-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tại sao luôn thực hành pranayama trước khi thiền định?
05/05/2022 Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt
Tại sao chúng ta cần thực hành pranayama trước khi thiền định? Cùng tìm hiểu lý do đến từ 2 bậc thầy yoga sau đây:
Sri Sri Ravi Shankar
"Kiểm soát tâm trí bằng cấp độ hiện tại của chính nó là điều không thể. Điều này áp dụng cho bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta.
Để hướng tới sự ổn định của tâm trí, chúng ta phải biết những nguyên tắc cơ bản về năng lượng sống prana của chúng ta. Đây là toàn bộ khoa học về pranayama (kỹ thuật thở).
Khi năng lượng prana của chúng ta dao động, cảm xúc tâm trí của chúng ta cũng lên xuống và chao đảo theo như một chiếc tàu lượn. Khi năng lượng prana của bạn thấp, bạn sẽ cảm nhận những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận, nặng nề, cảm giác bồn chồn, hối tiếc cùng sự cảm nhận toàn bộ tính chất tiêu cực khác nhau. Khi năng lượng prana của bạn cao, bạn chắc chắn sẽ trải qua những cảm xúc tích cực như vui vẻ, nhiệt tình, hạnh phúc và cảm xúc dâng trào.
Điều giúp chúng ta gia tăng prana đó là thực hành pranayama. Bởi vì, bí mật nằm trong hơi thở của chính chúng ta! Hơi thở sẽ giúp kết nối cơ thể và tâm trí của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta liên kết chặt chẽ với cách thức chúng ta hít thở. Khi bạn buồn phiền, bạn sẽ cảm nhận 'hơi thở ra' kéo dài lâu hơn so với khi bạn vui vẻ. Tương tự như vậy, khi bạn bước vào một nơi tôn nghiêm (Đền thờ), hơi thở của bạn trở nên ổn định và điều hòa.
Pranayama là kỹ thuật đảo ngược chu kỳ lặp này của hơi thở và đem lại những lợi ích cho chúng ta, để kiểm soát những cảm xúc và tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu chú ý đến hơi thở của mình, chúng ta sẽ kiểm soát và điều hòa nó, điều này giúp chúng ta tiến gần hơn đến một chiều không gian mới bên trong tâm hồn - đó là sự bình yên và niềm hạnh phúc.
Một trong những thực hành pranayama phổ biến và hiệu quả nhất đối với thiền định đó là Nadi Shodhana - Thở Mũi Luân Phiên. Nadi shodhan được hiểu là quá trình làm sạch các Kênh Năng Lượng vi tế (Nadis) trong cơ thể. Ba Kênh Năng Lượng chính trong cơ thể là Ida - Mặt trăng, Pingala - Mặt trời và Sushumna - Kênh Trung tâm. Khi các Kênh Năng Lượng này bị tắc nghẽn do căng thẳng, nhiễm độc hoặc bị chấn thương. Ngoài việc cản trở trải nghiệm thực hành thiền định của bạn, điều gì sẽ xảy ra khi các kênh này bị tắc nghẽn?
- Ida Nadi - Kênh năng lượng Mặt trăng (nữ tính) bị tắc nghẽn, có liên quan đến bệnh trầm cảm, cảm cúm, cảm lạnh thông thường, sự tắc nghẽn lỗ mũi bên trái cũng làm cho việc tiêu hóa kém hơn.
- Pingala Nadi - Kênh năng lượng Mặt trời (nam tính) bị tắc nghẽn, dẫn đến tức giận, thất vọng, cơ thể quá nóng, khô, đói, tắc nghẽn ở lỗ mũi bên phải cũng làm giảm sự ham muốn.
- Sushumna Nadi - Kênh Năng lượng Trung tâm chạy xuyên suốt cột sống từ luân xa Gốc cho đến luân xa Vương miện, chức năng của kênh năng lượng này rất quan trọng nếu bạn muốn tĩnh tâm và nâng cao nhận thức của mình trong thiền định. Vì vậy, Nadi Shodhana - Thở Mũi Luân Phiên rất hữu ích cho thực hành thiền định của bạn".
Ked Suri
"Nhu cầu năng lượng prana cung cấp đầy đủ cho bộ não, không phải là điều dễ dàng. Bộ não là một cơ quan rất tinh tế. Do đó, nó cần một dạng năng lượng prana tinh tế cao cấp hơn, so với loại năng lượng prana thông thường mà cơ thể đang sử dụng. Việc hít thở sâu kích thích hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và các hệ khác trong cơ thể. Nhưng tác dụng của nó lên bộ não chỉ ở mức tối thiểu.
Có một sự khác biệt lớn giữa tác dụng của hơi thở có ý thức với hơi thở vô thức. Hít thở mà không có ý thức, sẽ "nuôi dưỡng" hoặc kích hoạt thùy não sau, nơi chứa bản năng của chúng ta. Hít thở với ý thức đầy đủ, sẽ kích hoạt thùy não trước, đây là trung tâm của ý thức và trực giác. Bằng cách kiểm soát và điều khiển qui trình hít thở một cách có ý thức, sẽ tác động trực tiếp đến thùy não trước.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta thường hít thở mà không có ý thức. Việc hít thở đã trở thành một tiến trình của tiềm thức, nó diễn ra theo bản năng. Việc hít thở không ý thức sẽ cung cấp năng lượng prana cho toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bộ não. Nhưng chỉ với số lượng rất ít, không đủ năng lượng prana tinh tế cao cấp cho sự tiến hóa và phát triển của tâm trí.
Nhận thức là nhân tố chính làm thay đổi tất cả mọi thứ. Hít thở hoặc thực hành pranayama (kỹ thuật thở) với nhận thức đầy đủ, nó sẽ chuyển biến năng lượng prana bình thường trở thành dạng năng lượng prana tinh tế cao cấp, mà bộ não cần sử dụng để duy trì các hoạt động của tâm trí.
Năng lượng prana được kích hoạt và tăng cường thông qua thực hành pranayama (kỹ thuật thở). Thực hành pranayama trước khi thiền định sẽ làm lắng dịu tâm trí, để chuẩn bị cho thiền định. Tuy nhiên, lý do rất quan trọng đối với tiến trình này. Đó là, trong tất cả các cơ quan của cơ thể, thì bộ não đòi hỏi mức năng lượng prana nhiều nhất. Hơn nữa, trong tất cả các hoạt động của tâm trí, thì thiền định cần mức năng lượng prana nhiều nhất.
Lưu ý: Hít thở bụng bình thường sẽ không được coi là thực hành pranayama - nếu nó không được kết hợp với Giữ Hơi Thở (Kumbhaka) và các Khóa Năng Lượng (Bandhas). Trong trường hợp này, khi hít vào và Giữ Hơi Thở sẽ được kết hợp với Khóa Cổ Họng (Jalandhara Bandha). Khi thở ra sẽ được kết hợp với Khóa Hậu Môn (Moola Bandha) và Khóa Ổ Bụng (Uddiyana Bandha). Khóa Hậu Môn và Khóa Ổ Bụng cũng được sử dụng nếu Giữ Hơi Thở bên ngoài (Bahya Kumbhaka: Giữ hơi khi thở ra hoàn toàn).
Sau bài tập Nadi Shodhana, bạn nên ngồi yên lặng và hít thở bình thường trong khoảng 1 phút. Điều này là để cho mức năng lượng prana mới tăng thêm cân bằng, điều hòa. Sau đó, bạn mới bắt đầu thực hành thiền định.
- Có thể bạn quan tâm: Bạn nên thực hành Kỹ thuật thở - Pranayama trước hay sau Tư thế yoga - Asana?
Tác giả: Sri Sri Ravi Shankar & Ked Suri | Tổng hợp & biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.