều quan trọng là, kết nối và hiểu được người sẽ hướng dẫn cho bạn.

Đừng bao giờ ngần ngại hỏi giáo viên / huấn luyện viên hoặc nhân viên của phòng tập Yoga nếu bạn cần làm rõ về bất cứ điều gì. "Hãy tìm rồi bạn sẽ thấy!".

B. TẤT CẢ VÊ THỰC HÀNH YOGA

Bạn đã có một cái nhìn thoáng qua về những điều cần thiết. Bây giờ, sẽ là những gợi ý hữu ích để bạn biết những gì chờ đợi mình từ thực hành Yoga, và cách tiếp cận của bạn với Yoga nên như thế nào?

5. Hãy Thực Hành Yoga Cho Chính Bản Thân Bạn

Hãy Thực Hành Yoga Cho Chính Bản Thân Bạn

Yoga mang đến cho bạn cơ hội cần thiết để thay đổi. Đây là khoảng thời gian dành cho bản thân bạn. Bạn sẽ nhận thấy rằng, mình trở thành một người hướng nội. Sự tập trung tâm trí hướng vào bên trong bản thân bạn, giống như đó là một thực thể để bạn nhận thức. Bạn sẽ nhận thức về điều này ngày càng nhiều hơn khi tiếp tục thực hành Yoga. Hãy tận hưởng những cảm nhận tốt đẹp và hãy trải nghiệm để khám phá những điều mới mẻ về bản thân mình mỗi khi bước lên thảm tập. Cơ thể của mỗi người đều khác biệt, vì vậy hãy làm những gì mà bạn cảm tốt nhất cho chính bản thân mình.

6. Hãy Để Cho Bản Thân Bạn Thư Giãn

Hãy Để Cho Bản Thân Bạn Thư Giãn

Điều đáng buồn là, trong cuộc sống xô bồ và hối hả hàng ngày chúng ta thường coi thư giãn là một sự xa xỉ. Nghỉ ngơi và thư giãn là điều cần thiết. Tạo ra sự tĩnh lặng hoặc cân bằng trong cuộc sống là điều thiết yếu. Thực hành Yoga giúp giải tỏa sự căng thẳng bị tích tụ trong cơ thể, tâm trí và giúp bạn thư giãn.

Ngoài ra, hãy dành thời gian để nghỉ giữa các tư thế nếu bạn cảm thấy cần thiết. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy một tư thế đòi hỏi nhiều sức mạnh nhưng cơ thể bạn lại muốn nghỉ ngơi, hãy trở về Balasana hay tư thế Em Bé để thư giãn. Hãy lắng nghe cơ thể bạn!

7. Hãy Chú Ý Đến Hơi Thở Của Bạn

Hãy Chú Ý Đến Hơi Thở Của Bạn

Các tư thế Yoga và hơi thở luôn được kết hợp với nhau. Bắt buộc bạn phải tập trung vào hơi thở của mình và phối hợp cùng các động tác mỗi khi bạn hít vào và thở ra. Hơi thở giúp bạn tập trung tâm trí và thư giãn cơ thể. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng khi nhận thức được hơi thở trong từng chuyển động của cơ thể.

8. Hãy Thúc Đẩy Bản Thân, Nhưng Đừng Ép Buộc Bạn Phải Đạt Được Tư Thế

Hãy Thúc Đẩy Bản Thân, Nhưng Đừng Ép Buộc Bạn Phải Đạt Được Tư Thế

Bạn phải lắng nghe cơ thể mình. Mặc dù điều quan trọng là thúc đẩy bản thân để tiến bộ, nhưng nếu cơ thể bạn nói không, hãy lắng nghe nó và dừng lại ngay lập tức! Thực hành Yoga là để giải thoát khỏi sự kìm hãm, chứ không phải để chịu đựng sự đau đớn. Hơn nữa, bạn cần phải tiến bộ một cách từ từ. Có thể bạn chưa thực hiện được một tư thế một cách trọn vẹn, nhưng bạn sẽ đạt được nó trong tương lai. Điều quan trọng là phải thực hiện từng tư thế với quyết tâm và sự kiên trì. Điều này giúp tạo nên tính cách bản thân bạn không chỉ trên thảm tập mà cả trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi tư thế đều có các biến thể và tư thế nâng cao. Nếu bạn chưa thực hiện được đúng tư thế hiện tại, bạn không nên chuyển sang các tư thế tiếp theo.

Hơn nữa, hãy nhớ rằng chấn thương là một thực tế, và nó xảy ra trong thực hành Yoga. Hãy thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên / huấn luyện viên, hãy lắng nghe cơ thể bạn để giảm thiểu mọi rủi ro.

9. Không So Sánh

Không So Sánh

Đừng bao giờ so sánh bản thân bạn với những học viên khác. Yoga là một thực hành không ganh đua. Chỉ nên nhận thức về khả năng của chính mình.

Bất cứ ai cũng có thể thực hành Yoga, không phân biệt tuổi tác, thể lực, sức khỏe, v.v... Điều quan trọng phải hiểu rằng, Yoga là một hành trình lâu dài chứ không phải mục tiêu phải đạt được. Tất cả những gì về Yoga là sự kết hợp của tâm trí, cơ thể và tinh thần. Hãy tập trung vào điều đó, và không chú ý vào những gì hoặc cách người bên cạnh bạn tập luyện.

10. Yoga Có Thể Là Một Thực Hành Mạnh Mẽ - Nhưng Không Nhất Thiết Phải Như Vậy

 Yoga Có Thể Là Một Thực Hành Mạnh Mẽ - Nhưng Không Nhất Thiết Phải Như Vậy

Mọi người xung quanh bạn đều đa dạng, trong khi một số người thích tập luyện nhanh với cường độ cao, thì những người khác lại thích hình thức tập luyện nhẹ nhàng, chậm rãi. Thực hành Yoga là một loạt các tư thế căng giãn, và tùy thuộc vào những gì bạn muốn. Bạn có thể chọn các hình thức Yoga nhịp độ nhanh như, Bikram Yoga, Hot Yoga, Vinyasa hay Ashtanga Yoga, hoặc các hình thức Yoga nhịp độ chậm như, Yin Yoga, Iyengar Yoga hoặc Kundalini Yoga. Cho dù bạn chọn hình thức Yoga nào, thì lợi ích sẽ vẫn như nhau. Yoga có thể đáp ứng cho tất cả mọi người! Hãy dành chút thời gian để tìm hiểu về nó và bạn sẽ có câu trả lời.

11. Bạn Không Cần Phải Trở Thành Người Siêu Dẻo

 Bạn Không Cần Phải Trở Thành Người Siêu Dẻo

Có thể bạn sẽ cảm thấy 'Sợ' khi nghĩ đến Yoga, điều đơn giản vì bạn không đủ mạnh mẽ hay mềm dẻo, thậm chí bạn còn không dám mơ tưởng về việc thực hiện được "Tư Thế Yoga Tám Góc" (Astavakrasana), hoặc bất cứ tư thế nào mà người bên cạnh bạn có thể thực hiện.

Tuy nhiên, bạn đang tham gia một lớp học Yoga để trở nên mạnh mẽ và mềm dẻo, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết. Chẳng có ai để ý đến bạn!

Bạn nên nhớ rằng thực hành Yoga không nhằm đạt được các hình thức bên ngoài. Một phòng tập Yoga điển hình có thể không có gương. Đây là vì mục đích để bạn tập trung vào sự căng giãn và cảm nhận cơ thể mình, chứ không phải những gì bạn nhìn thấy.

C. HÃY THẬN TRỌNG VÀ CẢM NHẬN CƠ THỂ

Sau đây là một vài điểm cần lưu ý. Hãy công khai và minh bạch về bất kỳ vấn đề gì ngay từ đầu. Chỉ khi nào giáo viên / huấn luyện viên biết trước vấn đề của bạn, họ sẽ giúp đỡ và hướng dẫn bạn.

12. Hãy Cho Giáo Viên Của Bạn Biết

 Hãy Cho Giáo Viên Của Bạn Biết

Hãy thông báo cho giáo viên / huấn luyện viên về những chấn thương và bệnh tật của bạn, để đảm bảo rằng việc thực hành của bạn được an toàn. Nếu bạn bị huyết áp cao, bệnh tim hoặc chóng mặt, thì giáo viên / huấn luyện viên của bạn cần phải biết những điều này. Những chứng bệnh này có thể chống chỉ định đối với một số tư thế Yoga, và bạn sẽ được hướng dẫn thực hành một số tư thế nhất định đã được sửa đổi dành cho bạn.

Hơn nữa, vì bạn là người mới tập luyện, việc căng giãn có thể khiến cơ thể bạn phản ứng theo những cách nhất định. Hãy chú ý những cảm nhận của cơ thể bạn. Nếu bạn cảm thấy bất cứ điều gì khó chịu, hãy cho giáo viên / huấn luyện viên của bạn biết. Ngoài ra, bạn sẽ nhận thấy rằng, cơ thể mình đang chầm chậm khai thông những khu vực mà trước kia chưa được khai thông!

13. Thực Hành Yoga Trong Thời Kỳ Kinh Nguyệt Và Mang Thai

Thực Hành Yoga Trong Thời Kỳ Kinh Nguyệt Và Mang Thai

Trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn, nên tránh các tư thế đảo ngược của Yoga.

Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai và muốn bắt đầu tham gia một lớp học Yoga, thì trước hết hãy tham khảo ý kiến của ​​bác sĩ. Hãy cân nhắc các lớp học "Yoga Trước Khi Sinh" dành cho phụ nữ . Nếu bạn đang tập luyện Yoga rồi, hãy cho giáo viên / huấn luyện viên của bạn biết một khi thai kỳ đã được bác sĩ xác nhận. Giáo viên / huấn luyện viên có thể sửa đổi một số tư thế để việc luyện tập của bạn được thoải mái và phù hợp hơn. Các kỹ thuật thiền định và thư giãn được khuyến khích vì chúng rất có lợi cho cả người mẹ và thai nhi.

Tham khảo thêm: Tập yoga thế nào trong ngày “đèn đỏ”?

D. THUẬT NGỮ YOGA

Điều quan trọng là bạn phải biết một số thuật ngữ Yoga cơ bản mà giáo viên / huấn luyện viên có thể sử dụng chúng. Chắc chắn rằng, khi bạn tham gia một lớp học Yoga mà nó đã tập luyện được một thời gian, thì thế nào giáo viên / huấn luyện viên cũng sẽ sử dụng các thuật ngữ đó. Nếu bạn biết những thuật ngữ này, bạn sẽ không bị sai sót trong thực hành.

14. Asana

 Asana

Một tư thế Yoga được gọi là Asana. Đó là một từ tiếng Phạn.

15. Một Hơi Thở Yoga Trọn Vẹn

Một Hơi Thở Yoga Trọn Vẹn

'Một Hơi Thở Yoga Trọn Vẹn' đặc trưng là, khi bạn hít vào sâu, nhưng không ráng sức. Trước hết hơi thở đi vào khoang phổi bên dưới, qua đó làm cho bụng của bạn phình lên rõ rệt. Sau đó, hơi thở tiếp tục lấp đầy phần giữa của phổi, đồng thời bạn sẽ cảm thấy hai bên xương sườn mở rộng ra. Cuối cùng bạn đưa không khí lên khoang phổi trên cùng, do đó bạn sẽ cảm thấy ngực mình nâng lên. Với 'Một Hơi Thở Yoga Trọn Vẹn' bạn hít đầy dung tích phổi của mình, rồi thở ra từ từ và thư giãn.

Hãy thực hiện như vậy đối với mọi hơi thở trong cuộc sống của chúng ta, đây là điều cần thiết. Thật may mắn! Yoga cho chúng ta cơ hội để thực hiện như vậy.

16. Pranayama

Pranayama

Pranayama - Kỹ Thuật Thở hay Năng Lượng Sống (Prana), bao gồm các kỹ thuật thở Yoga. Những phương pháp này được sử dụng như công cụ hữu hiệu cho cả việc kiểm soát căng thẳng cũng như trong việc chuẩn bị tâm trí để thiền định.

17. Thiền Định

Thiền Định

Thông qua thực hành thiền định, bạn đạt được sự tĩnh lặng của tâm trí. Các kỹ thuật trong thực hành thiền định có thể được sử dụng để phát triển sự chú ý, tăng cường sự tập trung và khả năng tập trung tư tưởng của bạn, và thư giãn một cách trọn vẹn. Bằng thực hành thiền định, bạn có thể khắc phục trạng thái tâm trí vọng động một cách dễ dàng.

18. Yoga Nidra

Yoga Nidra

Yoga Nidra - Yoga Ngủ (Trạng thái tâm trí giữa thức và ngủ) là một kỹ thuật nữa của Yoga giúp bạn thư giãn sâu. Nó tác động lên các cấp độ thể chất, tinh thần và trí tuệ, giúp bạn phát triển và làm sâu sắc thêm sự bình an trong tâm hồn mình. Đây là một kỹ thuật mà tất cả chúng ta có thể sử dụng để thấm nhuần sự bình an vào trong cuộc sống căng thẳng của mình.

E. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA YOGA

Tốt lắm! Chúng tôi đã cung cấp tất cả mọi thứ, từ những gì bạn cần cho một lớp học Yoga cho đến thực hành và một số thuật ngữ Yoga cơ bản. Nhưng Yoga có tác dụng như thế nào? Chà! Trong phần này, chúng ta sẽ nói về những lợi ích tuyệt vời của việc thực hành mà một số người gọi là, "Bí quyết của cuộc sống".

19. Yoga Không Chỉ Cải Thiện Sức Khỏe Mà Còn Cả Chất Lượng Cuộc Sống Của Bạn

Yoga Không Chỉ Cải Thiện Sức Khỏe Mà Còn Cả Chất Lượng Cuộc Sống Của Bạn

Đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải kiên nhẫn khi tập luyện Yoga. Thực hành Yoga không thu được kết quả trong một ngày, sau khi bạn bắt đầu tập luyện khoảng một tháng, bạn sẽ nhận thấy những kết quả đáng kể, và sau đây là một số lợi ích của Yoga.

1. Giảm căng thẳng

2. Cải thiện, tăng cường vóc dáng

3. Tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh cơ thể

4. Phục hồi hệ hô hấp

5. Tư duy sáng suốt

6. Lòng tự trọng được nâng cao

7. Cân nặng lý tưởng (tương ứng với chiều cao, giới tính và độ tuổi)

8. Tăng mức năng lượng

9. Tâm hồn bình an và hạnh phúc

20. Đừng Thực Hành Yoga Một Cách Quá Nghiêm Khắc

 Đừng Thực Hành Yoga Một Cách Quá Nghiêm Khắc

Khi tôi phát biểu như vậy, không có nghĩa là bạn không tập luyện với sự quyết tâm, điều đó chỉ có nghĩa là bạn phải có niềm vui trong thực hành. Hãy tận hưởng hành trình dài và không bao giờ kết thúc này, để cải thiện tính linh hoạt và thúc đẩy các cơ bắp của bạn. Yoga không phải là bộ môn tập luyện thụ động - hãy tận hưởng nó và chú ý đến mọi chuyển động mà bạn đang thực hiện. Hãy tiếp tục học hỏi và mở mang kiến thức, nhưng điều quan trọng nhất là, luôn luôn mỉm cười trong thực hành Yoga hàng ngày của bạn.

Có thể bạn quan tâm: Chán nản thực hành Yoga? 6 cách để thêm gia vị, hăng say luyện tập.

Tác giả: Shirin Mehdi | Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: