Giỏ hàng
Tài khoản

Những vấn đề cần lưu ý về cà phê và trà đối với thiền định

calendar 01/10/2021 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Những lưu ý về cà phê và trà đối với thiền định

ẢNH HƯỞNG CỦA CÀ PHÊ ĐỐI VỚI THIỀN ĐỊNH

Ayurveda (Tri thức cuộc sống) đã nói một cách rõ ràng rằng, cà phê là chất kích thích và thuộc danh mục thực phẩm Rajasic (kích thích). Trong nhiều trường hợp, thực phẩm Rajasic được coi là tốt để tăng cường hiệu suất hoạt động của cơ thể và tâm trí. Chẳng hạn như, trong thi đấu thể thao hoặc các hoạt động trong công việc thường ngày - khi chúng ta muốn thúc đẩy cơ thể hoặc tâm trí đến giới hạn tối đa của chúng.

Tôi ở đây không phải để thuyết phục bạn rằng, Caffeine không tốt và nên dừng hoàn toàn việc uống cà phê. Vì hiện tại bản thân tôi vẫn uống 2 đến 3 tách cà phê mỗi tuần.

Trước kia tôi thường uống 4 đến 5 tách cà phê mỗi ngày. Giả sử, một tách cà phê cung cấp khoảng 130 mg Caffeine, hãy nhân nó với 5 và đó là số lượng mà tôi tiêu thụ mỗi ngày, nó vượt quá liều lượng Caffeine được khuyến nghị (300 mg) cho một ngày.

Toàn bộ hệ thần kinh của tôi đã bị ảnh hưởng và không dễ dàng để duy trì sự chú tâm trong thời khắc hiện tại. Mức độ lo lắng, căng thẳng, bồn chồn của tôi cũng cao ngất ngưởng. Vì vậy, tôi hầu như không thể tập trung tâm trí để tận hưởng những giây phút thực hành thiền chánh niệm (tập trung tâm trí).

Sau đó, tôi bắt đầu cắt giảm lượng Caffeine tiêu thụ mỗi ngày. Và thật ngạc nhiên, tôi đã cảm thấy tràn đầy năng lượng và năng động hơn trước. Tất nhiên, mức độ lo lắng, căng thẳng, bồn chồn của tôi cũng giảm đáng kể. Đồng thời, tôi có thể ngồi lâu hơn trong các buổi thiền định của mình.

Cơ thể chúng ta mỗi người đều khác nhau, tất cả chúng ta đều có những phản ứng khác nhau với liều lượng Caffeine. Nếu bạn thường xuyên uống cà phê và đồng thời thực hành thiền định, bạn cần lưu ý mức độ ảnh hưởng của Caffeine đối với cơ thể mình, để điều chỉnh liều lượng Caffeine nạp vào một cách thích hợp nhất.

1. Caffeine Ảnh Hưởng Đến Não Bộ Như Thế Nào?

Trong khi hoạt động và thức tỉnh, cơ thể chúng ta liên tục giải phóng một loại chất hóa học có tên là "Adenosine", khi chất này được tích tụ nhiều trong não, nó sẽ làm chậm lại hoạt động của bộ não và khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Vào ban đêm, khi chúng ta đi vào giấc ngủ, nồng độ Adenosine giảm dần một cách tự nhiên - vào buổi sáng hôm sau chúng ta sẽ cảm thấy năng động trở lại.

Khi uống cà phê, lượng Caffeine sẽ ngăn chặn cơ thể giải phóng chất Adenosine và không cho phép nó tích tụ trong não. Do đó, bộ não của chúng ta không thể báo hiệu cho cơ thể biết rằng nó đang mệt mỏi, buồn ngủ. Đây chính xác là cách chúng ta tiếp tục hoạt động hàng giờ liền mà không cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ.

Ngoài ra, Caffeine cũng khiến cho cơ thể gia tăng giải phóng Adrenaline, hoóc môn "Chiến đấu - hoặc - Bỏ chạy" hay "phản ứng căng thẳng cấp tính". Nó làm tăng nhịp tim, bơm máu nhiều hơn và giãn nở khí quản của bạn. Điều này cũng tác động đến mức Dopamine (hoóc môn hạnh phúc) trong não - và kết quả là, bạn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

2. Tại Sao Cà Phê Không Tốt Cho Thiền Định?

Có một vùng trong bộ não được gọi là "Vỏ não trước" (Prefrontal Cortex - PFC). Đây là vùng phát triển nhất của bộ não chúng ta, nó có ảnh hưởng lớn đến các chức năng điều hành chính như ra quyết định, kiểm soát phản ứng, lý luận, giải quyết các vấn đề, tư duy sáng tạo và những hoạt động khác của não.

Các nghiên cứu gần đây về thiền định đã cho thấy sự gia tăng mật độ chất xám ở thùy trán. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự giảm kích thước của "Hạch hạnh nhân" (Amygdala), vùng liên quan đến phản ứng "Chiến đấu - hoặc - Bỏ chạy" hay "phản ứng căng thẳng cấp tính".

Một vùng khác của não được gọi là "Mạng Chế độ Mặc định" (Default Mode Network - DMN), vùng này có liên quan đến tâm trí lang thang hay còn gọi là “Tâm con khỉ”. "Mạng Chế độ Mặc định" cho thấy hoạt động của nó gia tăng khi chúng ta liên tục nhảy từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, và kiểu phản ứng này thường liên quan đến tâm trạng không vui và buồn tẻ.

Thực hành thiền chánh niệm (tập trung tâm trí) đã được chứng minh là làm giảm các hoạt động của "Mạng Chế độ Mặc định" hay "Tâm con khỉ". Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng Caffeine có tác động ngược lại đối với những trải nghiệm của thiền định.

Những vấn đề về cà phê và trà đối với thiền định

ẢNH HƯỞNG CỦA TRÀ ĐỐI VỚI THIỀN ĐỊNH
1. Chất L-theanine Trong Trà Giúp Tâm Trí Thư Giãn

Theo các nhà sử học, trà / chè (tea) đã từng được các nhà sư Phật giáo sử dụng trước mỗi buổi thiền định. Đặc biệt là ở Trung Hoa và Nhật Bản. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, vì loại trà Matcha từ rất lâu đã được các nhà sư Phật giáo ưa thích. Đây là loại trà được trồng trong bóng râm và có hàm lượng L-theanine cao nhất.

Tùy thuộc vào loại trà và cách pha chế, một tách trà chứa khoảng 40 đến 100 miligam Caffeine. Tuy nhiên, Caffeine chứa trong trà đem lại cảm giác hoàn toàn khác so với Caffeine của cà phê - cảm giác tỉnh táo nhưng dịu hơn, không quá khích thích hay hưng phấn và không bị lo lắng, bồn chồn.

Ngoài ra, L-theanine là một loại axít amin có sẵn trong trà, nó có tác dụng làm dịu tâm trí và hỗ trợ hoạt động sóng não, và dễ dàng đưa nó trở về trạng thái Alpha. Sóng não Alpha được đo trên điện não đồ (Electroencephalography - EEG), đây là sóng não tần số từ 8-14 Hz chu kỳ mỗi giây, nó tương tự với trạng thái “Tập trung - Tĩnh lặng” của thiền định.

2. Tác Động Của Sóng Não Hỗ Trợ Trạng Thái Phúc Lạc Trong Thiền Định

Tương tự như sóng não Alpha, chất chống ôxy hóa Catechin tự nhiên chứa trong trà có tác dụng làm lắng dịu tâm trí, và chúng cũng giúp nâng cao tâm trạng của người hành thiền, nhờ vào tác dụng của các thụ thể CB1 và ​​CB2. Thụ thể CB1 hay “Phân tử truyền tin” thực hiện công việc tuyệt vời trong việc điều chỉnh các chức năng của não bộ. Thụ thể CB2 đặc biệt được biết đến với vai trò chống lại chứng viêm trong cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch.

Cả hai thụ thể Cannabinoid này đều đóng vai trò bổ sung cho cơ thể. Chúng giống như "Yin-Yang / Âm-Dương" của hệ thống Endocannabinoid trong cơ thể chúng ta. Các thụ thể này thường được kích hoạt thông qua các hoạt động như tập thể dục, thực hành yoga, thiền định và các bài tập pranayama hít thở sâu. (Endocannabinoid - ECS: là một hệ thống tín hiệu tế bào phức tạp được xác định vào đầu những năm 1990 bởi các nhà nghiên cứu).

Có thể bạn quan tâm: Những thực phẩm cần lưu ý trong thực hành yoga và thiền định

Tác giả: Jagjot Singh | Dịch & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: