Giỏ hàng
Tài khoản

Tất cả những điều bạn cần biết về yoga đối với sự cân bằng các hoóc môn

calendar 03/04/2020 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

yoga đối với sự cân bằng các hoóc môn

Yoga liên quan như thế nào đối với các hoóc môn (hormone) của bạn? Rất nhiều! Chỉ cần bạn thực hiện mỗi tư thế yoga khác nhau, chúng đều có tác động đến hệ nội tiết (Endocrine) trong cơ thể - Chính điều này làm cho yoga trở thành một biện pháp tuyệt vời để hỗ trợ hệ nội tiết và duy trì sự cân bằng các hoóc môn của bạn. Bằng các tư thế yoga có trọng tâm và mục đích, chúng ta có thể sử dụng một bài thực hành yoga để duy trì sự cân bằng các hoóc môn và giúp giải quyết các chứng bệnh phổ biến do mất cân bằng hệ nội tiết.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA NHẬN BIẾT KHI CÁC HOÓC MÔN MẤT CÂN BẰNG?

Các triệu chứng mất cân bằng hoóc môn tạo nên một danh sách dài và đa dạng, bao gồm: Tăng cân, chu kỳ kinh nguyệt không đều, hội chứng tiền kinh nguyệt, đau lưng, giảm ham muốn tình dục, mất ngủ, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, mất cân bằng tuyến giáp, vấn đề về sinh sản, bốc hỏa, chức năng miễn dịch kém, lo lắng, trầm cảm và mất cân bằng đường huyết. Đó là những triệu chứng đáng chú ý nhất. Nếu bạn nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào trong số đó, thì không chỉ riêng mình bạn. Nhiều người đã chấp nhận các triệu chứng này và xem chúng như những thứ "bình thường", họ không hề quan tâm đến chúng. Nhưng trên thực tế, tất cả các triệu chứng này đều liên quan đến sự mất cân bằng các hoóc môn. Bằng cách chọn lựa các tư thế yoga có tác dụng cân bằng toàn bộ hệ nội tiết, cũng như các tư thế tác động vào các tuyến nội tiết cụ thể trong hệ nội tiết, chúng ta sẽ giúp hệ nội tiết trở lại cân bằng. Khi các hoóc môn được cân bằng, nhiều triệu chứng trong số đó có thể được giảm bớt. Liệu điều này có thực sự trở thành hiện thực không? Nếu quả thật đúng như vậy, xin các bạn hãy đọc tiếp!

YOGA TÁC ĐỘNG ĐẾN HỆ NỘI TIẾT NHƯ THẾ NÀO?

Bằng cách thực hiện một bài tập yoga hiệu quả hàng ngày, chỉ cần những tác động khả quan đáng kể chúng ta có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện khả năng sinh sản, cân bằng tuyến giáp và cải thiện tâm trạng. Bí quyết là, phải hiểu về hệ nội tiết và tìm hiểu xem mỗi tuyến nội tiết có tác dụng gì đối với chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể chọn lựa việc kết hợp các tư thế yoga vào bài tập hàng ngày để nhắm vào các tuyến nội tiết và hoóc môn cụ thể, điều này tùy thuộc vào những triệu chứng chúng ta đang gặp phải. Ngoài ra, chúng ta có thể chọn một thực hành giúp kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, giúp làm giảm căng thẳng một cách tổng quát.

Mặc dù mỗi tuyến trong hệ nội tiết có chức năng riêng biệt và có thể gây ra các triệu chứng cụ thể nếu nó bị mất cân bằng. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là, toàn bộ hệ nội tiết chỉ là một hệ thống. Như vậy, một tuyến bị mất cân bằng cũng có khả năng ảnh hưởng đến các tuyến khác trong hệ thống. Vì vậy, khi chúng ta lựa chọn các tư thế yoga để tác động đến các tuyến nội tiết nhất định, thì điều quan trọng là, những tư thế yoga này sẽ giúp duy trì sự cân bằng cho cả toàn bộ hệ nội tiết.

ĐIỀU GÌ KHIẾN CÁC HOÓC MÔN CỦA CHÚNG TA MẤT CÂN BẰNG?

Câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là lối sống của chúng ta. Có thể do những nguyên nhân về thể chất, chẳng hạn như một khối u hoặc sự tăng trưởng quá mức của một tuyến trong các tuyến nội tiết, nhưng những trường hợp này ít khi xẩy ra. Phần lớn sự mất cân bằng các hoóc môn là do các tác nhân trong đời sống hàng ngày, bao gồm: Sự căng thẳng không được kiểm soát, chế độ ăn uống kém và các tác nhân từ môi trường sống. Chẳng hạn, nếu chúng ta thường xuyên bị căng thẳng và thiếu biện pháp để kiểm soát sự căng thẳng này, thì tuyến thượng thận của chúng ta sẽ bị suy yếu. Hoặc là, nếu chúng ta có một chế độ ăn uống nhiều cacbon hydrat (tinh bột) và đường, thì tuyến tụy của chúng ta sẽ hoạt động quá mức, vì phải cố gắng để bổ xung đủ mức insulin cho việc hấp thụ tất cả lượng đường đó. Hoặc là, nếu chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để sản xuất các hoóc môn, thì toàn bộ hệ nội tiết của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Hoặc là, nếu chúng ta hấp thụ các độc tố từ môi trường có trong thực phẩm, mỹ phẩm, trong không khí mà chúng ta hít thở và trong nguồn nước chúng ta uống, thì hệ nội tiết của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì, những chất độc này gây ra sự rối loạn cho hệ nội tiết. Và, nếu công việc của chúng ta ít vận động (văn phòng) và không tập thể dục thường xuyên, thì hệ bạch huyết của chúng ta không thể đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.

YOGA CÓ THỂ HỖ TRỢ NHƯ THẾ NÀO?

Trong những năm qua với những nghiên cứu khoa học. Vai trò của Yoga trong việc làm giảm căng thẳng đã được ghi nhận một cách đầy đủ. Thực hiện một bài tập yoga êm dịu hàng ngày, trong đó tập trung vào việc làm giảm căng thẳng sẽ là một khởi đầu tốt để giúp cân bằng tuyến thượng thận, điều này có thể tác động đến nhiều tuyến khác nếu chúng bị suy yếu do phải làm việc quá sức. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý rằng! Không phải tất cả thực hành yoga đều làm giảm sự căng thẳng. Một số thực hành yoga mạnh mẽ khiến cho cơ thể bạn giải phóng endorphin - những hoóc môn "Hạnh phúc" này có liên quan đến "Sự hưng phấn". Nhưng trên thực tế, chúng đồng thời cũng gây ra sự căng thẳng cho cơ thể, và tạo ra sự quá tải cho tuyến thượng thận. (Chạy bộ thực sự đã được chứng minh là làm tăng mức độ hoóc môn gây căng thẳng cortisol trong máu).

Gần một phòng tập yoga nơi tôi dạy ở Seattle, một nghệ sĩ đường phố vô gia cư thường ngồi trên vỉa hè và ông bán các tác phẩm nghệ thuật của mình. Tôi thường nói chuyện với ông ấy trên đường đến lớp yoga của mình. Sau đó, một phòng tập yoga mới khai trương ở trong khu phố, nó quảng cáo với một thương hiệu yoga nóng (Hot Yoga) và mạnh mẽ. Vài tháng sau, khi tôi dừng lại để nói chuyện với ông bạn nghệ sĩ của mình, ông ấy hỏi tôi, "Cô có phải là giáo viên yoga không?" Khi tôi trả lời, "Vâng", ông ấy đã nói, "Được rồi! Hãy cho tôi hỏi cô vài điều. Tôi thấy những người đi vào phòng tập mới này, khi họ bước ra trông họ còn tệ hơn so với lúc họ đi vào! Tôi đã tự hỏi yoga chắc là tốt đối với cô?". Ông nghệ sĩ này không có kiến ​​thức khoa học, nhưng ông ta có cơ hội và năng lực quan sát của một người nghệ sĩ. Loại hình thức yoga này (Hot Yoga) có thể có những lợi ích khác. Chẳng hạn như, đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể bạn, nhưng nó không phải là loại thực hành yoga tốt nhất để làm giảm sự căng thẳng và cân bằng hệ nội tiết.

LỰA CHỌN CÁC TƯ THẾ ĐỂ GIẢI QUYẾT SỰ MẤT CÂN BẰNG HOÓC MÔN

Bằng sự lựa chọn, nếu chúng ta muốn chống lại các tác động căng thẳng và giải quyết sự mất cân bằng hoóc môn bằng thực hành yoga, chúng ta nên có một bài thực hành bao gồm: Các tư thế dành cho mỗi trung tâm nội tiết chính, và cũng để làm dịu hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, nếu chúng ta nhận biết được mình có những triệu chứng riêng biệt liên quan đến những hoóc môn cụ thể, thì chúng ta cũng có thể tập trung vào một số trung tâm nội tiết nhất định trong thực hành của mình. Ví dụ, tuyến giáp là một trong những tuyến bị mất cân bằng ở nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Tuyến giáp giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất - tức là, chúng ta tiêu hóa thức ăn như thế nào, nhanh hay chậm. Vì vậy, chúng ta có thể chọn những tư thế cụ thể để hỗ trợ và cân bằng tuyến giáp. Những tư thế làm căng giãn hoặc ép cổ họng, hoặc tạo ra sự rung động trong cổ họng, chúng rất hữu ích cho việc này.

Để tập trung vào tuyến giáp, chúng ta có thể chọn các tư thế như:

  • Tư thế Cây Cầu (Setu Bandha Sarvangasana - Bridge Pose).

Tư thế Cây Cầu (Setu Bandha Sarvangasana - Bridge Pose)

  • Tư thế Cái Cày (Halasana - Plow Pose).

Tư thế Cái Cày (Halasana - Plow Pose).

  • Tư thế Con Cá (Matsyasana - Fish Pose).

Tư thế Con Cá (Matsyasana - Fish Pose)

  • Tư thế Bánh Xe (Chakarasana - Wheel Pose).

Tư thế Bánh Xe (Chakarasana - Wheel Pose)

  • Tư thế Lạc Đà (Ushtrasana - Camel Pose).

Tư thế Lạc Đà (Ushtrasana - Camel Pose)

Tác động tới tuyến giáp và cận giáp:

  • Tư thế Đứng Trên Vai (Sarvangasana - Shoulder Stand).

Tư thế Đứng Trên Vai (Sarvangasana - Shoulder Stand)

Tác động tới tuyến thượng thận:

  • Tư thế Rắn Hổ Mang (Bhujangasana - Cobra Pose).

Tư thế Rắn Hổ Mang (Bhujangasana - Cobra Pose)

  • Tư thế Lạc Đà (Ushtrasana - Camel Pose) - hình phía trên.
  • Tư thế Châu Chấu (Salabhasana - Locust pose).

Tư thế Châu Chấu (Salabhasana - Locust pose)

  • Tư thế Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose).

Tư thế Cánh Cung (Dhanurasana - Bow Pose)

  • Tư thế Ngồi Gập Người (Paschimottanasana - Seated Forward Bend).

Tư thế Ngồi Gập Người (Paschimottanasana - Seated Forward Bend)

Tác động tới tuyến tùng và tuyến yên:

  • Tư thế Đứng Bằng Đầu (Salamba Shirshasana - Head Stand).

Tư thế Đứng Bằng Đầu (Salamba Shirshasana - Head Stand)

  • một số kỹ thuật thở tạo ra sự rung động trong cổ họng như: Hơi Thở Chiến Thắng (Ujjayi Pranayama - Victory / Ocean Breath) hoặc Hơi Thở Tụng Thần Chú (Udgeeth Prnayama - Chanting Breathing).

HÊ NỘI TIẾT VÀ HỆ THỐNG LUÂN XA

Từ góc độ yoga, thật thú vị khi nhận thấy rằng hệ nội tiết được liên kết rất chặt chẽ với hệ thống luân xa (các trung tâm năng lượng trong cơ thể). Nếu bạn quan sát một bản đồ của cơ thể, chúng cho thấy rằng, vị trí của bảy luân xa chính cùng liền kề với sơ đồ của hệ nội tiết. Bạn sẽ thấy rằng mỗi luân xa chính chứa một, hoặc đôi khi hai tuyến nội tiết. Do tác động sâu xa của các hoóc môn đối với sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của chúng ta. Đó là điều hợp lý khi các tuyến nội tiết được liên kết với các luân xa, đây cũng là "Các trung tâm năng lượng", và chúng cũng tác động đến sức khỏe thể chất, cảm xúc, tinh thần và thậm chí cả tâm linh của chúng ta nữa. Tham khảo: Mối liên hệ giữa các luân xa bị tắc nghẽn và bệnh tật.

VỀ TÁC GIẢ:

Lynn Jensen là một giáo viên yoga và cũng là một nhà yoga trị liệu. Cô đã giảng dạy yoga từ năm 1997. Niềm đam mê của cô là giảng dạy phụ nữ về thực hành yoga để hỗ trợ cho sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc. Lynn giảng dạy yoga cho các lớp học về sinh sản, các cuộc hội thảo và đào tạo giáo viên yoga. Cô là đồng tác giả của 2 cuốn sách "Yoga cho khả năng sinh sản", "Hành trình hướng tới sức khỏe và chữa bệnh".
---
Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa từ Internet.

Viết bình luận của bạn: