-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
20 Thuật ngữ Yoga quan trọng mà mọi Yogi nên biết
29/03/2022 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
20 thuật ngữ yoga này thường được sử dụng. Có thể bạn đã từng nghe ai đó nhắc đến chúng nhưng bạn không hiểu rõ về ý nghĩa của những thuật ngữ này. Đôi khi chúng có thể khiến cho bạn gặp đôi chút bối rối và không thể tập trung vào các asana / tư thế của mình.
1. Abhyasa
- Cách phát âm: [A-bh-yaa-ss]
- Ý nghĩa: Thực hành Tâm linh (Spiritual Practice)
Abhyasa là một trong những trụ cột của thực hành yoga đã được Bậc thầy Maharishi Patanjali giảng dạy. Abhyasa để đạt được trạng thái của Yoga và đưa tâm trí đạt đến trạng thái yên tĩnh. Yoga có nghĩa là: "Làm lắng dịu những làn sóng dao động và hỗn loạn của tâm trí". Điều này có thể đạt được bằng Thực hành Tâm linh - Abhyasa hoặc nền tảng khác của yoga là "Vairagya" (không dính mắc - non-attachment).
2. Asana
- Cách phát âm: [Ah- sun]
- Ý nghĩa: Tư thế ngồi
Cách giải thích ban đầu của từ “Asan,” hoặc “Asana,” hoặc “Tư thế yoga” - đây là một tư thế ngồi thoải mái có thể được duy trì trong khoảng thời gian dài khi thực hành thiền định. Những tư thế khác nhau sau này đã được phát triển để nâng cao các chức năng của cơ thể. Ngày nay, thuật ngữ Asan hoặc Asana được coi là một hậu tố / tiếp vị ngữ (suffix) cho tên tiếng Phạn của mỗi tư thế yoga. Ví dụ: Baddha Konasana (Tư thế Con Bướm - Butterfly Pose)
3. Atman
- Cách phát âm: [Aat- maa]
- Ý nghĩa: Linh hồn
Atman là Bản thể Tâm linh, hay Tinh thần, nó là vô hạn và siêu ý thức. Đó là bản chất hay danh tính thực sự của chúng ta. Đôi khi, sự khác biệt được tạo ra trong mỗi cá thể và Atman được gọi là "Bản ngã", nhưng "Parama-atman" là trong bối cảnh rộng lớn hơn bao gồm tất cả sự sống và thiên nhiên hoặc "thực thể tối cao" (ultimate reality) hay Thượng đế.
4. Ashta-anga-yoga, Ashtanga yoga
- Cách phát âm: [Ash-thang-ga]
- Ý nghĩa: Sự kết hợp tám chi (của yoga).
Nghĩa đen của thuật ngữ này có nghĩa là “tám chi của yoga” hoặc “con đường khoa học của yoga”. Nó đã được Bậc thầy Maharishi Patanjali đề cập trong Kinh điển Yoga Sutras.
Một người khao khát theo đuổi thực hành yoga sẽ được giảng dạy và hướng dẫn thực hành theo tám chi, để đạt được các nấc thang / chi của yoga. Họ sẽ phát triển bản thân để trở thành một người với tinh thần mạnh mẽ. Tám chi yoga của Patanjali là: Yama, Niyama, Asana, Pranayama, Pratyahara, Dharana, Dhyana và Samadhi.
5. Avidyā
- Cách phát âm: [A-vid-ya]
- Ý nghĩa: Sự ngu dốt, ảo tưởng
Avidya là bức màn che mờ trí tuệ, đó là sự thiếu hiểu biết, hoặc ảo tưởng của bản thân. Khi chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi về tất cả những gì được coi là “vĩnh cửu” trong cuộc sống. Chúng ta bắt đầu nhận thức về vẻ đẹp và ý nghĩa thực sự của cuộc sống, sự chuyển động, biến đổi không ngừng và dòng chảy liên tục của cuộc sống. Chúng ta bắt đầu vén bức màn Ảo tưởng Avidya để thoát ra khỏi trạng thái mê lầm mà chúng ta đang sống.
6. Bandha
- Cách phát âm: [Ban-dh]
- Ý nghĩa: Sự ràng buộc / Trói buộc
Trong tiếng Phạn, "bandha" có nghĩa là "khóa", "giữ chặt", hoặc "thắt chặt". Thuật ngữ này cũng đề cập đến việc khóa năng lượng bên trong chính nó. Trong yoga, các "khóa năng lượng - bandhas" được thực hiện bằng cách ép nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ lên các vùng cơ thể nhất định. Do đó, năng lượng prana hoặc sinh lực sống được giữ lại trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Mula Bandha - Khóa Hậu môn, Jalandhara Bandha - Khóa Cổ họng, Uddiyana Bandha - Khóa Bụng.
7. Chakra
- Cách phát âm: [ch-kr]
- Ý nghĩa: Bánh xe năng lượng / Luân xa
Người ta tin rằng trong cơ thể vi tế hoặc cơ thể prana, hay cơ thể năng lượng của con người có những điểm mà năng lượng prana và các dây thần kinh đan chéo và gặp nhau. Những giao điểm này trở thành trung tâm năng lượng mạnh mẽ, còn được gọi là “chakra - luân xa”. Trong các Kinh điển yoga nói rằng, chúng ta có vô số luân xa trong cơ thể vi tế của mình, nhưng có bảy luân xa chính. Đó là: Luân xa Gốc - Mooladhar, Luân xa Xương cùng - Svadishthan, Luân xa Búi mặt trời - Manipura, Luân xa Tim - Anahata, Luân xa Cổ họng - Vishuddhi, Luân xa Con mắt thứ 3 - Ajna và Luân xa Vương miện - Sahasrara.
8. Chin Mudra
- Cách phát âm: [chinn / mu-drah]
- Ý nghĩa: Dấu ấn của ý thức
“Chin” trong tiếng Phạn có nghĩa là ý thức, và mục đích của Ấn (Mudra) này là để nhắc nhở người thực hành về mục đích và lối sống của yoga mà họ đang theo đuổi. Đó là sự hòa hợp linh hồn của cá thể với linh hồn tối cao, từ "Mudra" có nghĩa là dấu ấn / thể hiện. Nó là một cử chỉ tràn đầy năng lượng và sức mạnh tinh thần để kiểm soát dòng chảy năng lượng prana trong cơ thể. “Chin Mudra” được thực hiện bằng cách nối hai đầu tay ngón trỏ và ngón cái lại với nhau, giữ cho ba ngón còn lại ngay thẳng và đặt bàn tay nhẹ nhàng lên trên đầu gối, lòng bàn tay hướng lên trên khi chúng ta thực hiện tư thế ngồi. Tư thế bàn tay này tạo ra những "khóa ngón tay thần kinh-tâm lý" nhất định để giữ cho chúng ta luôn trong trạng thái tập trung tâm trí cao độ.
9. Drishti
- Cách phát âm: [drish-ti]
- Ý nghĩa: Nhìn chằm chằm hoặc tập trung
"Drishti" trong tiếng Phạn, ngụ ý là duy trì sự tập trung hoặc duy trì ánh nhìn của bạn trong khi thực hiện tư thế yoga nào đó. Drishti giống như một "Tiêu điểm" để chú tâm, nó cho phép chúng ta cân bằng cơ thể và tâm trí. Hướng ánh mắt ra bên ngoài vào bất kỳ điểm nào, đồng thời giữ một tư thế yoga, đây là cách tốt nhất để tạo nên sự tập trung bên trong tâm trí. Hai tư thế yoga thường sử dụng Drishti / Tiêu điểm là tư thế Cái cây - Vriksasana và Tư thế chiến binh - Warrior Pose.
10. Hatha Yoga
- Cách phát âm: [haa-tha, hoặc hutt]
- Ý nghĩa: Yoga Mạnh mẽ
Từ “Hatha” có nghĩa là chủ tâm hoặc mạnh mẽ. Tuy nhiên, mọi người thường lầm tưởng rằng “Ha” và “Tha” có nghĩa là năng lượng "Mặt trời" và "Mặt trăng". Hatha yoga bao gồm một tập hợp các bài thực hành thể chất và các chuỗi các tư thế được tạo ra để điều chỉnh các cơ bắp và xương khớp. Các tư thế yoga cũng được tác động để khai thông các kênh năng lượng Nadis của cơ thể, đặc biệt là làm cho cột sống trở nên linh hoạt, giúp năng lượng trong cơ thể lưu thông dễ dàng.
11. Jnana Yoga
- Cách phát âm: [ñāṇa]
- Ý nghĩa: Yoga của Trí tuệ
Jnana Yoga còn được gọi là Gyana Yoga, là yoga của tri thức hay trí tuệ đích thực. Jnana yoga tìm hiểu về sự thật, sự tồn tại và trải nghiệm cuộc sống của chúng ta. Sự nhận thức đầy đủ về sự thật này mang lại giác ngộ. Trước kia, một số người được gọi là "Gyan Yogis", họ không thích thực hiện các tư thế yoga thể chất, mà thay vào đó là thực hành thiền định và chiêm nghiệm về ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Họ muốn sử dụng trí tuệ của mình để xóa bỏ những ảo tưởng của cuộc sống. Điều này có thể tốt với họ. Nhưng Kinh điển yoga cảnh báo chúng ta rằng, linh hồn ngự trị bên trong cơ thể vật chất, vì vậy cơ thể cũng phải được thanh lọc và tăng cường sức mạnh. Chúng ta cần phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần và tâm hồn.
12. Mantra
- Cách phát âm: [Mn-tr]
- Ý nghĩa: Lời nói Thiêng liêng
Mantras (Thần Chú) là những âm thanh thiêng liêng, những bài thánh ca hoặc những cụm từ như OM, HUM, hoặc Om Namah Shivaya. Tất cả đều có tác dụng chuyển hóa tâm trí của người tụng niệm nó. Bởi vì, năng lượng được tạo ra từ chuỗi âm thanh này rất tích cực và mạnh mẽ. Những câu thần chú không giống như những bài hát mà chúng ta sáng tác. Người ta tin rằng thần chú là năng lượng âm thanh huyền bí luôn hiện hữu trong vũ trụ. Vì vậy, việc phát âm đúng các câu thần chú là rất quan trọng.
13. Moksha
- Cách phát âm: [Mok-sha]
- Ý nghĩa: Tự do
Đây là trạng thái tự do thoát khỏi vô minh và những ảnh hưởng bị ràng buộc của nghiệp lực. Tự do thoát khỏi tình trạng bị mắc kẹt trong cơ thể vật chất, tự do thoát khỏi vòng sinh tử và luân hồi vô tận. Nó còn được gọi là Mukti (thoát khỏi thế giới phân biệt - freedom from the differentiated) hoặc Kaivalya (giải thoát - liberation).
14. Mudra
- Cách phát âm: [mu-draa]
- Ý nghĩa: Dấu ấn
Mudra (Ấn) là cử chỉ tay hoặc cử chỉ (tư thế) toàn thân tác động đến dòng chảy năng lượng prana của cơ thể. Các điệu múa cổ điển của Ấn Độ sử dụng nhiều động tác múa tay. Yoga sử dụng bàn tay và cơ thể để gợi lên tâm trạng hoặc trạng thái tâm trí hướng nội cụ thể. Điều này làm sâu sắc thêm hiệu quả của việc thực hành tư thế yoga, để cải thiện sức khỏe. Ấn cũng có tác động làm tăng hoặc giảm các yếu tố khác nhau bên trong cơ thể chúng ta. Bởi vì, các loại Ấn khác nhau sẽ bao gồm các nguyên tố - Đất, Nước, Lửa, Không khí và Không gian (ête), được kết hợp theo những cách khác nhau.
15. Prakriti
- Cách phát âm: [Pr-kri-ti]
- Ý nghĩa: Tính chất
Prakriti có nghĩa là một tính chất với nhiều cấp độ, trạng thái sau nối tiếp trạng trước. Thông thường, khi Prakriti được truyền vào ý thức thuần khiết, thì nó được gọi là Purusha (linh hồn cá thể). Purusha có nghĩa đen là “đàn ông” và Prakriti là năng lượng sáng tạo của phụ nữ. Hai khía cạnh này đối lập và bổ sung cho nhau trong vạn vật của Vũ trụ.
16. Pranayama
- Cách phát âm: [pra-na-ya-maa]
- Ý nghĩa: Mở rộng Sụ sống / Hơi thở
Từ này là sự kết hợp của hai từ tiếng Phạn, "Prana" có nghĩa là năng lượng sống thiết yếu, và "Ayama" có nghĩa là kiểm soát / điều khiển. Do đó, Pranayama điều khiển các kênh năng lượng Nadis hoặc kiểm soát năng lượng sống. Nó là chi thứ tư hay còn gọi là phương pháp thực hành (Anga) trong Bát chánh đạo của Kinh điển Patanjali. Một cách phổ biến hơn, chúng ta thường gọi Pranayama là bài tập hít thở của yoga.
17. Samadhi
- Cách phát âm: [sa-maa-dhi]
- Ý nghĩa: Phúc lạc siêu thoát khỏi tâm trí
Samadhi (Định) Yoga xảy ra khi chúng ta vượt qua tâm trí, hoặc vượt qua những giới hạn của tâm trí và hợp nhất với Cội Nguồn Linh thiêng. Chúng ta có thể có một cái nhìn thoáng qua về Samadhi Yoga thông qua hơi thở có ý thức (Pranayama) kết hợp với các tư thế yoga đơn giản (Asana). Các Bậc thầy Yogi tin rằng, phải trải qua nhiều kiếp sống bằng thân xác của con người để đạt được Samadhi.
18. Shanti
- Cách phát âm: [shan-tee]
- Ý nghĩa: Bình yên
Tụng câu “Om Shanti, Shanti, Shanti,” như một lời cầu nguyện cho sự bình yên. Truyền thống Phật giáo và Ấn Độ giáo tin rằng tụng Shanti ba lần sẽ đem lại sự bình yên bên trong lời nói, cơ thể và tâm trí.
19. Tattva
- Cách phát âm: [tat-wa]
- Ý nghĩa: Điều kiện, nguyên tắc, thực tế hoặc sự thật
Tattwa đề cập đến năm nguyên tố mà cơ thể chúng ta được tạo thành. Tattwa cũng đề cập đến năm nguyên tố mà chúng ta được cấu tạo từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Kinh điển yoga nói về 5 Tattvas, đó là: Đất (Prithvi), Nước (Jal), Lửa (Agni), Không khí (Vayu) và Không gian (Akaash).
20. Ujjayi
- Cách phát âm: [ooh-jah-yee]
- Ý nghĩa: Hơi thở chiến thắng (Victorious breathing)
Đây là một thuật ngữ thường được nghe trong lớp học yoga. Bạn thực hiện "Hơi thở Ujjayi" khi bạn hít vào sâu bằng mũi và thở ra hoàn toàn bằng mũi. Trong quá trình này, phổi của bạn sẽ thải hết không khí ra ngoài. Mặc dù thở bằng mũi, nhưng bạn phải thắt chặt vùng cổ họng và như thể hơi thở đang ra vào qua cổ họng. Khi chúng ta thở như vậy, hơi thở phát ra âm thanh khàn khàn trong cổ họng. Sau khi thành thạo, bạn sẽ thấy rằng đó là một cách vô cùng nhẹ nhàng để hít thở. Hơn nữa, nó làm lắng dịu hệ thần kinh. Có nghĩa là "Hơi thở Ujjayi" giúp bạn ổn đình tâm trí bằng cách tập trung vào hơi thở của mình, điều này cho phép bạn giữ tư thế lâu hơn.
Có thể bạn quan tâm: Những danh xưng, tên hiệu và tên linh thiêng trong yoga
Tác giả: Priyanka Kapahi - Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.