Giỏ hàng
Tài khoản

Những nguyên tắc Ayurveda đối với các tư thế Yoga

calendar 03/04/2022 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Những nguyên tắc Ayurveda đối với các tư thế Yoga

"Hãy tạo một chuỗi tư thế Yoga được tùy chỉnh dựa trên các nguyên tắc của Ayurveda, để giữ cho tâm trí và cơ thể bạn cân bằng và khỏe mạnh." - Tiến sĩ Marc Halpern.

Yoga và Ayurveda là hai ngành khoa học gắn bó với nhau trong mối quan hệ chặt chẽ đến mức khó có thể tưởng tượng được rằng, có cái này mà không có cái kia. Ayurveda, có nghĩa là "Tri thức về cuộc sống", là nghệ thuật và khoa học cổ xưa để giữ cho cơ thể và tâm trí được cân bằng và khỏe mạnh. Trong khi đó, Yoga là môn khoa học và nghệ thuật cổ xưa nhằm chuẩn bị cơ thể và tâm trí trên hành trình hướng tới sự giải thoát và giác ngộ.

Giống như Ayurveda, Hatha Yoga giảng dạy những cách thức thực hành (asana, pranayama, thiền định) để giữ cho cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Cả Yoga và Ayurveda đều bắt nguồn từ các văn bản tiếng Phạn cổ xưa được gọi là "Kinh Vệ Đà". Theo học giả về Vệ Đà, Tiến sĩ David Frawley: "Trong giáo lý Vệ Đà, Yoga thiên về khía cạnh thực hành, trong khi đó Ayurveda tập trung vào khía cạnh chữa bệnh. Trong thực tế, cả hai đều có cùng một mục đích hỗ trợ cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người".

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA AYURVEDA

Theo Ayurveda, Năng lượng vũ trụ (Prana) biểu hiện dưới ba dạng năng lượng khác nhau, hay còn gọi là Dosha, ​​ba năng lượng này là Vata, Pitta và Kapha. Tất cả chúng ta đều được tạo thành từ sự kết hợp độc đáo của ba dạng năng lượng này.

1. Một Cách Tổng Quát: Ba Năng lượng (Tridoshas) này được cấu tạo từ năm nguyên tố: Đất (Prithvi), Nước (Jal), Lửa (Agni), Không khí (Vayu) và Không gian / Ête (Akaash).

  • Vata được cho là được tạo thành từ nguyên tố Không khí (Vayu) và Không gian (Akaash). Nó giống như gió, được cho là nhẹ, khô, mát và có khả năng chuyển động.
  • Pitta được cho là được tạo thành từ nguyên tố Lửa (Agni) và Nước (Jal). Phần lớn có yếu tố lửa. Nó nóng, nhẹ, không quá khô cũng không quá ẩm. Nó không tự di chuyển, nhưng có thể dễ dàng di chuyển nhờ gió (Vata).
  • Kapha được cho là được tạo thành từ nguyên tố Nước (Jal) và Đất (Prithvi), chúng kết hợp với nhau giống như Bùn. Kapha nặng, ẩm, mát và ổn định.

2. Ba Năng Lượng (Tridoshas) Biến Động Liên Tục: Khi chúng bị mất cân bằng, chúng ảnh hưởng đến các khu vực cụ thể trong cơ thể chúng ta theo những cách thức đặc trưng.

  • Khi Vata mất cân bằng (thường là dư thừa). Chúng ta dễ mắc các bệnh về ruột già, như táo bón và đầy hơi, cùng với các bệnh về hệ thần kinh, hệ miễn dịch và xương khớp.
  • Khi Pitta mất cân bằng (dư thừa). Chúng ta dễ mắc các bệnh về ruột non, như tiêu chảy, cùng với các bệnh về gan, lá lách, tuyến giáp, máu, da và mắt.
  • Khi Kapha mất cân bằng (dư thừa). Chúng ta dễ mắc các bệnh về dạ dày và phổi, đặc biệt là các bệnh về niêm mạc, cùng với các bệnh về Rối loạn chuyển hóa nước (Disorders of water metabolism), chẳng hạn như sưng tấy, phù nề.

Tham khảo thêm: Giải phẫu cơ thể năng lượng tinh tế trong khoa học Yoga

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO VATA

Các tư thế Yoga (asana) thích hợp nhất để giữ cân bằng cho năng lượng Vata là những tư thế có tác dụng làm lắng dịu cơ thể một cách tự nhiên, và những tư thế tiếp đất. Các tư thế này hỗ trợ những người bị mất cân bằng Vata hay nguyên tố “Không gian - Akaash”. Những người bị mất cân bằng Vata, họ có xu hướng bị kích động hoặc lo lắng. Những tư thế này giúp xoa dịu nỗi sợ hãi, lo lắng và hồi hộp, cũng như cải thiện tình trạng mất cân bằng Vata, các triệu chứng như táo bón, đau lưng và đau khớp.

Trong cơ thể, vùng bụng dưới, xương chậu và ruột già là nơi cư trú chính của năng lượng Vata. Vì vậy những tư thế Yoga này sẽ nén / ép vùng bụng dưới hoặc khiến vùng này được căng giãn. Ngoài ra, các tư thế Yoga này còn giúp tăng cường sức mạnh cho vùng lưng dưới để giúp làm giảm chứng đau nhức do mất cân bằng Vata.

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO VATA

1. Tư Thế Đứng Gập Người Về Trước (Uttanasana - Standing Forward Bend)

Đây là một tư thế đặc biệt dành cho năng lượng Vata. Đứng với hai chân rộng bằng vai. Hai cánh tay giơ cao qua đầu khi bạn vươn người lên. Giữ lưng thẳng, rồi từ từ gập người về phía trước từ hông, đồng thời bạn thở ra. Gập người về phía trước hết mức có thể. Tay của bạn có thể chạm sàn ở phía trước bàn chân của bạn. Hoặc, nếu bạn đủ linh hoạt, hãy nắm chặt hai gót chân của bạn. Đối với những người cơ thể kém linh hoạt, họ có thể đặt tay lên các khối gạch Yoga đặt trên sàn ngay trước mặt. Hãy để trọng lực cơ thể hỗ trợ trong việc kéo dài cột sống của bạn. Tất cả các tư thế đứng đều có xu hướng tiếp đất.

Lưu ý: Những người bị trấn thương vùng lưng dưới hãy thận trọng. Nếu lưng dưới bị kéo căng thì tình trạng mất cân bằng Vata sẽ trầm trọng thêm. Vì vậy, họ có thể thực hiện tư thế Ngồi Gập Người Về Trước (Paschimottanasana - Seated Forward Bend), nó cũng đem lại lợi ích tương tự nhưng dễ thực hiện hơn, nếu lưng bạn đang bị đau. Hãy luôn gập người từ hông của bạn.

2. Tư Thế Em Bé (Balasana - Child’s Pose)

Đây là một tư thế tuyệt vời nữa để nén / ép vùng xương chậu hay vùng năng lượng Vata. Ngồi thẳng lưng, gập hai đầu gối lại và hai gót chân đặt bên dưới mông. Gập người về phía trước từ hông cho đến khi đầu của bạn đặt trên sàn. Các tư thế nén / ép vùng xương chậu rất tốt cho chứng táo bón và chứng bụng đầy hơi mãn tính.

3. Tư Thế Anh Hùng Nằm Ngửa (Supta Virasana - Reclining Hero Pose)

Đây là một tư thế nữa rất tốt cho năng lượng Vata. Quỳ hai đầu gối trên sàn và mông đặt trên hai gót chân. Di chuyển chân ra bên cạnh khung chậu để mông trượt xuống giữa hai bàn chân. Nếu bạn đủ linh hoạt, hãy từ từ hạ lưng xuống sàn. Hai tay của bạn có thể đặt nằm ngang hoặc duỗi thẳng trên đầu để kéo dài cột sống. Trong trường hợp cơ thể bạn thiếu linh hoạt, hãy dùng chăn hoặc gối lót để hỗ trợ cho lưng của bạn.

Mặc dù tư thế này căng giãn và không nén / ép vùng xương chậu, nhưng nó tạo ra sự kéo giãn nhẹ cho cơ bụng dưới và cơ lưng dưới. Tác động kéo giãn này làm tăng áp lực trong vùng xương chậu, một lần nữa làm giảm bớt sự mất cân bằng Vata. Theo bác sĩ Ayurveda - Tiến sĩ Vasant Lad cho biết: "Tư thế này đặc biệt hữu ích trong việc điều trị các bệnh hen suyễn do mất cân bằng Vata".

4. TưThế Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose)

Đây cũng là tư thế mở rộng lưng dưới và tạo áp lực lên xương chậu. Nằm sấp với hai cánh tay đặt hai bên. Nâng đầu, vai và ngực của bạn lên khỏi thảm và uốn cong cả hai đầu gối. Đưa tay về phía sau và nắm lấy hai cổ chân. Bằng cách kéo hai chân, lồng ngực của bạn sẽ được nâng lên và trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên vùng xương chậu. Điều này rất cần thiết để giảm tối đa mức năng lượng Vata.

5. Tư Thế Anh Hùng (Virasana - Hero Pose), tư thế Dễ Dàng / Hoàn Hảo (Siddhasana - Easy Pose / Accomplished Pose) và tư thế Hoa Sen (Padmasana - Lotus Pose)

Đây là những tư thế rất hữu ích giúp xoa dịu tính chất dễ bị kích động của năng lượng Vata. Những tư thế thiền định này rất tốt để làm dịu hệ thần kinh, hỗ trợ điều trị bệnh lo âu, căng thẳng, đau thần kinh tọa và co thắt cơ. Tất nhiên, tư thế thư giãn nhất là tư thế Xác Chết (Savasana - Corpse Pose).

Những người có tính chất năng lượng Vata nên tránh các tư thế kích thích quá mức hệ thần kinh. Chẳng hạn như chuỗi Chào Mặt Trời (Sun Salutation) lặp đi lặp lại nhiều lần, và những và những tư thế gây áp lực quá mức lên các khớp xương nhạy cảm trên cơ thể. Chẳng hạn như điểm tiếp nối giữa đốt sống cổ với vùng bả vai.

Tại vị trí này, các đốt sống cổ nhô lên. Những người có tính chất năng lượng Vata hoặc Vata bị mất cân bằng, họ có xu hướng bị yếu xương, ít lớp mỡ đệm hơn, dây chằng lỏng lẻo hơn và dễ bị đau xương khớp hơn so với những người khác. Vì những lý do này, họ nên tránh tư thế như Đứng Trên Vai (Salamba Sarvangasana - Shoulder Stand) và tư thế Cái Cày (Halasana - Plow Pose). Điều cần thiết là nếu thực hiện các tư thế này, họ nên dùng một tấm chăn lót dưới vai để hỗ trợ. Điều này sẽ làm giảm độ uốn cong quá mức của đốt sống cổ. Mặc dù vậy, những người có có tính chất năng lượng Vata hoặc Vata bị mất cân bằng, họ không nên giữ những tư thế này trong thời gian quá lâu, nếu không họ có nguy cơ bị trấn thương.

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO PITTA

Các tư thế Yoga tốt nhất cho Pitta là những tư thế làm lắng dịu và không tăng nhiệt quá mức. Những người có tính chất năng lượng Pitta hoặc Pitta bị mất cân bằng, họ có xu hướng quyết đoán và mạnh mẽ. Các tư thế Yoga tĩnh tâm giúp xoa dịu tính chất mạnh mẽ của họ và làm giảm bớt những cảm xúc tức giận và bực bội mà họ dễ mắc phải. Bằng cách giảm bớt năng lượng Pitta, những tư thế này là một phần của việc điều trị các bệnh như loét / ung nhọt và tiết nhiều axít dạ dày, bệnh gan và mụn trứng cá.

Các tư thế Yoga giúp cân bằng pitta là những tư thế tạo áp lực lên vùng rốn và đám rối thần kinh mặt trời (solar plexus), vì ruột non là nơi năng lượng Pitta cư trú. Các tư thế này tác động trực tiếp đến gan và lá lách để giúp điều chỉnh sức mạnh của "Lửa Tiêu Hóa" (Agni - Digestive Fire).

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO PITTA

1. Tư Thế Lạc Đà (Ustrasana - Camel Pose)

Tư thế này rất có lợi cho Pitta. Qùy trên thảm tập Yoga, sau đó, đặt hai bàn tay lên mông của bạn. Tiếp theo, di chuyển đùi và xương chậu về phía trước, đồng thời mở rộng lồng ngực và phần lưng dưới, đặt hai tay lên gót chân. Nhẹ nhàng mở rộng cổ của bạn. Nhớ hít thở chậm đều. Tư thế này căng giãn vùng bụng, đám rối thần kinh mặt trời và mở ngực, nó cho phép năng lượng chuyển động tự do hơn trong các vùng cơ thể đang được căng giãn.

2. Tư Thế Rắn Hổ Mang (Bhujangasana - Cobra Pose) và tư thế Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose)

Đây cũng là những tư thế căng giãn đám rối thần kinh mặt trời tuyệt vời dành cho những người có năng lượng Pitta. Những tư thế này có thể đóng một vai trò trong việc điều trị chứng loét / u nhọt và bệnh viêm gan.

Để thực hiện Tư thế rắn hổ mang, hãy nằm sấp và úp hai mu bàn chân xuống và mở rộng mắt cá chân. Đặt bàn tay trên thảm tập với các ngón tay xòe rộng, gập khủy tay và khép lại bên thân mình, không khuỳnh sang hai bên. Khi hít vào, mở rộng khuỷu tay và từ từ nâng đầu, ngực và bụng lên khỏi thảm trong khi xương chậu vẫn giữ trên sàn. Đầu có thể được giữ ở vị trí trung lập hoặc hơi ngẩng lên.

Lưu ý: Đối với những người có tính chất năng lượng Pitta hoặc Pitta bị mất cân bằng, họ nên tránh tư thế Đứng Bằng Đầu / Trồng Chuối (Headstand). Bởi vì, Đứng Bằng Đầu làm nóng cơ thể, và phần lớn lượng nhiệt này tích tụ ở vùng đầu và mắt. Đôi mắt là một cơ quan được điều khiển chủ yếu bởi năng lượng Pitta. Vì lý do này, Đứng Bằng Đầu có thể sẽ làm trầm trọng thêm các bệnh về mắt. Nếu một người thuộc thể trạng Pitta không bị mất cân bằng nghiêm trọng, khi họ muốn thực hiện tư thế Đứng Bằng Đầu, thì chỉ nên giữ tư thế này trong một khoảng thời gian rất ngắn.

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO KAPHA

Để cân bằng tính chất nặng nề, chậm chạp, lạnh lẽo và trầm tĩnh của những người có năng lượng Kapha, hãy thực hành các tư thế có tính kích thích và làm nóng cơ thể nhiều hơn. Các tư thế Yoga phù hợp nhất với những cá nhân có tính chất Kapha hoặc Kapha bị mất cân bằng. Đây là những tư thế Yoga mở rộng lồng ngực. Bởi vì, bụng và ngực là những nơi tích tụ năng lượng Kapha. Trong lồng ngực, Kapha có dạng chất nhầy. Những tư thế này rất tốt để phòng ngừa và điều trị các tình trạng sung huyết như viêm phế quản và viêm phổi, cũng như các chứng co thắt như hen suyễn và khí phế thũng (emphysema).

CÁC TƯ THẾ YOGA CHO KAPHA

1. Tư Thế Lạc Đà (Ustrasana - Camel Pose) và Tư Thế Cây Cầu (Setu Bandha - Bridge Pose)

Đây là những tư thế Yoga hữu ích cho Kapha. Để thực hiện tư thế Cây Cầu, hãy nằm ngửa, hai tay để sang hai bên, lòng bàn tay hướng xuống sàn. Sử dụng khuỷu tay và cẳng tay của bạn để nâng cao xương chậu của bạn lên khỏi thảm, đồng thời giữ cho hai vai và hai bàn chân trên thảm. Cố gắng giữ nguyên vai của bạn và tăng chiều cao của xương chậu bằng cách nâng cao cả hai đùi và đẩy mông lên.

Những tư thế Yoga này cũng ảnh hưởng đến dòng chảy của năng lượng prana qua luân xa tim, hỗ trợ phát triển về lòng từ bi và tình yêu thương vô điều kiện.

Đối với những ngưới có tính chất năng lượng Kapha và Kapha bị mất cân bằng, khi thực hiện các tư thế Yoga làm dịu và thư giãn thì cũng phải cần được cân bằng bằng các tư thế khác có tính kích thích và làm nóng cơ thể. Những người thuộc tính chất năng lượng Kapha, các tư thế tăng cường sức mạnh là thích hợp nhất, vì các khớp và cơ bắp của họ có xu hướng ổn định và khỏe mạnh. Vì vậy, tăng tính linh hoạt cho cơ thể là cực kỳ quan trọng đối với họ, vì những người dạng năng lượng Kapha có xu hướng cơ thể trở nên quá cứng nhắc hoặc cứng cơ bắp.

2. Chào Mặt Trời (Suryanamaskar - Sun Salutation)

Bài thực hành Chào Mặt Trời sẽ rất tốt cho năng lượng Kapha và giúp điều trị bệnh béo phì và trầm cảm, đây là hai chứng bệnh phổ biến của những người thể trạng Kapha. Vì vậy, chuỗi Chào Mặt Trời rất lý tưởng dành cho người có năng lượng Kapha, vì các tư thế của chuỗi chuyển động liên tục, tạo ra nhiệt và mở rộng lồng ngực.

Lưu ý:

  • Tất cả mọi người ở ba thể trạng năng lượng Vata, Pitta và Kapha, họ đều có thể được hưởng lợi từ chuỗi Chào của Mặt Trời trong khoảng thời gian năng lượng Kapha chi phối. Miễn là họ không bị mất cân bằng nghiêm trọng năng lượng Pitta hoặc Vata.
  • Thời Gian Kapha: Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, và từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối.
  • Những người có tính chất năng lượng Kapha nên lặp đi lặp lại nhiều lần và thực hiện chuỗi Chào Mặt Trời với nhịp độ nhanh.
  • Mặc dù nói chung những người có năng lượng Vata nên tránh chuỗi Chào Mặt Trời. Tuy nhiên, việc thực hành chuỗi Chào Mặt Trời một cách chậm rãi với nhận thức sâu sắc, sẽ làm giảm các khuynh hướng trầm trọng bởi sự mất cân bằng Vata.
  • Những người có năng lượng Pitta nên hạn chế lặp lại nhiều lần, vì bài thực hành này tạo ra nhiều nhiệt và gây nóng.
  • Rất ít tư thế Yoga nào có hại cho những người thể trạng năng lượng Kapha, vì họ được hưởng lợi từ tất cả các hình thức thực hành căng giãn và chuyển động. Tuy nhiên, hai khu vực yếu của cơ thể đối với những người có năng lượng Kapha là phổi và thận. Vì vậy, các tư thế Yoga gây áp lực quá mức lên vùng bụng dưới, chẳng hạn như tư thế Cánh Cung (Dhanurasana), nếu giữ tư thế này quá lâu có thể ảnh hưởng xấu đến thận.

Tham khảo thêm: Chuỗi chào mặt trời - 5 lý do quan trọng để bạn không nên bỏ qua

CÁC YẾU TỐ KHÁC

Hãy hiểu rõ các yếu tố sau đây để tùy chỉnh thực hành Yoga hoặc các lớp học Yoga của bạn sao cho phù hợp nhất.

1. Mùa Trong Năm

  • Mùa hè là mùa ở Pitta với tính chất nóng và ẩm. Đôi khi nó có xu hướng ẩm ướt và cường độ nắng nóng và làm khô đất.
  • Mùa thu là mùa Vata với những tính chất khô và lạnh. Có gió nhiều sẽ gây ra các hiệu ứng với màu nâu-vàng của cây cối, nứt nẻ hoặc thô ráp.
  • Mùa đông là mùa Kapha lạnh và ẩm ướt. Thời gian ngủ đông chậm chạp, buồn tẻ và nặng nề.

2. Thời Gian Trong Ngày

Lớp học Yoga, chương trình hoặc hội thảo về Yoga dự kiến ​​sẽ diễn ra vào thời gian nào trong ngày? Các thời điểm khác nhau trong ngày sẽ được thể hiện một cách rõ ràng qua nhiệt độ và chu kỳ trong tự nhiên.

  • Thời Gian Vata: Từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng, từ 2 giờ chiều đến 6 giờ chiều. Đây là thời gian tốt nhất để thực hành tâm linh, cũng như tất cả các tư thế Yoga, pranayama và thiền định.
  • Thời Gian Pitta : Từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Đây là thời điểm nóng nhất trong ngày, và tốt nhất là tránh các bài thực hành Yoga năng động, hoặc các tư thế Yoga làm cơ thể quá nóng.
  • Thời Gian Kapha: Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng, từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối. Đây là thời điểm thích hợp để luyện tập năng động vì chúng ta thường bắt đầu cảm thấy uể oải và không muốn di chuyển.

3. Tuổi Tác

  • Thời thơ ấu từ 0-16 tuổi. Đây là thời kỳ Kapha, thời gian để phát triển và trưởng thành.
  • Tuổi trưởng thành từ 16-50 tuổi. Đây là thời kỳ của Pitta, thời gian dành cho tham vọng và nỗ lực.
  • Tuổi 50 cho đến cuối cuộc đời. Đây là thời kỳ của Vata, khoảng thời gian dành cho sự sáng suốt / hiểu biết và sống chậm lại.

Giáo viên Yoga nên xem xét độ tuổi của học viên khi lập kế hoạch theo các chuỗi tư thế. Do đó, một lớp học theo chủ đề nên tập trung vào các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Ví dụ: Những người ở thời kỳ Vata, đặc biệt là phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, các tư thế Yoga cũng phải phù hợp với độ tuổi của họ.

Có thể bạn quan tâm: 7 Phương pháp Ayurveda để giải phóng năng lượng trì trệ cho ngôi nhà của bạn

Tác giả: Dr. Marc Halpern (Chuyên gia về Ayurveda) | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: