-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hơi thở Mặt trời - Surya Bheda Pranayama
29/12/2020 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Hơi Thở Mặt Trời (Surya Bheda / Bhedana Pranayama - Right Nostril Breathing) là một trong những Kỹ Thuật Thở (Pranayama) quan trọng, nó thường được kết hợp với Giữ Hơi Thở (Kumbhaka). "Surya" có nghĩa là "Mặt Trời". Trong Hơi Thở Mặt Trời, Kênh Năng Lượng Mặt Trời (Surya Nadi) hoặc kênh năng lượng lỗ mũi bên phải được kích hoạt. Hơi Thở Mặt Trời đã được đề cập trong các văn bản Yoga, như: Hatha Yoga Pradeepika và Gheranda Samhita.
Trong Yoga, kênh năng lượng lỗ mũi bên phải hoặc Surya Nadi, còn được gọi là "Kênh Năng Lượng Mặt Trời - Pingala Nadi". Bởi vì, nó liên quan đến năng lượng Prana và các chức năng của cơ thể. Đồng thời, kênh năng lượng lỗ mũi bên trái hoặc 'Kênh Năng Lượng Mặt Trăng - Chandra Nadi", nó liên quan đến tâm trí. Trong lúc thực hành Hơi Thở Mặt Trời, việc hít vào luôn được thực hiện bằng lỗ mũi bên phải và luôn thở ra bằng lỗ mũi bên trái. Điều này được cho là để kích hoạt tất cả các chức năng của cơ thể.
Hơi Thở Mặt Trời được xếp vào loại thực hành "Kumbhaka" hoặc thực hành liên quan đến việc "Giữ Hơi Thở". Hơi thở được giữ ở mức giới hạn tối đa tùy thuộc vào khả năng của mỗi người (cảm giác thoải mái). Thực hành Giữ Hơi Thở hay nín thở là một thực hành nâng cao. Bạn nên học hỏi từ một Yogi có trình độ. Những người bị bệnh tim và gặp các vấn đề về huyết áp, họ không nên thực hiện các kỹ thuật giữ hơi thở mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Kỹ Thuật Thở (Pranayama) này không nên thực hiện ngay sau bữa ăn. Nên giữ khoảng cách ít nhất từ 4 - 5 giờ sau bữa ăn.
1. Biện Pháp Phòng Ngừa Trong Thực Hành Hơi Thở Mặt Trời.
- Bạn có thể bắt đầu với bài tập Pranayama này ở cấp độ dễ, sau đó tiến tới cấp độ nâng cao. Nếu là người mới tập luyện Yoga, bạn thậm chí có thể thực hiện Hơi Thở Mặt Trời mà không cần Giữ Hơi Thở (Kumbhaka), và Khóa Cổ / Cằm (Jalandhara Bandha - Throat / Chin Lock). Thực hiện theo cách đơn giản này, sẽ làm cho bạn cảm thấy khỏe mạnh và thoải mái hơn. Khi đã tiến bộ hơn, bạn từ từ thêm kỹ thuật Giữ Hơi Thở vào trong thực hành của mình. (Khóa Cổ: Là gập cằm lại nên nó còn được gọi là Khóa Cằm)
- Những người đang gặp vấn đề về huyết áp cao không nên thực hành Pranayama này. Trước khi thực hiện bài tập Hơi Thở Măt Trời, những người đã trải qua phẫu thuật não, hoặc phẫu thuật tim nên tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia y tế, hoặc chuyên gia về Yoga. Luôn thực hiện Pranayama này một cách có phương pháp, và dưới sự giám sát của một người có kinh nghiệm.
2. Cách Thức Thực Hiện Hơi Thở Mặt Trời.
- Ngồi trong tư thế thiền định, tốt nhất là tư thế Hoa Sen (Padmasana - Lutus Pose), tư thế Ngồi Hoàn Thiện (Siddhasana - Accomplished Pose) hoặc tư thế Kim Cương (Vajrasana - Thunderbolt / Diamond Pose).
- Giữ cho thân mình và cột sống ngay thẳng, đặt hai tay trên đầu gối. Hít thở sâu và thư giãn trong vài hơi thở trước khi bắt đầu bài tập Pranayama này.
- Bây giờ, dùng bàn tay phải thực hiện Ấn Nasagra Mudra (xem hình), đặt ngón tay trỏ và ngón tay giữa lên trán giữa hai lông mày.
- Luôn sử dụng ngón tay đeo nhẫn để đóng-mở lỗ mũi bên trái, và ngón tay cái để đóng-mở lỗ mũi bên phải.
- Tiếp theo, dùng ngón đeo nhẫn để đóng lỗ mũi bên trái.
- Hít vào từ từ để làm đầy phổi bằng lỗ mũi bên phải.
- Đóng cả hai lỗ mũi (ngón tay cái đóng lỗ mũi bên phải và ngón tay đeo nhẫn đóng lỗ mũi bên trái) và giữ hơi thở.
- Trong lúc Giữ Hơi Thở, thực hiện Khóa Cổ / Cằm và Khóa Hậu Môn (Mola Bhandha - Root Lock).
- Giữ Hơi Thở trong thời gian mà bạn cảm thấy thoải mái. Trong các văn bản Yoga đã ghi chép rằng, "Yogi nên giữ hơi thở cho đến khi mồ hôi toát ra". Tuy nhiên, hãy thận trọng! Bởi vì, không bao giờ được lạm dụng kỹ thuật Giữ Hơi Thở.
- Thả Khóa Hậu Môn và Khóa Cổ / Cằm, rồi thở ra bằng lỗ mũi bên trái (Ida Nadi), đồng thời đóng lỗ mũi bên phải đóng bằng ngón tay cái.
- Đó là một vòng của Hơi Thở Mặt Trời. Hãy lặp lại càng nhiều vòng càng tốt. Bạn có thể bắt đầu với 5 vòng và sau đó tăng lên 10 vòng, hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian Giữ Hơi Thở (Kumbhaka) nên tăng dần lên một cách thận trọng. Một Yogi trình độ cao có thể thực hiện đến 80 vòng mỗi lần thực hành Pranayama này.
3. Những Lợi Ích Của Hơi Thở Mặt Trời.
- Hơi Thở Mặt Trời kích hoạt cơ thể và các chức năng của cơ thể.
- Làm tăng Lửa Tiêu Hóa (Agni - Digestive Fire).
- Chống lại tất cả các căn bệnh do thiếu ôxy trong máu gây ra.
- Trong kinh điển Gheranda Samhita ghi chép rằng, Hơi Thở Mặt Trời chống lại sự suy nhược và tử thần, đánh thức năng lượng Kundalini và làm gia tăng Lửa Tiêu Hóa (Agni - Digestive Fire).
- Trong kinh điển Hatha Yoga Pradeepika ghi chép rằng, Hơi Thở Mặt Trời làm sạch xoang trán, chữa trị các biểu hiện rối loạn của Năng lượng Vata (Vata Dosha) và loại bỏ giun đường ruột.
- Trong kinh điển Hatha Yoga Pradeepika cũng ghi chép rằng, bạn có thể thực hiện Khóa Bụng (Uddiyana Bandha - Abdominal Lock) bằng cách hóp bụng lại ở giai đoạn cuối của Giữ Hơi / Nín Thở (Kumbhaka). Điều này sẽ buộc năng lượng Prana phải đi vào Kênh Năng Lượng Trung Tâm (Sushumna Nadi). Nó khiến cho năng lượng Kundalini bị đánh thức.
Tham khảo thêm: Hơi thở Mặt trời - Mặt trăng và các thuộc tính của chúng.
Nguồn: Aviyoga Group | Biên soạn & tổng hợp: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.