Giỏ hàng
Tài khoản

Tại sao thực hành Yoga của bạn không mang lại nhiều lợi ích?

calendar 08/03/2024 user Đăng bởi: Đồ tập Yoga Tốt

Tại sao thực hành Yoga của bạn không mang lại nhiều lợi ích?

Rất nhiều người cho rằng Yoga đã thay đổi cuộc đời họ. Yoga đã mang lại cho họ cảm giác kết nối với bản thân mình. Đồng thời, năng lượng, sự tập trung tinh thần và sự thanh thản nội tâm của họ đã gia tăng.

Nếu bạn đã từng thử tập luyện Yoga nhưng không cảm nhận được bất kỳ lợi ích nào. Trước khi bạn định từ bỏ Yoga, hãy cân nhắc rằng:

"Có rất nhiều điều bạn phải thực hiện đúng để thực sự đạt được những lợi ích sâu xa từ Yoga".

Dưới đây là những lý do hàng đầu khiến thực hành Yoga của bạn không hiệu quả.

1. Bạn Không Thực Hành Yoga Thường Xuyên

Thực hành Yoga ngắt quãng sẽ không đem lại kết quả. Bạn cần làm quen với việc tập luyện một cách liên tục và đều đặn. Điều này cho phép bạn học hỏi và tận hưởng Yoga mà không gặp khó khăn với các kỹ thuật thực hành của nó. Hơn nữa, những tác động của Yoga lên cơ thể và tâm trí bạn sẽ tích tụ theo thời gian tập luyện. Vì vậy, đừng mong đợi tất cả những lợi ích của Yoga sẽ xuất hiện ngay lập tức.

✦ Giải Pháp:

Hãy thực hành Yoga một cách đều đặn. Mỗi tuần một lần là mức tối thiểu. Mỗi ngày một lần là điều tuyệt vời nhất.

2. Bạn Không Thực Hành Yoga Trong Môi Trường Thuận Lợi

Để thực hành Yoga đem lại những lợi ích rõ ràng, môi trường tập luyện của bạn phải thuận lợi.

Bạn cần biết những điều kiện sau đây:

  • Không khí trong lành, sạch sẽ, nhiệt độ thích hợp và ổn định (không quá nóng hoặc quá lạnh).
  • Lớp học hoặc phòng tập Yoga sạch sẽ, ngăn nắp.
  • Không có côn trùng (kiến, ruồi, muỗi).
  • Bạn cần chắc chắn rằng mình sẽ không phải đối mặt với những phiền phức như vật nuôi trong nhà (chó, mèo), trẻ nhỏ, nhân viên giao hàng, chuông điện thoại hay tin nhắn. Tóm lại, hãy tránh bất cứ điều gì khiến bạn khó chịu và mất tập trung.
  • Không nên có TV, radio hoặc nhạc nền, vì chúng có thể khiến bạn mất tập trung.
  • Không cần phải là một môi trường hoàn toàn yên lặng, nhưng không nên có âm thanh xâm lấn.
  • Nếu bạn tập luyện theo nhóm thì không được phép tán gẫu trong phòng tập Yoga.

✦ Giải Pháp 1:

Nếu bạn đang tập luyện ở nhà, hãy tạo không gian cho riêng mình. Nó không cần phải là một không gian cố định. Đó có thể là những không gian khác nhau mỗi khi bạn luyện tập.

Nếu bạn sống chung với những người khác, hãy thực hành vào những lúc bạn chắc chắn rằng không ai làm phiền mình. Nếu cần, bạn nên thương lượng với mọi người trong gia đình mình, hãy trình bày rằng: "Thực hành Yoga sẽ khiến bạn cảm thấy nhiều năng lượng hơn và thư giãn hơn, điều này đem lại cảm giác thoải mái khi sống bên cạnh những người khác".

Tham khảo thêm: Bí quyết tạo nên không gian tập Yoga hoàn hảo tại nhà bằng 3 bước đơn giản

✦ Giải Pháp 2:

Một cách thuận tiện để có được điều kiện tập luyện tốt là trong các lớp học hoặc phòng tập Yoga. Nhưng hãy lựa chọn cẩn thận, vì một số nơi khi người quản lý phòng tập quan tâm đến môi trường thực hành Yoga tốt hơn những nơi khác.

Không gian luyện tập yoga tại nhà thoải mái

3. Buổi Tập Yoga Của Bạn Không Đủ Lâu

Để thực hành Yoga phát huy tác dụng, buổi tập của bạn phải đủ lâu để cơ thể và tâm trí bạn lắng dịu, sự tập trung được gia tăng. Nếu bạn chỉ luyện tập trong 10 hay 15 phút thì những tác động của Yoga sẽ bị hạn chế. Theo phong cách Yoga cổ điển mà tôi đang giảng dạy có kết hợp Asana, Pranayama và Thiền định - thực hành càng lâu, hiệu quả càng cao. Hầu hết các lớp học Yoga đều kéo dài một tiếng rưỡi. Nếu bạn đang tìm kiếm những lợi ích đáng kể, hãy coi đó là mức tối thiểu cho thời gian thực hành Yoga của bạn.

Ngay tại trung tâm thực hành chuyên sâu về Yoga và Thiền định của tôi, các buổi thực hành Yoga của tôi thường kéo dài hai giờ hoặc lâu hơn.

Có thể bạn không cần những buổi thực hành với thời lượng lâu hơn. Tuy nhiên, những hiểu biết và trải nghiệm, cùng những lợi ích sâu xa của Yoga mà bạn nhận được sẽ hữu ích hơn nhiều so với những buổi thực hành ngắn ngủi.

✦ Giải Pháp:

Hãy đặt mục tiêu thực hiện ít nhất một buổi thực hành Yoga với thời lượng lâu hơn vào mỗi tuần.

4. Thực Hành Yoga Của Bạn Có Nhịp Độ Quá Nhanh

Sự hiểu biết và quan niệm về Yoga hoàn toàn khác biệt đối với mỗi người. Một số người coi Yoga là một chế độ tập luyện kết hợp căng giãn cơ bắp, thư giãn và kích hoạt các kênh năng lượng vi tế - đối với họ, đó là một thực hành đầy trí tuệ. Nhưng một số khác, thậm chí họ coi Yoga là một bộ môn thể thao thích hợp để thi đấu - ở mức độ sâu xa hơn, những người này có xu hướng hiểu biết rất ít về những lợi ích thực sự của Yoga.

Vì vậy, thực hành Yoga được định hướng theo phong cách thể thao đã tạo ra các bài tập xung quanh các chuyển động năng động. Phong cách Yoga năng động cũng ổn - miễn là thực hành của bạn phải có đủ sự tĩnh lặng để duy trì sự cân bằng năng lượng. Nếu thực hành Yoga của bạn không có sự chậm rãi, thì nó vẫn chỉ mang phong cách rèn luyện thể chất và những tác động bề ngoài cơ thể, không đi sâu vào khai thác những lợi ích về mặt năng lương vi tế hay Prana. Do đó, những lợi ích mà bạn nhận được sẽ tương tự như những gì bạn nhận được từ các môn thể thao khác.

✦ Giải Pháp:

Hãy lựa họn một phong cách Yoga coi trọng sự tĩnh lặng và chuyển động chậm.

Tham khảo thêm: Phong cách Yoga nào phù hợp nhất với bạn? So sánh 3 kiểu Yoga cơ bản

5. Bạn Không Tận Dụng Được "Sức Mạnh Hơi Thở" Của Mình

Trong thực hành Yoga, các bài tập hít thở được gọi là Pranayama. Trong các văn bản hướng dẫn Yoga cổ xưa bằng tiếng Phạn, Pranayama quan trọng hơn nhiều so với Asana (tư thế Yoga). Chắc chắn rằng người ta có lý do chính đáng cho điều này. Bằng cách giữ hơi thở và hít thở chậm, bạn có thể tác động mạnh mẽ đến hệ thần kinh và năng lượng vi tế của mình. Trừ khi bạn kết hợp Pranayama trong quá trình luyện tập, nếu không thực hành của bạn sẽ thiếu một phần quan trọng của Yoga (từ 'Breath' theo nghĩa cổ xưa / archaic là "the Power of Breathing or Life", tiếng Việt là "Sức Mạnh Hơi thở hay Sự sống").

✦ Giải Pháp:

Hãy chắc chắn rằng thực hành của bạn bao gồm Pranayama. Hãy lựa chọn một giáo viên Yoga có trình độ. Trong thực hành và giảng dạy, tôi thường kết hợp Pranayama trong tất cả các lớp học Yoga và buổi tập của mình.

6. Thực Hành Yoga Của Bạn Thiếu Sự Tập Trung Và Thiền Định

Trong trường phái Yoga cổ điển, Thiền định là một thực hành thiết yếu (rất quan trọng và cần thiết). Tuy nhiên, nhiều phong cách Yoga hiện đại đã hoàn toàn bỏ qua nó. Thật đáng tiếc, vì việc thêm Thiền định vào Yoga sẽ khiến cho thực hành của bạn trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ngày nay, có rất nhiều bằng chứng khoa học về những lợi ích của Thiền định, nhiều hơn cả so với việc chỉ tập luyện Yoga đơn thuần.

✦ Giải Pháp:

Kết hợp tập luyện các tư thế Yoga với Thiền định, bao gồm ngồi thiền vào đầu hoặc cuối buổi tập của bạn. Nếu bạn cảm thấy khó kết hợp giữa Yoga và Thiền định, bạn có thể vừa đồng thời trải nghiệm Thiền định vừa tập luyện Yoga xen kẽ. Những hiểu biết sâu xa mà bạn có được từ Thiền định sẽ hữu ích cho thực hành Yoga của bạn.

7. Bạn Đang Tập Luyện Yoga Sai Trình Độ

Nếu bạn muốn có kết quả từ Yoga, bạn nên kiên nhẫn tập luyện để phát triển một nền tảng vững chắc về sức mạnh và tính linh hoạt cho cơ thể. Nhiều người lao vào thực hành khi cơ thể họ chưa sẵn sàng. Kết cục, họ có xu hướng nản lòng và bỏ cuộc. Điều này đã từng xảy ra, nếu bạn chưa quen hoặc muốn khám phá một phong cách Yoga nào đó, khi mới bắt đầu tập luyện.

Tuy nhiên, khi bạn đã nắm vững một trình độ nhất định và hoàn thiện các cấp độ cơ bản của thực hành Yoga - thì đừng ngại tiến xa hơn nữa.

✦ Giải Pháp:

Hãy kiên nhẫn trong thực hành và sáng suốt lựa chọn một phong cách Yoga phù hợp với khả năng của bạn.

8. Bạn Vẫn Chưa Tìm Được Giáo Viên Yoga Phù Hợp

Tất cả giáo viên Yoga đều có phong cách thực hành khác nhau. Mỗi người có quan điểm và cách tiếp cận Yoga theo cách riêng của họ. Ngoài ra, mỗi giáo viên Yoga đều có một cá tính riêng biệt, nó khiến bạn có ấn tượng tốt với người này nhiều hơn so với người khác. Thực hành Yoga với một giáo viên mà bạn có thể gắn kết và tin tưởng họ là một lợi thế.

✦ Giải Pháp:

Hãy thử tập luyện với nhiều giáo viên Yoga khác nhau. Sau đó, hãy lựa chọn người nào có thể khơi dậy ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết tiềm ẩn bên trong bạn.

Có thể bạn quan tâm: 10 Phẩm chất của một giáo viên Yoga giỏi

9. Bạn Không Dành Cho Mình Đủ Thời Gian Để Tiêu Hóa Thức Ăn

Không dành cho bản thân bạn đủ thời gian để tiêu hóa có thể góp phần tạo ra những tác động tiêu cực từ thực hành Yoga. Tập luyện ngay sau bữa ăn sẽ khiến bạn khó chịu, thậm chí có thể nôn mửa.

Trừ khi bữa ăn cuối cùng của bạn được tiêu hóa hết, nếu không năng lượng cơ thể bạn sẽ tập trung vào các hoạt động của cơ quan tiêu hóa, khiến bạn uể oải, buồn ngủ và mất tập trung. Hơn nữa, việc hít thở chậm khi thực hành Yoga sẽ trở thành một thách thức.

✦ Giải Pháp:

Hãy đảm bảo rằng bạn đã tiêu hóa hết thức ăn trước khi tập luyện. Đối với hầu hết các phong cách thực hành Yoga khác nhau, bạn cần tối thiểu 2 giờ, tối đa 4 giờ cho thời gian tiêu hóa hết thức ăn.

VỀ TÁC GIẢ:

Christian Mollenhoff là một giáo viên Yoga và Thiền định người Thụy Điển, hiện đang sống ở Paris, Pháp. Ông là một giáo viên cao cấp tại Yoga & Meditation Paris. Ông đã có nhiều năm kinh nghiệm về thực hành Hatha Yoga nâng cao và Thiền định theo phong cách Yoga truyền thống (cổ điển). Cho tới nay, ông đã có khoảng hơn 18.000 giờ thực hành cá nhân, cũng như khoảng hơn 8.000 giờ giảng dạy về Yoga và Thiền định. Không cần phải nói, Yoga đã trở thành một niềm đam mê của ông và ông luôn chia sẻ nó với cộng đồng Yoga trên khắp thế giới.

Những bài viết đã đăng của cùng tác giả Christian Mollenhoff:

Dịch và biên soạn: Thang Mlod | Ảnh minh họa: Internet.

Viết bình luận của bạn: